Những con phố mang tên tình yêu và sự phản bội

Tình yêu luôn thấm đượm trên những con đường, góc phố, các quảng trường Italy, và các góc cạnh của tình yêu còn được thể hiện trên những tên phố.

Nhà văn Pháp Christian Bobbin đã từng viết: "Một ngôi nhà không chỉ là gạch, mà còn cả tình yêu nữa". Nhưng tình yêu còn thấm đượm trên những con đường, góc phố, các quảng trường Italy, không chỉ là nơi các đôi đã hôn nhau, hò hẹn, hay giận dỗi. Tình yêu và các góc cạnh của nó còn được thể hiện trên những tên phố.

Một góc "Via del Bacio" (Đường nụ hôn). Ảnh: Anh Ngọc
 Có một lần, trong một chiều mùa xuân ghé qua Genoa, thành phố cảng miền Tây Bắc nước Ý, quê hương của Columbus, người đã tìm ra châu Mỹ, tôi đứng rất lâu trước một ngôi nhà. Trên một bức tường vàng vọt và lở loét vì thời gian, có một bảng đá ghi tên quảng trường nhỏ tôi đang đứng: "Amor perfetto" (tình yêu hoàn hảo). Quảng trường ấy là nơi có dinh thự của gia đình nàng Tommasina Spinola, người có một mối tình sét đánh với Vua Pháp Louis XII vào đầu thế kỉ 16. Nàng đã chết sau đó không phải vì sự trả thù của người chồng hay ghen, mà vì đau buồn, sau khi một tin đồn sai đến tai rằng, Louis XII đã chết trận.

Nhiều năm sau, biết tin về cái chết ấy, trong một chuyến đi tới nước Ý, Đức vua Pháp đã tới nhà nàng. Nhìn qua cửa sổ của dinh Spinola, từ một căn phòng nơi họ đã nhảy với nhau trong một bữa tiệc chào đón ngài đến đây vào năm 1502, ngài đã thốt lên câu này: "Đấy lẽ ra đã là một tình yêu hoàn hảo".

Một góc "Via delle Zoccolette" (Đường gái điếm). Ảnh: Anh Ngọc
 Tình yêu hoàn hảo có tồn tại hay không, tôi không biết nữa, nhưng những cái tên được gắn trên các quảng trường, các con phố như trên đều dễ dàng gợi lên rất nhiều tưởng tượng về những gì đã khiến người ta đặt tên như thế. Trên thực tế, trên đất nước của những người tôn thờ sự lãng mạn và đam mê, nơi mà tình yêu là lẽ sống và những gì còn lại của Thánh Tình yêu Valentine (có những hai thánh tử đạo Valentine tại Italy, một ở Rome, một ở Terni), những con phố liên quan đến tình yêu nhiều lắm. Chẳng hạn ở Cinque Terre, cách Genoa 200 cây số, có một con đường dài gần 1 km vắt vẻo lưng chừng núi, trên đường đi qua hai làng Riomaggiore và Manarola. Từ những năm 1970, nó được mang tên "Via dell'Amore" (Đường tình yêu). Có đôi đang yêu nhau nào lại không muốn hôn nhau ở đó, với phía trên là mây trời, phía trước là biển hoàng hôn hoặc bình minh, và sóng nước ở dưới chân mình?

Ở Pienza, một thành phố nhỏ thơ mộng của xứ Tuscany, có một đường mang tên "Via del Bacio" (Đường nụ hôn). Tại sao lại là "Đường nụ hôn"? Không ai rõ, chỉ biết rằng, vào năm 1968, đạo diễn huyền thoại Franco Zeffirelli đã chọn nơi này để quay nhiều cảnh bất hủ cho một bộ phim về bi kịch tình yêu lớn nhất mọi thời đại. Nó có tên "Romeo và Juliet". Nhưng cũng tồn tại một con đường có tên "Via del Bacio mancato" (Đường nụ hôn bị đánh mất) ở Schiappa delle Grise Neire, một thị trấn bé tí tẹo ở ngoại ô Turin. Ai đó đã đánh mất nụ hôn ấy, khi nàng không cho cơ hội và một mối tình nào đó đã kết thúc, hoặc đã không thể diễn ra? Bên tai tôi văng vẳng những câu thơ về nụ hôn của nhà thơ thời La Mã Caio Catullo: "Hãy hôn anh nghìn lần, rồi trăm lần/Rồi nghìn lần và một trăm nữa/ Rồi nghìn lần và một trăm nữa/Và rồi chúng ta sẽ đếm được hàng nghìn lần như thế". Có những cái hôn đã trao, hàng nghìn lần. Có những cái hôn không thể thực hiện. Và có những cuộc tình dang dở.

"Via delle palle" (Đường dối lừa). Ảnh: Anh Ngọc
 Nhưng những sự tiếc nuối như thế trong tình yêu thể hiện trên các tên phố không nhiều. Tình yêu kiểu Italy nhiều khi còn mang các nghĩa trần trụi. Sự ve vãn, quyến rũ và tình dục, điều mà những người Ý đa tình rất giỏi và các tên phố thể hiện quá khứ gắn liền với xác thịt. Tại Napoli, có một con phố mang tên Casanova, để tưởng nhớ đến một nhân vật gốc Venice nổi đình đám trong thế kỉ 18 với "chiến công" đã quyến rũ được hàng nghìn người phụ nữ từ trẻ đến già. Ở Rome, có một phố mang tên "Via delle Zoccolette" (Đường gái điếm). Nó mang tên như thế bởi ở đây, vào thế kỉ 18, từng có một ngôi trường dành riêng cho những người con gái bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ, là nạn nhân của những mối tình vụng trộm.

Cũng liên quan đến gái làng chơi, ở Catania có một con phố cổ mang cái tên rất thi vị "Via della Luciola" ("Đường đom đóm", nhưng còn có nghĩa bóng là "gái điếm"). Tại Foggia, có một con phố mà nhiều người dân nơi này chẳng muốn nhắc đến, bởi đó từng là nơi hành nghề của các gái mại dâm cách đây nhiều thế kỉ, "Via della Troia" (Phố gái làm tiền). Còn ở Donzella, miền Đông Bắc Italy, có một con phố mang tên bộ phận sinh dục nữ! Bạn có còn thấy nước Ý lãng mạn nữa không?

Cho tay vào "Bocca della Verita" (Cái mồm của sự thật). Ảnh: Anh Ngọc
 Tình yêu không chỉ có sự lãng mạn và nhục dục, mà còn nhiều cung bậc khác, chẳng hạn như sự phản bội. Ở Pomponesco, ngoại ô Mantova, miền Bắc Italy, có "Via del Peccato" (Đường tội lỗi), có lẽ là một sự nhắc nhở với những ai đã ngoại tình. Ở Sciacca trên đảo Sicily, có "Via Torre del Tradimento" (Đường Tháp phản bội), ở ngoại ô Cremona, miền Bắc Italy, có "Via della Corna" (Đường cắm sừng) và tại Anzio, cách thủ đô Rome chừng 40 cây số, có "Via del Triangolo" (Đường mối tình tay ba). Ở Ferrara, người dân nơi này vẫn thỉnh thoảng đùa rằng, nơi đây còn lãng mạn hơn Verona, thành phố của Romeo và Juliet nhiều, bởi tại đây có "Via degli amanti" (Đường nhân tình). Chưa hết, ở Rome có "Via delle palle" (Đường dối lừa) và ở Carrara, thành phố nổi tiếng với các mỏ đá cẩm thạch, có "Il Ponte della bugia" (Cầu lừa dối). Chưa hết, ở cả Rome lẫn Catania đều có phố "Via delle lite" (Phố cãi vã). Tại Nuoro, đảo Sardegna, có "Viale della Solitudine" (Phố cô đơn). Còn ở Volterra, miền Trung nước Ý, có "Vicolo degli Abbandonati" (Phố của những người bị bỏ rơi). Những con phố ấy đều mang tên như thế từ nhiều thế kỉ trước.

Điều gì đã khiến người xưa đặt tên như thế. Một người bạn của tôi, một nhà báo, giải thích một cách rất nhân văn: "Người ta làm như thế là để răn dạy người đời phải biết chung thủy và trân trọng giá trị của tình yêu, của cuộc sống lứa đôi". Nhưng một ông bạn khác, một tay rất tinh nghịch và từng li dị vợ hai lần, nháy mắt bảo: "Điều ấy phản ánh một sự thật từ thời cổ chí kim, như một câu ngạn ngữ rằng, "không có hiệp sĩ Ý nào không giắt dao găm dưới lớp áo giáp, chẳng phụ nữ Ý nào mà không có bồ". Xem ra ông bạn có lí. Những thống kê cho thấy có tới gần 90% thanh thiếu niên Ý cho đến tuổi 16 có ít nhất hai năm yêu một ai đó, số vụ li dị và li thân tăng mạnh, và mức tăng đáng kinh ngạc nhất là ở các cụ tuổi trên 70, điều chưa từng xảy ra trước kia. Các lực lượng chính trị và cả những người đang yêu (ai đó) ở Italy đã đấu tranh ròng rã trong nhiều thập kỉ, để rồi cuối năm ngoái, luật cho phép li hôn nhanh chóng, theo cách cắt giảm thời gian chờ đợi giải quyết các vụ li dị và li thân, đã được thông qua. Để rồi các nhà tâm lí học và xã hội học đưa ra một ý kiến cảnh báo: với luật này, các gia đình sẽ nhanh chóng tan vỡ hơn.

Vậy đó, nước Ý không chỉ có những cảm xúc lãng mạn và những câu chuyện tình của Romeo và Juliet. Vào ngày Lễ Tình yêu, có hàng nghìn đôi uyên ương đổ về để kỉ niệm tình yêu của họ, hoặc để cầu hôn, dưới ban công nhà nàng Juliet ở Verona, những người khác đến Terni, xứ Umbria, để thăm thi thể của thánh Tình yêu Valentine, người đã bị xử tử sau khi tác thành duyên số của một người lính La Mã và một cô gái Công giáo, vào thời điểm đạo này bị cấm, hoặc đến nhà thờ Santa Maria in Cosmedin, để cho tay vào "Bocca della Verita" (Cái mồm của sự thật) và kiểm tra sự chung thủy của nhau (người ta bảo, nếu nói dối, cái mồm có gương mặt sư tử ấy sẽ cắn đứt tay). Nhưng cũng có không ít người khác đón nhận ngày lễ này trong một tâm trạng khác, suy nghĩ khác, khi chính những con phố buồn bã và đầy bi kịch nói trên thể hiện phần nào những gì họ đã trải qua trong cuộc sống hôn nhân, hoặc rộng hơn, là trong tình yêu.

Nhưng dù thế nào đi nữa, tình yêu vẫn là mãi mãi. Các đôi uyên ương ở Ý luôn thích làm hôn lễ hoặc chụp ảnh đám cưới trước mộ của Romeo, nơi chàng và Juliet cùng chết, đồng nghĩa với việc ở nơi ấy tình yêu chết đi và thành bất tử, hơn là đứng dưới ban công nhà Juliet ở Verona, nơi Romeo đã tỏ tình với Juliet, nghĩa là nơi tình yêu đã sinh ra. Bi kịch là một sự nhắc nhở, để tất cả yêu nhau hơn nữa chăng?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sắc màu tình yêu: Bộ đôi sách chào đón Valentine
Sắc màu tình yêu: Bộ đôi sách chào đón Valentine

VOV.VN -Nếu bạn đang e dè chưa dám ngỏ lời yêu, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn thêm sự tự tin, với gợi ý là những cách tỏ tình độc đáo, dễ thương   

Sắc màu tình yêu: Bộ đôi sách chào đón Valentine

Sắc màu tình yêu: Bộ đôi sách chào đón Valentine

VOV.VN -Nếu bạn đang e dè chưa dám ngỏ lời yêu, cuốn sách sẽ mang lại cho bạn thêm sự tự tin, với gợi ý là những cách tỏ tình độc đáo, dễ thương   

Bộ ảnh “Tình yêu ở quanh ta” cực lãng mạn cho ngày Valentine
Bộ ảnh “Tình yêu ở quanh ta” cực lãng mạn cho ngày Valentine

VOV.VN -Nghệ sĩ nhiếp ảnh đường phố người Pháp - Mikael Theimer đã ghi lại khoảnh khắc ngọt ngào của các cặp uyên ương giữa những chốn đông người.

Bộ ảnh “Tình yêu ở quanh ta” cực lãng mạn cho ngày Valentine

Bộ ảnh “Tình yêu ở quanh ta” cực lãng mạn cho ngày Valentine

VOV.VN -Nghệ sĩ nhiếp ảnh đường phố người Pháp - Mikael Theimer đã ghi lại khoảnh khắc ngọt ngào của các cặp uyên ương giữa những chốn đông người.

Ngày lễ Tình yêu nghe “thần đồng” Jayden Trịnh hát “Stand By Me“
Ngày lễ Tình yêu nghe “thần đồng” Jayden Trịnh hát “Stand By Me“

VOV.VN - Gần 50 năm sau khi ra đời, bài hát "Stand By Me" vẫn mang đến những cảm xúc vô tận.

Ngày lễ Tình yêu nghe “thần đồng” Jayden Trịnh hát “Stand By Me“

Ngày lễ Tình yêu nghe “thần đồng” Jayden Trịnh hát “Stand By Me“

VOV.VN - Gần 50 năm sau khi ra đời, bài hát "Stand By Me" vẫn mang đến những cảm xúc vô tận.