NSND Lan Hương: "Sao lại đòi khai tử kịch hình thể"!

(VOV) - NSND Lan Hương trải lòng về những ý kiến trái chiều với những vở kịch hình thể mà chị tâm huyết suốt 10 năm qua.

NSND Lan Hương gắn bó với kịch hình thể, loại hình nghệ thuật còn mới mẻ ở Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Hiện là Trưởng đoàn kịch hình thể - thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ), chị quyết tâm theo đuổi và tìm hướng mở rộng đối tượng khán giả, tạo “đất sống” cho kịch hình thể.

PV: Thưa NSND Lan Hương, đã có những thời điểm vấn đề tồn tại của Đoàn kịch hình thể được đặt ra. Điều đó có làm chị nản lòng?

NSND Lan Hương: Mười năm tôi gắn bó với kịch hình thể đã trải qua chông gai rất nhiều nhưng cái được cũng rất nhiều. Có một số báo có viết là phát triển hay khai tử kịch hình thể. Nhưng thực ra không phải thế, không bao giờ có chuyện khai tử cả. Đối với Nhà hát Tuổi trẻ khi đã làm ra một việc gì thì không bao giờ có chuyện khai tử.  Khai tử thì đã không phải nhà hát Tuổi trẻ nữa. Nhà hát Tuổi trẻ khác với các nhà hát khác ở ưu điểm năng động, luôn luôn tìm tòi cái mới. Sẽ không có chuyện khai tử mà chúng tôi sẽ tìm cách làm phù hợp với khán giả hiện nay hơn.

NSND Lan Hương

PV: Có những ý kiến cho rằng kịch hình thể do chị dựng còn quá nhiều lời…

NSND Lan Hương: Thực ra tôi lại thấy kịch hình thể hiện nay đang quá nhiều hình thể, thiếu điểm tĩnh. Trong vở “Nguyễn Du và Kiều” tôi đang nghiên cứu để tạo ra thêm những điểm tĩnh. Mọi người nói không có hình thể là không phải. Còn lời bắt buộc phải có. Mọi người nếu đi xem kịch hình thể trên thế giới, nhất là Pháp chắc phải điếc tai, vì người ta cần tiếng nói nữa. Nếu không được phép nói thì sẽ rất buồn cười.

PV: Lời nói trong kịch hình thể có gì khác biệt với các loại kịch khác?

NSND Lan Hương: Phát âm của hình thể khác kịch nói. Và cách để cho nhân vật trong kịch hình thể nói cũng khác. Ví dụ như trong vở “100 phút cuối của Hàn Mặc Tử”, Hàn Mặc Tử là nhân vật chính mà nói quá nhiều, rất vô lý. Thường trong kịch hình thể phải để nhân vật thứ 3,  nhân vật trung gian, giữa khán giả với nhân vật được nói. Ví dụ trong “Nguyễn Du và Kiều”,  nhân vật Nguyễn Du dẫn truyện, Kim Trọng không nói câu nào, Thúy Kiều ko được nói câu nào. Khi nào mà Kim Trọng lật mặt ra để nói là quay về với Nguyễn Du, giãi bày với Hồ Xuân Hương.

PV: Có nhiều người phản đối cách chị xử lý chi tiết nhân vật Kiều quy y cửa Phật trong vở kịch “Nguyễn Du và Kiều”. Chị lý giải thế nào về chi tiết này?

NSNS Lan Hương: Những người phản đối ấy có đi xem hay không? Hay họ chỉ nghe nói vì vở này mới diễn mấy buổi thôi. Tôi sẽ để ngoài tai tất cả những người chỉ nghe chứ không xem.

Khi dựng vở này tôi đã nghiên cứu rất nhiều về lục đạo luân hồi, về đạo Phật. Con người ta có rất nhiều cõi: cõi ta đang ở là cõi người, ngoài ra có cõi trời, cõi atula là cõi giữa người và trời, cõi súc sinh, cõi địa ngục. 6 cõi tất cả, cứ luân hồi xung quanh ta.  Cô Thúy Kiều kia từ một cõi nào đấy, được đi dạo ở cõi này và khi kết thúc, cô ấy bước chân lên với vòng tay của Phật bà, rửa sạch tấm thân cô ấy. Sao cô ấy không được phép?

Tự nhiên mọi người cứ nghĩ ra là Kiều hóa thành Phật chứ thực ra tôi làm chỉ là Kiều bước vào vòng tay của Phật bà, gột rửa bụi trần để sang một cõi khác. Lần tới tôi phải làm hình ảnh Phật cho rõ ràng hơn chứ trước chỉ làm cái vòng tay thôi nên nhiều người hiểu lầm.

Khi công diễn tôi mời cả Giáo hội phật giáo bên chùa Quán Sứ sang, chẳng có ý kiến phản đối gì. Các sư ngồi dưới còn nói: Phật tắm rửa cho cô ấy đấy, có phúc lắm mới được thế đấy. Mọi người hãy xem đã rồi hãy nói, chứ đừng nghe không thôi. Nó giống câu chuyện tam sao thất bản ấy.

PV: Hiện nay còn quá ít khán giả có cơ hội tiếp cận với kịch hình thể nên sự hiểu lầm như chị vừa nói rất dễ xảy ra. Đoàn kịch hình thể do chị lãnh đạo có hướng nào để đến gần với đông đảo khán giả hơn không?

NSND Lan Hương: Chúng tôi có kế hoạch trong năm nay sẽ  đưa hai vở “Tâm linh Việt” và “Nguyễn Du và Kiều” đi quảng bá vì không có quảng bá tới đông đảo khán giả thì dựng vở cũng vô nghĩa. Trước mắt là sẽ đem các vở cũ đi diễn tại các địa phương vì những vở cũ mới chỉ diễn có dăm ba buổi, phải khai thác đã rồi mới làm vở mới. Tôi hy vọng trong tương lai kịch hình thể sẽ được nhiều khán giả hiểu và yêu thích hơn nữa.

PV: Cám ơn NSND Lan Hương./.

Một số hình ảnh trong vở kịch hình thể "Nguyễn Du và Kiều"

Nỗi đau đớn của Kiều khi phải quyết định bán mình chuộc cha. Ảnh: Dân trí
Cảnh Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều. Ảnh: Dân trí
Cảnh kết vở kịch gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Dân trí
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Em bé Hà Nội” và ký ức ám ảnh về năm 1972
"Em bé Hà Nội” và ký ức ám ảnh về năm 1972

(VOV) -Những kỷ niệm về Hà Nội trong 12 ngày đêm hứng chịu bom B52 vẫn sống động trong tâm trí NSND Lan Hương dù khi ấy chị mới gần 10 tuổi

"Em bé Hà Nội” và ký ức ám ảnh về năm 1972

"Em bé Hà Nội” và ký ức ám ảnh về năm 1972

(VOV) -Những kỷ niệm về Hà Nội trong 12 ngày đêm hứng chịu bom B52 vẫn sống động trong tâm trí NSND Lan Hương dù khi ấy chị mới gần 10 tuổi

Đưa Truyện Kiều lên sân khấu kịch hình thể
Đưa Truyện Kiều lên sân khấu kịch hình thể

Những câu thơ hay nhất sẽ chuyển thành những làn điệu cổ của người Việt, cộng với âm hưởng của âm nhạc đương đại.

Đưa Truyện Kiều lên sân khấu kịch hình thể

Đưa Truyện Kiều lên sân khấu kịch hình thể

Những câu thơ hay nhất sẽ chuyển thành những làn điệu cổ của người Việt, cộng với âm hưởng của âm nhạc đương đại.