Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán
VOV.VN - Tết Nguyên đán là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.
Tết Nguyên đán là thời điểm chuyển giao của năm cũ sang năm mới, cũng là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất đối với người Việt. Từ ngàn năm nay, Tết Nguyên đán đã trở thành phong tục, tập quán, là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, phản ánh tinh thần hoà điệu giữa con người và thiên nhiên đất trời.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Trung Vũ, từng công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, tác giả cuốn sách “Tết cổ truyền của người Việt” về Tết Nguyên đán và những giá trị truyền thống tốt đẹp.
PV: Đã từ rất lâu trong đời sống văn hóa của người Việt, Tết Nguyên đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Theo ông, giá trị truyền thống tốt đẹp nào của Tết Nguyên đán là quan trọng nhất?
PGS.TS Lê Trung Vũ: Tết Nguyên đán thỏa mãn được nhiều nhu cầu nhất của người Việt, về vật chất, về tâm linh, về nếp sống và với mọi lứa tuổi, so với mọi dịp lễ trong năm.
Trước hết, đây là lễ (tết) mở đầu một năm mới. Nguyên có nghĩa là đầu tiên; đán nghĩa là sớm. Tết Nguyên đán được hiểu là buổi sớm ngày đầu năm. Và Tết Nguyên đán người ta cũng gọi là “tết cả” – tết lớn nhất, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, chào đón một chu kỳ mới.
Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.
Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững.
Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.
Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới.
Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông.
Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc “làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”.
Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
PV: Cuộc sống hiện đại khiến những phong tục truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên đán đang bị thay đổi. Theo ông, nguyên nhân vì sao dẫn đến sự thay đổi đó?
PGS.TS Lê Trung Vũ: Tết Nguyên đán là sự chào mừng năm mới. Và từ đó cũng sinh ra tục chúc tết bằng lời với nhau, cầu mong mạnh khỏe, sống lâu, hạnh phúc, thịnh vượng. Người ta sinh ra tục chúc mừng vật chất bằng cách cho tiền nhau, gọi là mừng tuổi, hay “lì xì”.
Hẳn là ban đầu, việc mừng tuổi bằng tiền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và thường chỉ là người lớn mừng cho trẻ con, như để chúng có tiền mua pháo, mua kẹo vui Tết. Số tiền không nhiều, bởi ý nghĩa của nó là “tượng trưng”.
Nhưng nay, sự thể đã khác. Nhiều người giàu sẵn tiền, mừng tuổi bằng số tiền lớn, và mừng tuổi cho cả người lớn, cũng thường hướng tới người cao tuổi. Tiền mừng có thể mua sắm được “cái gì đó” chứ không đơn giản cầu may. Hiện tượng này tạo cho con trẻ sự háo hức chờ mong tiền mừng tuổi như một khoản tiền có thể mua sắm một món đồ chơi đắt tiền…
Ngoài ra, đón Tết, hưởng Tết là một hành động tốt đẹp, phải có. Song, khi nó phát triển thành một dịp hưởng thụ kéo dài (thời gian) và chi phí nhiều mặt tốn kém (ăn, nhậu bừa bãi) và phi lý (cờ bạc) thì đã phá vỡ giới hạn của tinh thần nhân văn ban đầu. Nếu buông lỏng thời gian:
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”
… thì độ lệch đã khá xa, lạc tới mức phi nhân văn ở xã hội chúng ta hôm nay - một xã hội đang cố gắng vượt mình lên bằng lao động, phát triển lao động để nâng cao đời sống từng cá thể đến gia đình và toàn xã hội, thì thời gian nghỉ Tết phải được rút ngắn. Đó là khi con người bước vào đời sống công nghiệp, nhu cầu xã hội tiến triển sẽ làm cho con người sống nhanh hơn. Khi sống nhanh hơn thì cái Tết không thể đằm thắm được như xưa.
PV: Vậy với xu thế Tết hiện đại, chúng ta cần phải giữ gìn những giá trị truyền thống dịp Tết Nguyên đán như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Lê Trung Vũ: Xu thế Tết hiện đại ở đô thị sống bằng nền kinh tế thị trường, Tết Nguyên đán với ý nghĩa truyền thống thì sức sống của phong tục sẽ bị nhạt dần, tính thiêng cũng phai dần, do đó, ý nghĩa nhân văn không thể sâu sắc.
Còn ở nông thôn chưa thành thị hóa thì phong tục cổ ngày Tết vẫn được lưu giữ song ở những vùng kinh tế khá giả thì cách thưởng thức Tết cũng không thể tồn tại như xưa.
Vậy bảo vệ phong tục cổ bằng cách nào? Chỉ còn cách tuyên truyền, vận động người dân Tết không phải dịp để hưởng thụ, ăn chơi, mà trên hết là để con người hướng tới việc bảo tồn các phong tục cũ phù hợp với xu thế phát triển mới để giữ gìn ý nghĩa thiêng liêng, nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền.
Trong thời buổi hiện đại, Tết còn là dịp tạo mỹ tục mới, đó là nghĩ tới người nghèo, người khuyết tật, người có công với nước với dân và chia sẻ niềm vui vật chất và tinh thần để không khí Tết toàn xã hội, đỡ đi những hình ảnh đối kháng giữa giàu – nghèo, sang – hèn…, để “ai cũng có Tết”, dù chỉ là Tết tối thiểu.
Và đó chính là “hoàn thiện cuộc sống” nhìn trên toàn cảnh vào một thời điểm cụ thể là “Tết Nguyên đán”./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.