NSNA Mai Nam: Phần thưởng lớn nhất là 200 bức ảnh chụp Bác Hồ

VOV.VN -Cả cuộc đời làm nhiếp ảnh, NSNA Mai Nam có riêng bộ sưu tập ảnh chụp Bác Hồ là điều vinh dự và không phải người nào cũng có.

Phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời làm báo của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam là kho tư liệu 200 bức ảnh ông chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm là một khoảnh khắc, một kỉ niệm đáng nhớ. Đó là bức ảnh Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên lễ đài quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955 trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội, đón Hồ Chủ tịch và Chính phủ từ Việt Bắc về Thủ đô, là bức ảnh Bác Hồ trên bao lơn Nhà hát Lớn với nụ cười và sự bình dị… Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV đã phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam về những kỉ niệm trong những lần chụp ảnh Bác Hồ. 

Bác Hồ tại Kỳ họp Quốc hội khóa III, năm 1965 (Ảnh: Thành Công)

PV: Thưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, có nhiều người khi kể với tôi về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, họ đã khóc. Còn với ông, kỷ niệm đầu tiên gặp Bác như thế nào? 

NSNA Mai Nam: Từ lúc tham gia kháng chiến cho đến lúc được cầm máy ảnh, một trong những mong muốn của tôi là làm thế nào mình được chụp ảnh Bác Hồ. Lần đầu tiên tôi gặp Bác là ở Việt Bắc. Lúc đó tôi chưa có máy ảnh, mới tập tọe học chụp ảnh thôi. Lúc đi công tác thì tôi gặp Bác Hồ dọc đường. Bác bịt chiếc khăn nhưng tôi vẫn biết. Bác đi ngựa và tôi đi qua thì nhận ra. Tôi nói “Cháu chào Bác ạ!”. Bác mới giơ tay lên ý nói là bí mật. Đấy là lần đầu tiên tôi gặp Bác Hồ.

PV: Sau này, khi tham gia hoạt động báo chí, ông may mắn có nhiều dịp được gặp và chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ duyên ấy như thế nào, thưa ông?

NSNA Mai Nam: Hồi đó, có một điều quan trọng là chỉ có báo Tiền phong, Thông tấn xã, báo Quân đội… được đi chụp các sự kiện thời sự. Tôi chụp ảnh Bác Hồ lần đầu tiên là khi ở hội trường Ba Đình năm 1955. Ở đó tổ chức cuộc mít tinh đón Bác Hồ và Chính phủ về Thủ đô. Lúc đó mình chụp, cơ quan giữ lại nên bây giờ bị mất đi khá nhiều (cơ quan yêu cầu ảnh chụp về phải lưu trữ một nơi). May mà tôi giữ được vài tấm. Đây là điều đáng tiếc vì đó là những cuộn phim ảnh, lần đầu tiên tôi được chụp Bác Hồ.

Bác Hồ trên bao lơn Nhà hát lớn tại Kỳ họp Quốc hội khóa II là một trong những tấm ảnh tâm đắc nhất của phóng viên ảnh Mai Nam. Đây là bức ảnh chụp khi Bác đang ra dấu với mọi người dưới khán đài. Đặc biệt, đây là một trong những bức ảnh có một không hai của nghệ sỹ Mai Nam về Bác vì khi diễn ra sự kiện thì không có ai khác chụp được khoảnh khắc này (Ảnh: Thành Công

PV: Chỉ được gặp Bác trong những buổi hội nghị, vậy ông đã phải làm thế nào để có những tác phẩm gần gũi, đời thường như vậy?

NSNA Mai Nam: Đó chính là ý thức của tôi khi chụp ảnh Bác Hồ. Tôi có cảm giác, khi gặp Bác đều thấy Bác vui lắm. Tôi thấy Bác Hồ là người có phong cách rất độc đáo, đối với mọi người rất thân tình và không có sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Bác thường rất vui vẻ, nhất là đối với thanh niên. Khi nói chuyện Bác hay pha những câu nói khiến cho mọi người cười. Còn tôi có ý thức làm thế nào để chụp Bác Hồ phải thật đẹp với nụ cười tươi. Cho nên 80% bức ảnh tôi chụp Bác Hồ là thấy Bác cười.

Tôi nghĩ rằng ở Bác Hồ toát ra một cái gì đó mà chính những hình ảnh ghi lại của tôi cũng chưa thể hiện được hết. Tôi thấy cả cuộc đời làm nhiếp ảnh, chụp được ảnh Bác chừng ấy là điều vinh dự hết sức và không phải người nào cũng có. Trong 200 phim ảnh lưu lại ấy, tôi có khoảng độ 50 - 60 bức ảnh tương đối tốt và cho đến bây giờ vẫn là bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ khá độc đáo của tôi. Ngoài hai tiền bối là Đinh Đăng Định và Vũ Đình Hồng chụp về Bác Hồ thì tôi là người có nhiều ảnh về Bác Hồ nhất.

PV: Trong những lần tác nghiệp như vậy, kỉ niệm nào khiến nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam nhớ nhất?

NSNA Mai Nam: Một may mắn của tôi là dịp mít tinh ngày 1/5 tại hội trường Ba Đình năm 1969, trước khi Bác mất 3 tháng. Bác ngồi trên Chủ tịch đoàn, còn tôi không biết linh tính thế nào đã mang theo chân máy ảnh (mọi khi không mang), một ống kính tê lê và nghĩ “mình phải chụp ảnh chân dung Bác Hồ”. Tôi dùng tê lê chụp tỉa lên trên và chụp được 5 bức ảnh chân dung, trong đó có 1 bức ảnh như Bác đang dặn dò đồng chí Lê Duẩn. Từ sau ngày 1/5 ấy, Bác bị ốm và cũng không có ai có cơ hội được chụp chân dung Bác. Tôi có thể khẳng định đó là may mắn và là những bức chân dung cuối cùng, đến nay tôi vẫn giữ được phim.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên