“Ôi nhớ chiều ba mươi Tết”

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp với 20 năm sống ở Hà Nội, trở về Nam đã có một bài hát rất hay về Hà Nội, về chiều 30 Tết của Hà Nội… Cái “chiều ba mươi Tết” ấy kéo dài suốt cả đời người.

Trong cuốn “Mùa lá rụng trong vườn”, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết rất hay về một chiều ba mươi Tết của người Hà Nội. Những lo toan, những tất bật vội vã của cả năm như dồn lại, để rồi khi mâm cỗ cúng chiều ba mươi Tết làm xong, mọi lo âu, bực tức đều tan biến…

Không biết là “ưu điểm” hay “nhược điểm” với người Việt, Tết là phải về nhà. Những ngày áp Tết, người đi lại hối hả trên đường thiên lý, chỉ là để về với ông bà, cha mẹ, về với gia đình.

Với người Hà Nội cũng vậy và ở nhiều gia đình đó là điều bắt buộc. Tôi có quen biết một gia đình, cụ ông họ Văn quê làng Cổ Nhuế. Suốt những năm cụ còn sống, các con ở các nơi (có người dạy học tận Hà Giang), hai tám, hai chín Tết là về trải chiếu nằm ở nhà cụ. Xong bữa cơm cúng chiều ba mươi “cơ nào đội ấy” mới tản về nhà riêng của mình.

Nghe bài hát "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Những năm 1970 về trước, người Hà Nội còn tự gói và luộc bánh chưng. Đầm ấm nhất là đêm luộc bánh. Nước nóng bao giờ cũng sẵn nên cả nhà lần lượt tắm tất niên với nồi nước nóng thơm sực mùi lá xả, hạt mùi. Tắm gội xong, người nhẹ nhõm lâng lâng.

Bây giờ nhà nào cũng có bình nước đun bằng điện, đã mất đi rồi cái chuyện gội đầu bằng nước bồ kết, hạt mùi. Cũng mất hẳn đi niềm vui của những người mẹ, tự tay gội đầu, bới tóc cho những đứa con mười tám, đôi mươi của mình.

Phút giao thừa, có hạnh phúc nào hơn được bê mâm cơm cúng ra trước hiên nhà, đứng bên cạnh cha mẹ mình thành tâm chờ phút đất trời giao hòa, cả không gian toát lên vẻ đẹp kỳ ảo, linh thiêng, nghe cha mẹ khấn vái thần linh, tổ tiên phù hộ cho đất nước, cho con cháu trong nhà.

Chiều 30 Tết (ảnh: vnav.vn)

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp với hai mươi năm sống ở Hà Nội, trở về Nam đã có một bài hát rất hay về Hà Nội, về chiều 30 Tết của Hà Nội: “Ôi nhớ chiều ba mươi Tết”… cái “chiều ba mươi Tết” ấy kéo dài đến phút giao thừa sang cả sớm mùng một Tết, kéo dài suốt cả đời người. Để “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”… một Hà Nội giàu chất nhân văn, thấm đẫm tình người.

“… Vội vã trở về, vội vã ra đi…” sao người Hà Nội bây giờ khổ thế? Hà Nội đã có thời gian dài sống trong bom đạn, sống trong thiếu thốn, nhưng chính trong cái lúc “cơm không đủ no” “áo chỉ đủ ấm”, đi xe đạp, xe điện nhiều hơn xe máy ấy, người Hà Nội đã biết tạo cho mình những khoảng “tĩnh lặng” để sống giao hòa cùng trời đất, để tạo ra những nét riêng của Hà Nội, từ “tiếng sông Hồng thở than” đến “tiếng leng keng sớm khuya” của đoàn tàu điện. Từ “tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ” đến “những đêm hoa sữa thơm nồng”. Để sống, để yêu, để vươn lên, thấy những ngày đang sống “là ngày đẹp hơn tất cả”.

Cũng chưa có gì là muộn cả. Việc xây dựng một nếp sống của người Hà Nội “trọng tinh thần”.

Tôi có một người bạn, con út trong một gia đình ở vùng quê Phú Thọ. Có lần tôi hỏi: đã lúc nào đêm ba mươi Tết bạn bê mâm cỗ giúp mẹ mình cúng giao thừa chưa?”.

Bạn tôi thú thật rằng chưa bao giờ có được hạnh phúc ấy. Còn nhỏ thì các anh làm. Lớn lên, lấy vợ sinh con ở Hà Nội, giao thừa cũng không về nhà mẹ được. Tôi bảo: cũng chưa muộn đâu. Giao thừa năm nay hãy bỏ nơi thị thành, về cúng giao thừa với mẹ đi. Đưa cả vợ con về, để các con bạn có trong ký ức tuổi thơ của mình phút thiêng liêng nhất sau một năm trời vất vả, đứng bên ông bà cha mẹ thấy lòng mình tĩnh lặng, mọi ưu phiền đều qua đi.

Ôi nhớ chiều ba mươi Tết.

Hà Nội của ta, một thời đạn bom, một thời hòa bình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên