NSND Lan Hương bỏ đi Trường Sa: Phó Đô đốc Hải quân chia sẻ sự thật
Việc NSND Lan Hương đột nhiên xin rút khỏi đoàn đi ra đảo Trường Sa là hợp lý, không nên bị hiểu theo hướng tiêu cực hoặc chính trị hoá một vấn đề dân sự.
Phó Đô đốc Đinh Gia Thật cho biết, ngày 7/5 vừa qua, tàu 996 (Hải đội 411, BTL Vùng 4 Hải quân) chở Đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và một số cơ quan, ban ngành TW - địa phương đi thăm, động viên quân dân Trường Sa, nhà giàn DK1 nhưng ông không tham gia hành trình này. Tuy nhiên, ông có nắm bắt được sự việc NSND Lan Hương xin rút khỏi đoàn đi vào phút chót vì lí do sức khoẻ. Theo ông, đây là một việc làm hết sức chính đáng và hợp lí, không nên bị hiểu theo hướng tiêu cực hoặc chính trị hóa một vấn đề dân sự.
“Trưởng đoàn của chuyến đi hôm đó là đồng chí Tòng - Phó Chủ nhiệm Hậu cần của Quân chủng Hải quân. Khi NSND Lan Hương lên tàu và thấy mình không thể theo đoàn ra đảo vì sức khỏe không đảm bảo liền báo với trưởng đoàn. Trưởng đoàn cũng có báo cáo về cho Quân ủy và Chính ủy và chúng tôi đồng ý ngay. Tôi khẳng định NSND Lan Hương đã chấp hành rất đúng quy định của tổ chức chứ không tùy tiện, vô ý thức kỷ luật. Đây là chuyến đi do Quân chủng Hải quân tổ chức và ai tham gia hành trình này đều phải tuân thủ đúng nguyên tắc và kỷ luật của Quân chủng, không phải là tàu dân sự nên muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống.
Việc một phụ nữ trên 50 tuổi, lại có tiền sử bị bệnh tim - hen và hiện tại sức khỏe cũng không tốt... xin rút khỏi hành trình để tránh những nguy cơ xấu xảy ra trong chuyến đi là chuyện bình thường. Còn nói NSND Lan Hương lên tàu thấy cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng ốc không tiện nghi nên đã vội vã lên bờ là thiếu cơ sở, thiếu căn cứ, nghĩ oan cho nghệ sĩ ấy. Vì trước khi đi, đoàn đều tổ chức họp để phổ biến điều kiện thực tế trên tàu cũng như những nội quy phải chấp hành trong suốt chuyến đi. Nếu vì sợ khổ, sợ thiếu thốn, sợ vất vả... tôi nghĩ nghệ sĩ ấy đã từ chối ngay từ thời điểm đó chứ không phải đợi xuống tàu mới phải xin lên.
Xác định đi Trường Sa là đi làm nhiệm vụ chứ không phải đi du lịch. Thêm vào đó, bất kỳ ai, một khi đã bước xuống tàu là mang tinh thần của chiến sĩ ra đảo để động viên, thăm hỏi hoặc biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo chứ không phải đi chơi. Từ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Kiều bào Việt Nam từ nước ngoài về cho đến văn nghệ sĩ và dân thường đều quên mình là ai khi bước xuống tàu. Vì lẽ đó, tôi tin rằng, nghệ sĩ Lan Hương cũng đã xác định tinh thần đó từ đầu.
Tuy nhiên, thực tế là những ai lần đầu tiên ra đảo đều không thể hình dung hết được chuyến đi sẽ như thế nào dù đã được chia sẻ từ trước. Chỉ khi bước xuống tàu, thấy điều kiện thực tế trên tàu và cảm nhận được sự thích ứng của mình với chuyến đi mới biết là mình có thể đi nổi không. Tôi thấy việc NSND Lan Hương cảm thấy không đủ sức khỏe nên xin rút vào giờ chót là biết giữ cho mình, biết giữ cho thành viên đoàn. Nếu chị ấy vì sĩ diện mà vẫn cố đi rồi đi trên biển mà sức khỏe không đảm bảo hoặc ra ngoài đảo sức khỏe không đảm bảo thì không biết chuyện gì đã xảy ra. Tốt nhất là nên dừng lại trước khi mọi chuyện đã quá muộn.
Thực tế, trước đây đã có một vài trường hợp vì cố đi nên đã để xảy ra chuyện. Đó là trường hợp một nữ đại biểu ở TP. Hồ Chí Minh theo đoàn ra Trường Sa, khi ra đến cửa biển rồi ở Vũng Tàu rồi nhưng vì thấy sức khỏe không đảm bảo nên lại phải dừng tàu lại để cho tàu nhỏ ra đón đưa về lại đất liền.
Thượng úy Hà Đình Toàn (hiện đang công tác tại đảo Nam Yết) cho biết, nhiều người chưa đi Trường Sa bao giờ hoặc đã đi mà do thể trạng của họ khác nên đã vội vàng lên án NSND Lan Hương là không công bằng với chị. Thực tế, anh là lính Tăng Thiết Giáp nhưng nhiều năm liền đều được cử ra Trường Sa công tác nên anh hiểu rất rõ hành trình Trường Sa vất vả cỡ nào.
Thời còn thanh niên, sức khỏe của tuổi “trai tráng” mạnh như vậy mà khi lên tàu ra đảo còn “mật xanh mật vàng” vì say sóng. Càng về sau, dù đã có kinh nghiệm “trường kỳ” nhưng vẫn không tránh khỏi những lúc say sóng đến kiệt sức, ăn không nổi, đi không vững... Ra đến đến đảo là đổ vật như một cái xác không hồn, phải cả tuần sau mới hồi sức. Đó là dân lính quen với việc huấn luyện gian khổ và sức đàn ông chưa nói đến phụ nữ, lại là nghệ sỹ “chân yếu tay mềm” như NSND Lan Hương.
“Việc đi thăm Trường Sa là tự nguyện chứ không bắt buộc. Và theo như những gì chị Lan Hương chia sẻ thì chị ra đảo không đơn giản để thăm chiến sĩ và thăm đảo mà còn thực hiện tâm nguyện của người cha đã quá cố. Vì vậy, phải cực bất đắc dĩ lắm chị Lan Hương mới phải xin rút khỏi hành trình ra đảo vào phút cuối cùng. Điều đó là hoàn toàn có thể cảm thông được. Không nên mạo hiểu chỉ vì sự sĩ diện của bản thân hoặc vì lý do nào đó. Cảm thấy sức khỏe không đảm bảo và xin dừng lại là một quyết định sáng suốt và dũng cảm. Ai ở vào hoàn cảnh của chị ấy cũng sẽ làm như thế thôi. Chúng ta không nên quy gán điều này điều kia hoặc đẩy vấn đề đi quá xa...”, Thượng úy Hà Đình Toàn nói./.