Quán quân "Chinh phục Đỉnh cao" Ngọc Anh sẽ tiếp tục "chinh phục" khả năng diễn xuất khi hóa thân thành người thiếu nữ Hà thành đằm thắm, say mê ca hát nhưng cũng rất gan dạ, dũng cảm trong bộ phim ca nhạc “Cây đàn Điện Biên” của Đạo diễn Việt Hương được phát sóng trên VTV1 trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Cây đàn Điện Biên” khắc họa hình ảnh người chiến sỹ Điện Biên Phủ đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Xóa tan những nghi ngại về phim chiến tranh vốn “cứng nhắc”, nghệ sỹ ưu tú Việt Hương không đi theo mô típ cũ - nói về chiến công, mà tìm ra một lối đi riêng khi làm phim ca nhạc mang đến những nét lạ giàu xúc cảm.
|
Ngọc Anh trong vai thiếu nữ Hà thành. (Ảnh: VTV)
|
Phim kể về chuyện tình đầy chất thơ của một cặp nghệ sĩ đất Hà thành trước và sau năm 1954. Chàng trai là người chơi violin, cô gái say mê ca hát. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai đã lên đường ra mặt trận, hành trang mang theo của anh là chiếc ba lô và cây đàn violin.
Trên mặt trận, ngoài việc cầm súng bảo vệ đất nước, những lúc ngừng chiến, anh vẫn mang đàn violin ra kéo để quên đi nỗi nhớ người yêu. Tiếng đàn của anh đã làm cho người thương binh quên đi những nỗi đau đớn của thể xác.
Ở hậu phương, cô ca sĩ rất thương nhớ người yêu và cũng cảm thấy mình cần phải đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cô đã cùng bạn bè xung phong vào chiến trường để góp sức cho cuộc chiến và cũng hy vọng sẽ gặp người yêu. Nhưng người nghệ sĩ, chiến sĩ ấy đã hy sinh chỉ để lại cho cô kỷ vật là cây đàn violin...
|
Hình ảnh đoàn phim "Cây đàn Điện Biên. (Ảnh: VTV)
|
Mặc dù “Cây đàn Điện Biên” là phim ca nhạc nhưng sự lựa chọn và dàn dựng bối cảnh của ê kíp rất công phu.
Đạo diễn Việt Hương cho hay, “Cây đàn Điện Biên” được làm trong suốt hơn một tháng lăn lộn ở khắp Hà Nội, Đá Chông, Tam Đảo và bối cảnh chính là Điện Biên Phủ với hầm Đờ Cát, đồi A1, tượng đài...
Là thể loại phim chiến tranh, “Cây đàn Điện Biên” cũng quy tụ khối lượng lớn về diễn viên quần chúng là các chiến sĩ sĩ quan của Học viện Biên phòng.
Trong quân phục thời chiến, mũ cối, lá ngụy trang cùng khẩu súng bất ly thân, họ đã hóa thân vào vai các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tạo nên những cảnh minh họa sinh động cho các ca khúc lãng mạn và hùng tráng về cuộc chiến lừng lẫy của quân dân Việt Nam./.