Những trang bút ký xúc động từ biển đảo thiêng liêng

VOV.VN -Sau lần đến thăm Trường Sa, nhà văn Đào Thắng trở về đất liền mang theo những cảm xúc đặc biệt từ biển đảo quê hương vào trang viết.

“Trường Sa hôm nay đã khác xưa, cây cối xanh tươi, tiếng cười nói trẻ thơ vọng khắp đảo. Bước chân lên Trường Sa mà cảm thấy như vẫn đang ở đất liền, đang ở một vùng thôn quê như bao nơi khác, có đình làng, trường học, có trẻ nhỏ ê a học bài”- Đó là những gì nhà văn Đào Thắng bộc bạch khi nói về chuyến đi Trường Sa.

Nhà văn – Đại tá Đào Thắng, hiện là Uỷ viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khoá VIII. Ông từng làm trưởng đoàn công tác gồm 7 nhà văn, nhà thơ có chuyến đi thực tế tại Trường Sa trong những ngày tháng 4/2012. Đến thăm và làm việc tại 8 đảo nổi, đảo chìm và khu nhà giàn DK1, ông đã có những giây phút khó quên ở nơi đây. Lúc cùng đoàn nhà văn trở về đất liền, trong lòng nhà văn Đào Thắng vẫn không nguôi thương nhớ, trăn trở về vùng biển đảo xa xôi, về những con người nơi đây.

Trường Sa đẹp và yên bình lắm!

Nhà văn Đào Thắng cho biết, lần đầu đặt chân đến quần đảo Trường Sa, cảm xúc trong ông vô cùng hồi hộp, xen lẫn chút tự hào. Bởi với ông Trường Sa là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay trong những ngày làm việc tại quần đảo Trường Sa, ông không ngừng ghi chép những trải nghiệm có được khi sinh hoạt và giao lưu với các chiến sĩ, cư dân trên đảo. Để rồi “Nhật ký Trường Sa”, cuốn sổ hành trình giản dị với những trang bút ký chân thực về thiên nhiên và con người Trường Sa, đã ra đời.

Nhà văn Đào Thắng

Trong trang viết của nhà văn Đào Thắng, Trường Sa hiện lên là một vùng đất với thiên nhiên đẹp và yên bình. Trường Sa Lớn trước đây vốn cằn cỗi, nhờ những bàn tay trần thô ráp của người lính cày cuốc, san lấp, gom đất màu theo các chuyến tàu chở từ bờ ra, chăm chút vun vén để nuôi dưỡng những tán cây lớn lên và tỏa bóng như bây giờ.

Trường Sa đẹp là vậy, nhưng chính tinh thần, ý chí và tấm lòng của những chiến sĩ trên đảo mới là điều để lại trong nhà văn Đào Thắng ấn tượng sâu sắc nhất. Những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió luôn mang trong mình tình yêu quê hương, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong giọng nói run run và đầy xúc động, ông kể câu chuyện về một người lính với nỗi đau mất con. Anh đang làm nhiệm vụ nơi khơi xa thì nghe tin đứa con trai nhỏ đầu lòng mất vì bệnh. Anh không thể trở về đất liền, không thể khóc, anh chỉ biết chôn chặt nỗi đau trong lòng. Nhà văn Đào Thắng cho rằng chính những con người như vậy mới chính là tấm gương lớn cho đồng đội, là chỗ dựa vững chắc cho hậu phương.

Những chiến sĩ Trường Sa là tấm gương lớn cho đồng đội, là chỗ dựa vững chắc cho hậu phương (Ảnh: Quang Trung

Trong nhật ký hành trình của mình, nhà văn Đào Thắng có nói về những ngôi mộ trên đảo. Đây là nơi an nghỉ của các chiến sĩ Trường Sa đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Các anh cứu người, cứu hàng nhưng lại hòa xương thịt vào biển cả. Với nhà văn Đào Thắng và những người đến thăm mộ, hình ảnh 3 ngôi mộ đơn độc nằm ngay trên lối đi vào đảo trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết. Những ai đi qua đều cảm thấy xót lòng vì các anh còn rất trẻ, đều đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người đi cùng đoàn với nhà văn Đào Thắng đã chia sẻ rằng: “Ở ngay đây, đã có những đồng chí, đồng đội, bạn của tôi vĩnh viễn ở lại với biển”.

"Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước”

Khi nói về quan điểm của mình về biển Đông hiện nay, nhà văn Đào Thắng chia sẻ rất thành thực. Với ông, những chiến sĩ nơi đảo xa ngày đêm đang phải đối mặt với hiểm nguy, chống chọi trước bão tố khắc nghiệt và gánh vác nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng trước sự bành trướng của Trung Quốc. Với ông, Trung Quốc từ trước đến nay luôn có tham vọng độc chiếm biển Đông, họ đã không từ thủ đoạn khiêu khích, thậm chí làm nguy hại đến tính mạng của những ngư dân Việt Nam.

Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước. Cùng với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, người dân cần đồng lòng để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất (Ảnh: Quang Trung)

Trước tình hình biển Đông “dậy sóng”, nhà văn đã quả quyết: “Chúng tôi, những văn nghệ sĩ chiến đấu bằng tác phẩm của mình, bằng bản lĩnh của ngòi bút để kêu gọi, đấu tranh cho vùng lãnh hải của Việt Nam. Những người văn nghệ sĩ khi bình thường có thể lúc này lúc khác, nhưng khi tổ quốc lâm nguy, chúng tôi đều sẵn sàng dốc toàn lực của mình để góp phần bảo vệ đất nước”.

Với một tinh thần như vậy, nhà văn Đào Thắng cũng nhất mạnh việc toàn dân Việt Nam cần có sự bình tĩnh, sáng suốt để tránh việc xảy ra xung đột: “Lòng yêu nước rất đáng quý, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, nhưng chúng ta phải tỉnh táo, tránh bị kích động bởi những kẻ xấu bên ngoài. Việc làm cần thiết của mỗi người bây giờ là tham gia các hoạt động yêu nước chân chính và hết sức cảnh giác với những giọng điệu của kẻ xấu. Chúng ta nên biến tập thể của mình thành một pháo đài chống lại những âm mưu, thủ đoạn, thậm chí sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên