"Nhìn ra biển cả" một góc nhìn về Nguyễn Tất Thành

Bộ phim xoay quanh quãng thời gian từ 1908 đến 1910, khi đó, Nguyễn Tất Thành mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi...

Trong đợt chiếu phim Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 01/5 và kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Cục Điện ảnh phối hợp với Fafilm Việt Nam đã công chiếu bộ phim "Nhìn ra biển cả" (kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Vũ Châu, Hãng phim Truyện Hội Điện ảnh VN sản xuất). Đây là bộ phim kể về thời trẻ tuổi của Bác Hồ, tập trung vào quãng thời gian 2 năm Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết). Có thể nói, bộ phim là một góc nhìn khác khá mới lạ về thời trẻ tuổi của Bác Hồ...

Bộ phim xoay quanh quãng thời gian từ 1908 đến 1910, khi đó, Nguyễn Tất Thành mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Từ một học sinh trường Quốc học Huế, do tình nguyện làm thông ngôn cho bà con nông dân, tiểu thương trong một cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến mà Nguyễn Tất Thành đã bị buộc phải thôi học...

Nguyễn Tất Thành rời Huế và đi khắp dải miền Nam Trung bộ, sống cùng người dân và chứng kiến cuộc sống lầm than của nhân dân dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp... Sau đó, anh vào Phan Thiết dạy học ở trường Dục Thanh.

Ông Nguyễn Kim Cuông – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá về bộ phim: “Tôi cho rằng đây là bộ phim mang ý nghĩa rất tích cực nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác với sự sáng tạo của nhà biên kịch, của đạo diễn và đặc biệt là của anh chị em diễn viên đã cố gắng thể hiện được một bộ phim về Bác khác với nhiều bộ phim mà tôi đã từng xem. Qua bộ phim này soi rọi được những năm tháng nghiên cứu của Bác Hồ trước khi Người tìm đường ra nước ngoài để hoạt động cách mạng. Chúng tôi cho rằng các nhà điện ảnh Việt Nam đã có những đóng góp nhất định cho đề tài về Bác Hồ...

Bộ phim "Nhìn ra biển cả" có những trường đoạn khắc họa cuộc sống của thày trò trường Dục Thanh, khắc họa những mối quan hệ giữa Nguyễn Tất Thành với các cộng sự, với các nhà chí sĩ, với những người thân trong gia đình và đặc biệt là với các học trò thân thiết của mình...

Diễn viên trẻ Nguyễn Minh Đức, người đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành tâm sự: “Khi được hóa thân vào thầy giáo Nguyễn Tất Thành là Bác Hồ thời niên thiếu tôi thấy rất tự hào nhưng cũng có rất nhiều áp lực vì đây là một vai lớn. Tôi đã cố gắng nhiều và học hỏi rất nhiều để làm sao diễn thật tốt...”.

Nguyễn Minh Đức đã làm tròn vai diễn của mình, tuy nhiên theo cảm nhận của nhiều khán giả, về ngoại hình cũng như trong diễn xuất, anh vẫn chưa làm bật lên được sự cương nghị, tính cương quyết và phong thái của thầy giáo Nguyễn Tất Thành...

Các nhà làm phim đã cố ý nhấn mạnh những mối quan hệ và cuộc sống của thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh làm tiền đề cho quyết định "ra đi tìm đường cứu nước" của Bác Hồ sau này...

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ: “Chúng tôi cố gắng bằng ngôn ngữ rất dung dị, con người, đời thường, đoạn đầu đời của chủ tịch Hồ Chí Minh khi 18 tuổi tôi nghĩ là nó phải trong sáng, đẹp đẽ như thế. Trong tưởng tượng của người viết kịch tôi đã vừa dựa trên cơ sở tài liệu có thật, tư liệu có thật, mốc lịch sử có thật và cộng với tưởng tượng của mình cùng với tập thể đoàn phim đã làm được bộ phim. Tôi nghĩ là chúng tôi đã lao động hết mình, còn thành công đến đâu thì phải chờ xem sự đánh giá của khán giả...

Bộ phim đã thể hiện sự cố gắng của của đoàn làm phim và xét về khía cạnh minh họa lịch sử, đây là một thành công của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Vũ Châu và đoàn phim.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên