Nỗi oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn lên sân khấu
Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn với vụ án oan sai suốt 10 năm vừa được đưa lên sân khấu Kịch Sài Gòn (TP.HCM) qua vở diễn mang tên "Tử hình".
Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn với vụ án oan sai suốt 10 năm vừa được đưa lên sân khấu Kịch Sài Gòn (TP.HCM) thật cảm động, qua vở diễn mang tên Tử hình (tác giả: Đăng Minh; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).
Bám gần sát câu chuyện thực ngoài đời vì đã đủ bi kịch, chỉ thêm bàn tay giỏi nhấn nhá của đạo diễn Trần Ngọc Giàu là vở diễn hút người xem suốt hai tiếng đồng hồ. Dù khán giả đã đọc báo biết hết nội tình, nhưng cái hay của sân khấu là tái hiện lại những khoảnh khắc đau xót, những số phận nghiệt ngã bằng phương pháp trực quan, bằng diễn xuất của các nghệ sĩ.
Không có lối gào thét thường hay gặp ở các vở chính luận hay bi kịch, ở đây chỉ thấy nét diễn nhẹ nhàng nhưng xoáy vào tâm can người xem, làm người ta rơi nước mắt. Nhiều khán giả đàn ông, khi đứng dậy ra về đôi mắt vẫn còn đỏ hoe. Bởi suy cho cùng, ở Kịch Sài Gòn đâu chỉ có diễn viên hài, mà còn nhiều đào kép của chính kịch, như Việt Hà, Nhã Uyên, Đỗ Thúy, Tấn Phát, Bảo Châu… từng diễn cho Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM. Ngay Mạnh Tràng cũng từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. “Mỗi năm tôi cố gắng dựng một kịch bản như thế để anh em thỏa máu nghề”, Mạnh Tràng nói.
Nhân vật để lại ấn tượng nhiều nhất không chỉ có Phú (Mạnh Tràng thủ vai, thể hiện Nguyễn Thanh Chấn ngoài đời), mà còn có ông Phong, cán bộ công an (Tấn Hoàng đóng). Vì muốn nhanh chóng phá án mà ông đã kết tội oan cho Phú, và được bằng khen. Sau đó là những chuỗi ngày dằn vặt của ông.
Có thêm những hư cấu vừa đau xót vừa dễ thương giữa hai nhân vật cán bộ - tội phạm này nhằm cảnh báo người ta phải sống và làm việc tử tế để đừng gây hậu quả nghiêm trọng. Cái hài của Tấn Hoàng quả thật “cao tay”, bởi trong lớp áo công an anh không thể “tung tăng” được, ấy vậy mà với gương mặt và giọng nói tỉnh bơ anh vẫn làm khán giả cười ngon lành, làm nhẹ không khí bi kịch nặng nề./.