“Những giấc mơ đông cứng” của Vương Thạo

VOV.VN - Vương Thạo là người thành danh với những tác phẩm hóa thạch Di sản văn hóa Lịch sử Hà Nội.

Chiều 13/9, rất nhiều người yêu mỹ thuật đã tới Manzi Art Space (số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội) để chiêm ngưỡng những tác phẩm với tên gọi “Những giấc mơ đông cứng” của nghệ sỹ Vương Thạo.

Là người thành danh với những tác phẩm hóa thạch Di sản văn hóa Lịch sử Hà Nội như: 36 phố cổ, cổng làng, cầu Long Biên…, lần trưng bày này, hoạ sĩ Vương Thạo vẫn tiếp tục giới thiệu những sắp đặt “Hóa thạch sống” và một series tranh giấy dó mang tên gọi “Thân thể và những giấc mơ”.

Vẫn có những hồi ức về phố, về bóng dáng Hà Nội xưa, nhưng ở lần triển lãm này, Vương Thạo dành những khối hoá thạch (sự khô cứng) để nói về những gì trừu tượng hơn: những giấc mơ, khát khao về tình yêu, tự do, sự bứt phá, hy vọng... Và đâu đó, vẫn là sự khéo léo đổ hóa chất nhằm tạo ra những vết nứt, vết rạn, biểu thị những xung đột...

Hoạ sĩ Phạm Quốc Tuấn rất thích triển lãm này, bởi nó vẫn thể hiện lối đi, cá tính riêng của Vương Thạo. Theo sự cảm nhận riêng của hoạ sĩ trẻ này, với triển lãm lần này, Vương Thạo nói về những vấn đề đương đại, về những cái con người tìm kiếm và những giới hạn.

"Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy các nghệ sĩ lớn nếu không tự bứt phá ra khỏi cái khung giống như những hoá thạch này thì không bao giờ có những sáng tạo, không có sự kế thừa và không bứt phá. Hầu như các hoạ sĩ đương đại bây giờ đang đi theo lối mòn, tự đóng khung mình, tự dốt mình vào cái cũi giống như những hoá thạch ở đây. "Phi cổ bất thành kim", bước vào phòng trưng bày này là bước vào những hoá thạch của cổ nhân, nhưng vẫn có cuộc sống đương đại và thổi hồn vào đó"- Hoạ sĩ Phạm Quốc Tuấn nói.

Còn nữ hoạ sĩ Lê Thư cho rằng những tác phẩm ở đây "mới lạ, sáng tạo. Tôi  thấy ấn tượng nhất là bức “Thân thể và những giấc mơ” số 10, vẽ đầy cảm xúc, lạ, có nhiều sự tìm tòi".

Theo hoạ sĩ Lê Thư, "ngôn ngữ mà hoạ sĩ Vương Thạo đưa ra và các biểu hiện luôn luôn thống nhất trong người nghệ sĩ. Tất nhiên mỗi triển lãm có tuyên ngôn khác nhau”.

Không đặt tên cho từng các tác phẩm "hoá thạch", hay đặt một cái tên chung cho các bức tranh giấy dó. Có lẽ hoạ sĩ Vương Thạo muốn để mỗi người tự cảm nhận về những thông điệp anh đưa ra trong từng tác phẩm, để có thể tự trò chuyện với các tác phẩm mà không cần nghe bất kỳ lời nói nào của tác giả.


Một vài hình ảnh về tác phẩm của họa sĩ Vương Thạo








Sinh năm 1969 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1995, hoạ sĩ Vương Thạo (Vương Văn Thạo) được biết tới qua các tác phẩm giấy dó và series sắp đặt “Hóa thạch sống”.

Vương Thạo là một trong mười nghệ sĩ xuất sắc của Đông Nam Á do giải thưởng danh giá của khu vực Asia Pacific Breweries Foundation Signature Art Prize đề tặng. Giải thưởng này được Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tổ chức 3 năm một lần nhằm mục đích tìm kiếm và công nhận các nghệ sỹ có những tác phẩm xuất sắc, khuyến khích phát triển nghệ thuật đương đại ở châu Á-Thái Bình Dương.

Với các tác phẩm trong dự án “Hóa thạch sống”, tôn vinh được các giá trị của Thăng Long – Hà Nội bằng các sáng tạo độc đáo có giá trị mỹ thuật cao, năm 2011, hoạ sĩ Vương Thạo đã được trao Giải Việc làm - Giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

Dự án “hóa thạch sống” được Vương Thạo bắt đầu từ năm 2004. Đến năm 2007, anh đã “hóa thạch” được 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội và “hóa thạch” cầu Long Biên. Năm 2011, anh làm tiếp hóa thạch 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội. Cách làm “hóa thạch” họa sĩ làm rất công phu: Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình ngôi nhà, cổng làng... bằng đất, làm khuôn silicon rồi sau đó là đổ trùm composite “trong suốt” lên để bao bọc, tạo một khối hóa thạch những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ trong khối hổ phách với hai màu chủ đạo là vàng và đỏ./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bức tranh thêu kỷ lục chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội
Bức tranh thêu kỷ lục chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội

Bức tranh với tên gọi “Cội xưa” chứa đựng những nội dung ý nghĩa sâu sắc về lịch sử miền đất Cố Đô, với kích thước hơn 170 m2, nặng hơn 1 tấn

Bức tranh thêu kỷ lục chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội

Bức tranh thêu kỷ lục chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội

Bức tranh với tên gọi “Cội xưa” chứa đựng những nội dung ý nghĩa sâu sắc về lịch sử miền đất Cố Đô, với kích thước hơn 170 m2, nặng hơn 1 tấn