NSƯT Việt Hùng- một giọng đọc truyền cảm
Mặc dù đã về hưu nhưng lòng yêu nghề và tâm huyết với nghề đã trở thành động lực để NSƯT Việt Hùng ngày đêm cố gắng đem tiếng nói Việt Nam đến với nhân dân, đến với cộng đồng.
Tốt nghiệp Đại học Giao thông Hà Nội năm 1969, Trương Văn Hùng, nay là nghệ sĩ ưu tú Việt Hùng về công tác tại Xí nghiệp vận tải Quảng Bình gần 3 năm. Đến đầu năm 1973, anh mới chính thức về làm phát thanh viên của Đài TNVN. Là người đứng sau làn sóng phát thanh, NSƯT Việt Hùng luôn trăn trở làm sao để thể hiện được chính xác ý đồ của người viết một cách truyền cảm để người nghe, “nghe mà như thấy” những sự kiện đã, đang và sắp diễn ra trước mắt họ. Với những đóng góp xuất sắc của mình, Phát thanh viên Việt Hùng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” trong dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua.
Nghe truyện ngắn: Trái tim không cần thay đổi
PV: Xin chúc mừng NSƯT Việt Hùng. Cảm xúc của Nghệ sỹ như thế nào khi đón nhận danh hiệu cao quý này?
Tác giả: Nguyễn Thu Phương
Giọng đọc: NS Việt Hùng
NS. Việt Hùng: Đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đài, giám đốc và các đồng chí ở trong ban đã có sự quan tâm và đánh giá đúng khả năng cũng như sự cống hiến của tôi trong quá trình công tác. Vì vậy 35 năm làm việc tại Đài, tôi đã luôn cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Với những ai đã, đang và sẽ làm phát thanh tuyên truyền thì họ đều muốn mang được tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến nhân dân một cách hiệu quả và kịp thời nhất. Nếu làm được như thế thì mình mới làm tròn được bổn phận của một phát thanh viên chân chính.
Thực sự khi nhận được danh hiệu này, tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì mình đã phục vụ được nhân dân, đã mang được tiếng nói của Việt Nam đến nhân dân cũng như đến các thính giả nước ngoài. Tiếng nói ấy không phải chỉ dành riêng cho thành thị hay những tầng lớp phồn vinh đô hộ mà tiếng nói ấy là của quảng đại quần chúng nhân dân trên mọi miền đất nước. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi làm được điều đó cũng chính là tôi đã hoàn thành được công việc của mình, tức là tôi cũng là người của nhân dân, là người của quần chúng chứ không phải là người mang tiếng nói từ trên trời rơi xuống (cười).
NSƯT Việt Hùng cùng vợ |
PV: Vậy duyên cớ nào đã đưa Nghệ sỹ đến với Đài Tiếng Nói Việt Nam?
NS. Việt Hùng: Quá trình vào nghề của tôi có phần đặc biệt hơn so với những người khác. Tôi học Đại học Giao thông và tốt nghiệp 1969. Đến đầu năm 1970, tôi công tác ở Quảng Bình. Hồi đó, đã là thanh niên, ai cũng muốn được ra mặt trận để phục vụ, để cống hiến xây dựng nền độc lập nước nhà. Cho nên, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi ở lại và công tác tại xí nghiệp vận tải ô tô số 8 thuộc vận tải đường bộ ở Quảng Bình trong vòng 3 năm.
Nghe truyện ngắn: Con đường vô tận |
Đến năm 1973 khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, lúc đó tôi mới chính thức về công tác và phục vụ ở Đài. Và phát thanh viên đến với tôi như một cơ duyên.
PV: Dù đã về hưu nhưng dường như NSƯT Việt Hùng vẫn còn tham gia rất nhiều các hoạt động của Đài như đọc truyện dài kỳ, bút ký và đặc biệt là các chương trình văn nghệ. Chắc hẳn Nghệ sỹ là một người rất yêu nghề?
NS. Việt Hùng: Thực sự tôi đã yêu tiếng nói Việt Nam từ rất lâu rồi. Cả quãng đời phục vụ và cống hiến cho Đài, tôi đã thể hiện tình yêu của mình không chỉ qua lời nói mà còn thể hiện bằng cả việc làm, bằng tình cảm và cả trách nhiệm của mình đối với Đài, đối với thính giả.
Đã có rất nhiều lá thư của thính giả gửi đến các ban biên tập hoặc trong các kỳ lấy ý kiến của bạn nghe đài, có rất nhiều người tỏ ý muốn nhận tôi là bố nuôi (cười). Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người gửi thư với mong muốn được gặp mặt bởi chúng tôi- những người phát thanh viên chính là những người thầm lặng, những người lặng lẽ đứng đằng sau “sân khấu” để truyền tải thông tin.
Đã gắn bó với nghề, đi theo con đường của nghề thì tôi cũng như các phát thanh viên khác đều biết hy sinh cho nghề. Cho nên, tôi yêu thích và tự hào về công việc mà tôi đã làm. Cái tự hào tiềm ẩn trong lòng của những người làm phát thanh viên mà không phải ai cũng có được.
PV: Mặc dù bây giờ mới có quyết định chính thức Nghệ sỹ Việt Hùng là NSƯT nhưng giọng đọc của Nghệ sỹ đã được công chúng ghi nhận là NSƯT từ rất lâu rồi. Nghệ sỹ nghĩ sao khi độc giả gọi “Việt Hùng là Nghệ sỹ của công chúng”?
NS. Việt Hùng: Tôi rất cảm ơn các vị lãnh đạo Đài đã quan tâm, nhìn thấy và đánh giá đúng khả năng cũng như sự cống hiến của tôi với Đài.
Phần nữa, tôi có năng khiếu, mặc dù không qua trường lớp về phát thanh nhưng chính năng khiếu đã đưa đẩy tôi và giúp tôi đến với nghề phát thanh một cách thuận lợi nhất.
Độc giả đánh giá tôi có giọng đọc trầm ấm, mềm mại, hiền từ, tình cảm và rất dễ đi vào lòng người. Chính vì năng khiếu đó mà tôi đã được đồng chí Tuyết Mai, Việt Khoa và Nguyễn Thơ chú tâm đào tạo và rèn luyện.
Tháng 4/1973, Hiệp định Paris đã được ký nhưng chưa giải phóng miền Nam, chính vì thế chúng ta đang rất cần các giọng đọc phục vụ để nhằm tác chiến, tác nghiệp khẩn trương. Đối với người phát thanh viên thì công việc cần cho thời sự yêu cầu phải rất nhanh nhạy và cần thiết. Khi mới vào Đài tôi đã đáp ứng được các yêu cầu đó và cảm thấy mình không uổng công khi các đồng chí tin tưởng và giao trọng trách cho mình.
PV: Đã 35 năm gắn bó với Đài, giờ đã về hưu, chắc hẳn NSƯT Việt Hùng sẽ cảm thấy rất “hẫng”, và có cảm giác trống trải trong lòng?
NS. Việt Hùng: Thực ra, tôi cũng không thấy có gì hụt hẫng cả. Bởi vì, mặc dù về hưu nhưng tôi vẫn cộng tác thường xuyên và dài hạn với Đài qua các chương trình đọc phát thanh. Ngoài ra, tôi còn tham gia cộng tác với các đơn vị bạn như Điện ảnh Quân đội và Điện ảnh Biên phòng.
Hơn nữa, tôi còn tham gia đọc để lồng tiếng cho các bộ phim của truyền hình Quân đội. Chính vì thế, tôi đón nhận việc nghỉ hưu nhẹ nhàng lắm, không có gì hụt hẫng cả.
PV: Như Nghệ sỹ nói là Nghệ sỹ có cộng tác đọc để lồng tiếng cho một số bộ phim. Vậy những bộ phim nào Nghệ sỹ cảm thấy tâm đắc nhất và dành nhiều tình cảm nhất?
NS. Việt Hùng: Trong một số bộ phim tôi đọc, có phim đã đoạt giải Huy chương vàng và Huy chương bạc. Tôi đã đọc quá nhiều nhưng có lẽ với tôi, chủ đề Trường Sa và những anh bộ đội, hải quân ở Trường Sa luôn là điều khiến tôi tâm đắc nhất và dành nhiều tình cảm nhất. Cảm ơn cố đạo diễn Duy Thanh- người đã làm nên những bộ phim đó để bây giờ đối với tôi, đó là những kỷ niệm.
PV: Vậy 35 năm gắn bó với Đài, chắc hẳn Nghệ sỹ có rất nhiều kỷ niệm và kỷ niệm nào khiến cho Nghệ sỹ cảm thấy nhớ nhất và xúc động nhất?
NS. Việt Hùng: Tôi có rất nhiều kỷ niệm đối với Đài. Những hôm mưa gió bão bùng, người làm phát thanh viên như chứng tôi vẫn cần mẫn ngồi phát thanh để truyền tải thông tin đến thính giả. Còn những lúc nửa đêm hay gà gáy, công việc của tôi không bao giờ để muộn và tôi đã hoàn thành những công việc đó một cách xuất sắc. Đó là kỷ luật thép.
Nhưng cũng có những kỷ niệm làm tôi không bao giờ quên được, đó chính là kỷ niệm về chương trình thời sự. Một lần, tôi được phân công đọc chương trình thời sự về một cuộc họp của Chính phủ, chương trình đó kết thúc lúc 18 giờ 45 phút nhưng khi tôi đọc đến lúc 18 giờ 30 phút thì được lệnh cấp xuống là phải kéo dài vô thời hạn, không được dừng khi chưa được cho phép. Và tôi nhớ mãi, lúc đó tôi đã đọc thẳng một lèo cho đến 19 giờ 30. Mặc dù không được chuẩn bị kịch bản cũng như các tài liệu khác nhưng tôi đã kịp thời truyền tải được tinh thần của Nghị quyết đến với mọi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và ngày hôm đó, tôi đã được đồng chí Phó TBT Kim Cúc khen ngợi và đồng chí đã tỏ ra rất hài lòng trước bài phát thanh gấp gáp không kịch bản của tôi. Thực sự, lúc đó tôi cũng có chút lo lắng nhưng rồi cái lo lắng đó cũng nhanh chóng qua đi khi mà tôi cố gắng giữ bình tĩnh và năng lực để có thể phục vụ và tác chiến trong mọi hoàn cảnh một cách vững vàng nhất. Tôi thấy đó chính là kỷ niệm vui mà tôi luôn nhớ mãi khi công tác tại Đài.
PV: Để làm được điều đó, chắc hẳn NSƯT Việt Hùng đã phải trau dồi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm?
NS. Việt Hùng: Thực ra nghề phát thanh của chúng tôi không thể nói là ngày một, ngày hai mà mình có thể vững vàng được. Muốn vững vàng và xử lý tình huống một cách nhanh chóng và thuần thục thì chúng tôi phải chắt chiu và tích lũy kinh nghiệm từng ngày, từng giờ.
Nghề phát thanh được ví như quá trình phát triển của một con người vậy. Đầu tiên là bắt đầu tập lẫy, tập bò, tập đứng, tập đi rồi tập chạy, tập nhảy cho đến khi mình vững vàng thì mình có thể tự đứng bằng chính đôi chân của mình và bước đi những bước uyển chuyển, nhẹ nhàng chứ không phải là những bước đi run rẩy khiến người khác đôi khi phải thót tim. Nghề phát thanh cũng thế, mình phải làm sao để cho thính giả thấy được nội dung, ý nghĩa mà mình truyền tải. Nhưng truyền tải cũng phải nhẹ nhàng uyển chuyển mang tầm nghệ thuật chứ không đơn thuần là truyền tải một cách đơn giản, thô ráp. Nâng lên tầm nghệ thuật chính là để thính giả nhớ Đài, yêu Đài và nâng tiếng nói Việt Nam lên một tầng cao mới. Phát thanh đẹp như tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của người Hà Nội và tiếng nói Tràng An. Như vậy, việc rèn luyện để trở thành một phát thanh viên vững vàng không chỉ là ngày một, ngày hai, thậm chí cả đời chúng ta vẫn phải học hỏi.
Ngoài ra, tôi còn tích lũy kinh nghiệm phát thanh cho mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, qua các tác phẩm văn học, tác tác phẩm âm nhạc nghệ thuật, thậm chí cả các kiến thức tự nhiên như toán, lý , hóa. Cho nên, nếu có ai đó nói rằng nghề phát thanh viên đơn thuần chỉ cầm giấy lên đọc thì tôi nghĩ mọi người đã nghĩ oan uổng cho chúng tôi.
PV: Nhiều độc giả đã chia sẻ với VOV Online rằng nhờ yêu nghề và có giọng đọc tốt mà Nghệ sỹ Việt Hùng được phong tặng danh hiệu NSƯT. Nghệ sỹ nghĩ sao về vấn đề này?
NS. Việt Hùng: Trước tiên tôi cảm ơn những vị thính giả đó đã có những lời nhận xét chân tình. Các bạn đã động viên và đánh giá đúng giọng đọc của tôi. Bởi từ trước đến nay tôi luôn cố gắng nỗ lực không ngừng, làm hết mình chỉ để mong rằng sẽ có nhiều vị thính giả nghe mình nói và yêu quý mình, coi mình như người trong nhà.
Vả lại, nghề phát thanh chúng tôi nói là nói cho người nhà, những người trong gia đình nghe chứ không phải là những người xa lạ. Trong một gia đình có nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi từ cụ giá cho đến trẻ nhỏ cho nên mình phải điều chỉnh làm sao để giọng đọc của mình luôn gần gũi và phù hợp với người nghe và làm cho người nghe nhận thấy được rằng giọng đọc này là của Đài, của nhân dân chứ không phải là giọng đọc thuê hay nói khoán. Chính vì vậy, tôi rất cảm ơn các bạn độc giả đã đánh giá đúng về tôi.
PV: Vậy Nghệ sỹ có cảm thấy rằng mình còn điều gì đó trăn trở hay chưa làm được khi đang công tác tại Đài không?
NS. Việt Hùng: Trước khi về hưu, tôi đã được các đồng chí lãnh đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách phòng phát thanh viên. Khi tôi gần về hưu, nói chung anh em trong phòng rất phấn đấu nhưng tại thời điểm đó, người làm phát thanh viên vẫn thiếu và điều đó chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghe đài. Nhất là trong thời kỳ đổi mới, bản thân mình phải nghĩ rằng mình có trách nhiệm với thính giả chứ đừng nghĩ rằng mình cứ lên sóng thì thính giả phải nghe. Điều đó cũng chính là sự nuối tiếc của tôi khi tôi chưa bồi dưỡng được các em đạt được cái mong muốn.
PV: Nghệ sỹ Việt Hùng là người rất vui tính. Vậy Nghệ sỹ đã áp dụng cái vui tính đó của mình vào công việc như thế nào để bớt căng thẳng?
NS. Việt Hùng: Đối với tôi, nghề phát thanh cần phải nghiêm túc thì mọi thông tin truyền tải mới thực sự chính xác và nhanh chóng. Cụ thể như tôi được giao đọc chương trình thì tôi đề nghị các bạn biên tập phải đưa tài liệu cho tôi tài liệu đúng giờ để tôi có thể chuẩn bị bài. Như vậy, bài phát thanh của mình mới thực sự tốt và tinh tế. Chính vì thế, các đồng chí trong cơ quan rất quý tôi và thường yên tâm khi giao cho tôi trọng trách gì đó. Cho nên, đối với tôi, cái vui nên để dành cho những lúc giải trí, còn trong công việc chúng ta nên nghiêm túc.
PV: Nếu có một ước muốn cho nghề, Nghệ sỹ sẽ mong muốn điều gì?
NS. Việt Hùng: Tôi chỉ mong tôi còn đủ sức khỏe để có thể đọc phát thanh để truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh nhạy và thời sự nhất.
PV: Cảm ơn Nghệ sỹ Việt Hùng về cuộc phỏng vấn này./.