Nữ dịch giả Nga và tác phẩm "Hồn bướm mơ Tiên"

(VOV) - Ở Nga, bà Inna Zimônina là một nữ dịch giả văn học Việt Nam khá nổi tiếng với nhiều tác phẩm trong đó có "Hồn bướm mơ Tiên".

Biết cuốn “Hồn Bướm mơ Tiên” bằng tiếng Nga đã ra mắt bạn đọc, tôi cùng nữ dịch giả văn học Nga Nguyễn Thị Kim Hiền đến thăm người đã dịch cuốn sách này, bà Inna Zimônina. Đã ngoài 80 tuổi, chân tay đã yếu và sức khỏe không còn dồi dào… nhưng cảm nhận đầu tiên để lại trong chúng tôi: bà là một phụ nữ đẹp quý phái, thật dịu dàng… và chắc chắn bà là người rất thâm sâu, uyên bác và kỹ tính. Việc bà quyết định chọn và dịch tác phẩm nổi tiếng “Hồn Bướm mơ Tiên” cũng phần nào nói lên điều này.

“Vào cuối năm 1959 tôi đến Việt Nam và là một sinh viên tiếng Việt. Lúc đó, một số sinh viên Liên Xô học trước tôi đã mang đến cho tôi mấy cuốn sách của nhóm Tự lực Văn đoàn. Tôi đã say sưa đọc các cuốn sách đó. Câu chuyện mà tôi thích nhất là “Hồn bướm mơ tiên” và nó đã theo tôi trong trí nhớ suốt cuộc đời. Tôi đã ước mơ sẽ có dịp dịch cuốn sách này nhưng mãi về sau, khi cuốn sách của Khái Hưng gồm chuyện “Hồn Bướm mơ Tiên” và “Nửa chừng xuân” được tái bản tôi mới có được một cuốn do dịch giả Thúy Toàn mang sang cho tôi.

Tôi bắt đầu dịch “Hồn Bướm mơ Tiên” với suy nghĩ trước hết là cho bản thân mình. Sau đó, trong một lần sang công tác, ông Thúy Toàn, lúc này là Giám đốc Quỹ Quảng bá văn học Nga – Việt cho tôi biết có thể xuất bản cuốn sách này. Tôi đã nhanh chóng hoàn thành nó và đến tháng 10 năm ngoái thì đưa đến nhà xuất bản” - bà Zimônina kể.

Bà Inna Zimônina trao đổi  với phóng viên VOV.

“Hồn bướm mơ Tiên” là một câu chuyện tình lãng mạn với tâm lý nhân vật sâu sắc, thể hiện sự tranh đấu giằng co giữa tình yêu và lòng mộ đạo của một đôi trai gái: chàng trai là người từng du học ở phương Tây còn cô gái đã giả trai, xuất gia làm một chú tiểu tại ngôi chùa. Ở đó, số phận đưa đẩy, họ đã gặp nhau, cảm mến nhau… Nhưng cuối cùng chính tình yêu đôi lứa và lòng mộ đạo đã khiến họ thực sự thoát tục để trở thành những chân tu. Đây là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng nhưng nó có giá trị nghệ thuật rất cao, thể hiện một bút pháp già dặn của một tác giả lành nghề, nó thậm chí có phần chững chạc hơn so với “Nửa Chừng Xuân” và nhiều tác phẩm khác của ông sau này.

Chính cốt truyện hay cùng bút pháp tuyệt vời của nhà văn mà nữ dịch giả Inna đã bị cuốn hút ngay lần đọc đầu tiên. Giờ đây, mong ước của bà đã thành hiện thực, bà đã hoàn thành phần chuyển ngữ và cuốn sách đã đến tay bạn đọc tiếng Nga. Nâng niu cuốn sách, bà tỏ ra rất hài lòng về hình thức trình bày cuốn sách và cảm thấy như đây là một món quà lớn của cuộc đời. Bà đã vui vẻ đề tặng sách cho chúng tôi rồi cho chúng tôi biết những cảm nhận của bà về cuốn sách.

“Tôi rất thích ấn phẩm này. Hình ảnh đã được minh họa bằng bức vẽ của họa sỹ nào đó tôi cũng không rõ, nhưng nó rất đẹp. Khung khổ cuốn sách cũng rất hay, nó gần như hình vuông. Cả những trang trong cũng được trình bày rất đẹp với những hình cành hoa nhẹ nhàng… Nhìn chung cuốn sách chứa đựng đầy thi vị. Cuốn sách này đối với tôi trở nên rất quý giá. Có thể là bởi nó đã nhắc tôi nhớ đến thời sinh viên ở Việt Nam, và cũng có thể là bởi nó đã bổ sung thêm những gì mà sau hơn 20 năm những cuốn sách Việt Nam ít được xuất bản ở Nga.

Tác phẩm "Hồn bướm mơ Tiên" bản dịch tiếng Nga (ảnh: Điệp Anh)

Cuốn sách này trở nên quý hơn tất cả những cuốn mà tôi đã từng dịch trước đó còn bởi nó là cuốn sách nói về thân phận của người phụ nữ. Tôi đã cảm nhận được sự tinh tế, sự nhạy cảm và ấm áp trong cuốn sách. Tôi nghĩ đây là món quà mà Trời Phật đã tặng cho tôi, bởi tôi đã yêu thích nó từ rất lâu và đây là cuốn sách nói nhiều về đức Phật nên tôi đã được nhận quà tặng quý giá này”.

Từ trước tác phẩm “Hồn Bướm mơ Tiên” tên tuổi Inna Zimônina đã trở nên khá quen thuộc với độc giả Liên Xô suốt những năm trước đây khi nhiều cuốn sách, truyện hay của kho tàng văn học Việt Nam đã được chuyển ngữ sang tiếng Nga mà tên sách, tên truyện đã gắn với tên bà. Bà cũng thực sự trở thành một người bạn thân thiết, gắn bó với Việt Nam, đặc biệt với giới văn học, nghệ sĩ Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ với cái tên thân mật nhiều người vẫn gọi là “chị Inna”.

Từng là nữ sinh viên Nga của lớp Ngữ văn Khóa 3 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1961), cũng như hầu hết học viên của lớp này ra trường đều trở thành những cây bút có danh tiếng, bà Inna Zimônina trở thành một dịch giả Văn học Việt Nam và nhanh chóng có tên tuổi ở nước Nga.

Nữ dịch giả Inna Zimônina trong một chuyến đi thực tế khi còn học Ngữ văn tại Việt Nam (ảnh tư liệu)

Chuyện trò thêm với bà chúng tôi được biết, dòng văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 được bà dành nhiều tình cảm nhất và bởi thế, ngay sau khi tốt nghiệp lớp Ngữ văn Khóa 3, bà còn ở lại Việt Nam thực tập thêm một thời gian và đã đi sâu vào tìm hiểu dòng văn học này. Trong số đó những sáng tác của nhà văn Nam Cao đã nhanh chóng thu phục bà để rồi sau một quá trình nghiên cứu, thậm chí về cả quê hương của nhà văn ở Nam Định để thấm, để hay cái hồn của nhà văn trong từng tác phẩm… nữ thực tập sinh Inna đã bắt tay dịch ngay một số tác phẩm của nhà văn Việt Nam đặc sắc này.

Năm 1963, Nhà xuất bản Văn học Quốc gia Liên Xô đã ấn hành tập tuyển đầu tiên tác phẩm Nam Cao bằng tiếng Nga. Trong số 15 tác phẩm, bên cạnh tên tuổi của các dịch giả thế hệ đầu tiên dịch văn học Việt Nam sang tiếng Nga, như I.Bưstrov, Marian Tkachev, N.Nikulin, thì có tới bốn tác phẩm của Nam Cao đã đứng tên nữ dịch giả trẻ Inna Zimônina như: “Nửa đêm”, “Xem bói”, “Mò sâm banh” và “Nỗi truân chuyên của khách má hồng”.

Cũng từ đó Inna Zimônina liên tiếp đưa đến cho bạn đọc tiếng Nga các bản dịch xuất sắc tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam các thế hệ như: Tô Hoài, Nam Cao, Chu Văn, Hoàng Trung Thông, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Vũ Hạnh… và nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn như Văn Trọng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Trần Thanh Giao, Văn Linh….

Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại xuất sắc của nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, rồi Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… cũng là những tác phẩm bà đã dịch và được xuất bản ở Nga. Không chỉ dịch sách, Inna Zimônina còn viết giới thiệu và dịch nghĩa để nhà thơ lão thành Paven Antokolski dịch thành thơ tiếng Nga tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm; rồi tham gia trong bộ biên tập gồm những nhà văn nổi tiếng soạn bộ tuyển văn học Việt Nam đương đại với 15 tập xuất bản ở Liên Xô trong vòng 6 năm (1979-1985).

Trong một lần làm phiên dịch tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Inna Zimônina may mắn được chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Công tác trong Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Liên Xô, bà Inna Zimônina có nhiều dịp trở lại Việt Nam, tháp tùng các đoàn đại biểu các nhà văn Liên Xô sang ta công tác, hội họp, trao đổi, hợp tác… và cũng thường xuyên đón tiếp các nhà văn Việt Nam khi sang Liên Xô tham dự các hoạt động tương tự… Bà đã trở thành người bạn thân thiết không chỉ của các nhà văn Việt Nam cùng trang lứa, mà cả các bậc đàn anh, như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông..

Những việc làm của bà được ghi nhận là những đóng góp quan trọng cho việc phát triển và củng cố mối quan hệ giao lưu văn hóa Nga – Việt, quảng bá văn học Việt Nam sang Nga, sang các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Năm 1982, Chính phủ ta đã trao tặng bà Huân chương Hữu nghị cùng một đợt với các nhà văn Liên Xô nổi tiếng khác như Đôlmatopski, Tkachev, Nikulin, Evtusenko và mới đây nhất vào trung tuần tháng 12 năm 2012 vừa qua, Hội Nhà Văn Việt Nam cũng trao tặng bà Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học Việt Nam”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng về giải thưởng Văn học 2012
Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng về giải thưởng Văn học 2012

(VOV) - Tối 21/01, Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo chính thức về giải thưởng văn học năm 2012.

Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng về giải thưởng Văn học 2012

Hội Nhà văn Việt Nam lên tiếng về giải thưởng Văn học 2012

(VOV) - Tối 21/01, Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã ra thông báo chính thức về giải thưởng văn học năm 2012.

Văn học Việt Nam chưa gắn chặt với ý thức nữ quyền
Văn học Việt Nam chưa gắn chặt với ý thức nữ quyền

(VOV) - Hình ảnh người phụ nữ trong văn học xưa nay không hiếm, nhưng về vấn đề quyền của người phụ nữ chưa được quan tâm.

Văn học Việt Nam chưa gắn chặt với ý thức nữ quyền

Văn học Việt Nam chưa gắn chặt với ý thức nữ quyền

(VOV) - Hình ảnh người phụ nữ trong văn học xưa nay không hiếm, nhưng về vấn đề quyền của người phụ nữ chưa được quan tâm.

Tiểu thuyết gia gốc Việt nhận giải nhất Văn học Bỉ
Tiểu thuyết gia gốc Việt nhận giải nhất Văn học Bỉ

Nguyễn Hoài Hương vừa vinh dự được trao giải Nhất văn học Bỉ năm 2013 cho tác phẩm tiểu thuyết “Bóng mát dịu êm” của cô.

Tiểu thuyết gia gốc Việt nhận giải nhất Văn học Bỉ

Tiểu thuyết gia gốc Việt nhận giải nhất Văn học Bỉ

Nguyễn Hoài Hương vừa vinh dự được trao giải Nhất văn học Bỉ năm 2013 cho tác phẩm tiểu thuyết “Bóng mát dịu êm” của cô.