NSND Thu Hiền: Hát để giữ “tiếng”

Cho đến nay, những ca khúc, bài dân ca do Thu Hiền trình bày vẫn chiếm được nhiều cảm tình của thính giả Đài TNVN.

Lớn lên và trưởng thành cùng với đất nước, đội ngũ những nữ nghệ sĩ ngày càng đông đảo, góp lời ca, tiếng đàn ngợi ca cuộc đời không ngừng đổi mới, đồng thời góp phần nâng cao nền nghệ thuật biểu diễn, tạo nên những bông hoa đẹp trong vườn hoa văn hoá văn nghệ của cách mạng. NSND Thu Hiền là một trong những bông hoa ấy.

Trong rất nhiều lá thư yêu cầu gửi về Đài, người ta rất dễ gặp những lời nhận xét về giọng hát Thu Hiền như “Hát rất hay, rất tròn vành rõ chữ”. Qua đó, có thể thấy tình cảm yêu mến của thính giả với giọng hát Thu Hiền.

Với Thu Hiền, tròn vành rõ chữ - vốn là yêu cầu ca hát của truyền thống, nhưng nếu chỉ “hát rõ lời” vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, mỗi bài hát có nội dung riêng, có những sắc thái âm nhạc riêng của mỗi địa phương, mỗi miền, người hát còn phải nghiên cứu nhập vai thể hiện tối đa tình cảm của mình khi trình bày tác phẩm, dù đó là một ca khúc mới sáng tác, hay một bài dân ca quen thuộc. Thu Hiền đã rất thành công trong nhiều bài hát với những yêu cầu tối thiểu đó trong gần 50 năm qua.

Nghe 2 ca khúc do NSND Thu Hiền thể hiện

Lắng tiếng quê hương

Câu nhớ gửi người thương

Thu Hiền sinh năm 1952 tại tỉnh Thái Bình. Trước khi trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, chị đã có hơn chục năm là diễn viên sân khấu. Từ nhỏ thường theo bác, theo mẹ đi tập hát tuồng, chèo, cải lương, mới 10 tuổi, Thu Hiền đã vào làm diễn viên của Đoàn Dân ca Khu 5. Chị bắt đầu cuộc đời hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của mình từ đó.

Thừa hưởng vốn năng khiếu nghệ thuật của gia đình, Thu Hiền tỏ ra rất xuất sắc khi thể hiện các vai diễn trong một số vở ca kịch Khu 5. Người xem, người nghe đã thực sự yêu mến nhân vật Bảo trong vở “Đội kịch chim chèo bẻo” do Thu Hiền diễn xuất. Chị đã nhận tấm Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970.

Tuy vậy, sân khấu ca kịch chưa phải là mảnh đất để Thu Hiền bộc lộ hết tài năng. Chỉ từ năm 1972, khi trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) - chị mới có điều kiện thể hiện hết sức mạnh của mình trên lĩnh vực nghệ thuật.

Với giọng ca đẹp, đậm đà màu sắc dân ca, Thu Hiền đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ với những bài dân ca, hay những ca khúc mang chất liệu dân ca mà chị thể hiện. Hàng ngàn thư thính giả gửi về Đài TNVN đề nghị được nghe lại những bài do Thu Hiền hát, càng chứng minh thêm sự yêu mến ấy.

NSND Thu Hiền là một trong số ít những giọng ca hàng đầu của dòng âm nhạc dân gian hiện nay

Có thể nói rằng, giọng ca Thu Hiền là một trong số rất ít những giọng ca hàng đầu của dòng âm nhạc dân gian hiện nay. Vì những cống hiến trong lao động nghệ thuật, Thu Hiền đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và đến năm 1993, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Gần 50 năm trong nghề, vừa hát vừa học, vừa tự trau dồi rèn luyện trong tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, chị đã chiếm trọn cảm tình của những thính giả yêu mến giọng hát Thu Hiền. Mỗi lần thu thanh ở Đài TNVN, Thu Hiền thể hiện được bản lĩnh và trách nhiệm của mình trước hàng triệu người nghe đài. Những bài hát chị thể hiện đều được thu đi thu lại cho đến khi chị ưng ý mới thôi.

Thu Hiền đã hát hàng chục ca khúc của tác giả bài viết này như: Lắng tiếng quê hương, Phong thư sông Lam, Câu nhớ gửi người thương, Duyên và số, Em hát anh nghe điệu lý quê nhà… Bài nào Thu Hiền cũng để lại những nét độc đáo riêng khi thể hiện bằng chất giọng đậm đà màu sắc dân ca. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều thính giả yêu cầu được nghe lại những bài hát này do chính nghệ sĩ Thu Hiền trình bày.

Trong những lần trò chuyện với chúng tôi, Thu Hiền tâm sự: “Tôi không còn ở giai đoạn “hát để lấy tiếng” nữa, tôi đang ở giai đoạn “hát để giữ tiếng” nên tự mình càng phải nghiêm túc hơn về nghề”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên