Nỗi buồn mang tên Nguyễn Ánh 9
VOV.VN - Liệu lời xin lỗi của tác giả ca khúc nổi tiếng “Buồn ơi, chào mi” có phải chính là cái giá cay đắng cho lời nói thật?
Tạo sóng thì nếu không phải là phát ngôn gây sốc thì cũng phải là một sự cố “lộ hàng” của một người trẻ sắp nổi hoặc đang nổi nào đó. Kiểu nó phải vậy.
Nhưng lần này là “bão”, lại đến từ một nhạc sĩ tên tuổi có 60 năm vững chân trong làng nhạc Việt với nhiều bài hát ghi dấu ấn trong lòng bạn yêu nhạc: Nguyễn Ánh 9.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (ảnh: VTC) |
Là một lão nghệ sĩ tâm huyết với nhạc Việt, có thể nhận thấy tâm thế của ông khi đưa ra những nhận xét là vô tư, dựa trên quan điểm cá nhân, sự từng trải về chuyên môn, hoàn toàn không có ý định bon chen hay có bất cứ dụng ý nào. Ông đã có những lời nhận xét thẳng thắn (mà lâu nay người trong giới vẫn thường nể nang nhau) về một loạt sao Việt đình đám như Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm….
Đây là những ngôi sao đang sở hữu một lượng fan lớn. Vì thế, những lời “mổ xẻ” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã khiến dư luận “đứng ngồi không yên” với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có không ít ý kiến bày tỏ sự đồng tình với nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và cho rằng nền giải trí của Việt Nam đang thiếu những lời nói thẳng nói thật và đang bị những chiêu trò làm mất đi giá trị thực, khiến một bộ phận khán giả bị loá mắt mà không phân biệt được đâu là giải trí đơn thuần và đâu mới là nghệ thuật đích thực.
Như lời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người phóng viên đã xử lý câu chuyện không khéo khiến ông khi đọc lại cũng cảm thấy bức xúc, gây bão dư luận ngoài ý muốn của mình.
Trong số các ngôi sao được nhắc đến, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là người nhận được những lời nhận xét không mấy dễ chịu "giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!"
Mặc dù đã định cho qua, nhưng vì “thấy bản thân phải có trách nhiệm với danh dự những giải thưởng lớn nhỏ anh từng đạt được” nên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã buộc phải lên tiếng đáp trả và dĩ nhiên có “hứa” từ nay sẽ không hát nhạc của Nguyễn Ánh 9 nữa. Hơn thế, Đàm Vĩnh Hưng còn "đốp chát" khi gọi nhạc sĩ bậc cha chú là "ngụy quân tử".
Động thái này cũng giống như việc gọi Thanh Lam là "kiến độc" và tuyên bố “Chấm dứt quan hệ…khỏi nhìn mặt” khi diva này nói rằng “không tưởng tượng được” Đàm Vĩnh Hưng sẽ dạy gì cho các thí sinh thi Giọng hát Việt mùa giải đầu tiên điều gì trong vai trò Huấn luyện viên.
"Tâm thư" của Đàm Vĩnh Hưng đăng trên facebook |
Chuyện làng giải trí chắc cũng chỉ xôn xao đến thế. Và tôi cũng sẽ quên ngay nếu như không đọc được những dòng tâm sự đầy bất an của người nhạc sĩ 73 tuổi này.
Ông gọi đây là “scandal động trời” và đang ở trong tâm trạng rất buồn bã. Trên một trang mạng, ông nói: "Nếu có cơ hội gặp Đàm Vĩnh Hưng và Thanh Lam, tôi sẵn sàng xin lỗi. Tôi cũng gửi lời xin lỗi tất cả mọi người, những ai yêu thương Đàm Vĩnh Hưng và Thanh Lam".
Tại sao phải xin lỗi? Tại sao phải làm thế khi mà ông đâu có hoàn toàn phủ nhận họ, khi mà ông đã thẳng thắn chỉ ra rất đúng và trúng những nhược điểm của họ và giúp khán giả phân định rõ đâu là ranh giới thật sự của giải trí đơn thuần và làm nghệ thuật đích thực.
Trong khi có nhiều ngôi sao và khán giả nhầm lẫn cho rằng thành công trong lĩnh vực kinh doanh giải trí là thành công của lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, thì việc chỉ ra ranh giới của nó là việc làm rất cần thiết và có ích cho nền âm nhạc và văn hoá nước nhà.
Nhạc sĩ của “Ai đưa em về” vừa thắp lên một ngọn đuốc sáng khiến nhiều người nức lòng thì ông đã vội vã nói lời xin lỗi.
Phải chăng với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông cảm nhận được sức ép vô hình của lời nói thật? Cảm nhận được hệ luỵ rõ ràng của lời “hứa” không hát những nhạc phẩm của ông nữa? Lời “hứa” của một ngôi sao từng giơ hai chiếc nhẫn kim cương lóng lánh “hãy về đội của anh” trong vòng loại cuộc thi Giọng hát Việt. Đó là một ngôi sao đang làm mưa làm gió làng giải trí và sở hữu một lượng fan đông đảo đến…"nguy hiểm"?
Trả lời câu hỏi của Dân trí về việc các con và gia đình đã chia sẻ với ông những ngày qua ra sao? Nhạc sĩ nói: "Nguyễn Quang (nhạc sĩ - PV) - con trai tôi kín tiếng lắm. Mà thú thật tôi cũng chẳng muốn gia đình mình biết và nghĩ nhiều về những chuyện như thế này".
Liệu lời xin lỗi của tác giả ca khúc nổi tiếng “Buồn ơi, chào mi” có phải chính là cái giá cay đắng cho lời nói thật? Mặc dù ông đã “không còn tuổi đối chất, tranh giành” nhưng gia đình, con cái ông thì vẫn còn đang ở trong cái guồng quay của thị trường âm nhạc, nơi vàng thau lẫn lộn, nơi những “ông hoàng, bà chúa” tự phong đang có sức ảnh hưởng to lớn.
Tuy nhiên, cho dù sự thật đằng sau đó thế nào, lời xin lỗi ấy cũng được công chúng ủng hộ và tấm tắc bởi đó là một ứng xử rất chừng mực, đàng hoàng và cực kỳ "quân tử".
Giờ đến lượt tôi cảm thấy buồn. Buồn và xót xa khi nhớ đến những nghệ sĩ nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam mà tôi từng gặp. Họ thực sự là những tài năng, tài sản quý của quốc gia - những người làm rạng danh nền âm nhạc bác học nước nhà, được thế giới thừa nhận và ca ngợi, đang chật vật kiếm thêm đủ nghề để sống với niềm đam mê cống hiến vì nghệ thuật đích thực. Người thì làm thợ tiện, chủ cửa hàng bán máy bơm, người thì dạy học hoặc đi đánh nhạc ở các khách sạn vì với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng thì không đủ sống.
Vẫn biết mọi so sánh là khập khiễng, nhưng sao mà xót xa khi họ bảo tôi rằng, “khổ thì bọn chị cũng quen rồi, em viết gì vừa vừa thôi, không bọn chị xấu hổ lắm”. Cứ như họ hiểu rõ thêm một bài báo về họ cũng chẳng thay đổi được gì.
Trước tôi, cũng có vài đồng nghiệp đã viết về sự bất hợp lý mà các nghệ sĩ này phải gánh chịu. Nhưng giờ những bài viết kiểu này có mấy ai đọc?
Không chỉ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam mà cả chúng tôi, những người muốn viết những bài báo tử tế, đều có chung một nỗi buồn.../.