Ông thủ thư đặc biệt ở Cố đô Huế
Với quan niệm sách để trong tủ kính là sách “chết”, từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Hữu Châu Phan lập ra thư viện gia đình cho mọi người đến đọc miễn phí và giúp đỡ mọi người tìm những tài liệu quý.
Thư viện tư nhân với hơn 10.000 đầu sách
Người ta gọi nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hữu Châu Phan là ông thủ thư đặc biệt, bởi đến với thư viện của gia đình ông, độc giả không chỉ được đọc miễn phí mà còn được ông tận tình giúp đỡ, tư vấn cách đọc, cách chọn tư liệu cho các công trình nghiên cứu của mình. Thậm chí, ông sẵn sàng làm nhân viên tạp vụ như phô tô miễn phí tài liệu cho bất kỳ độc giả nào nếu có yêu cầu, qua đó giúp họ có thể sử dụng có hiệu quả nhất thư viện của gia đình.
Ông Châu Phan say sưa kể về niềm đam mê sách |
Thư viện của ông nằm trên gác hai trong ngôi biệt thự cũ kỹ nhưng không hề lỗi mốt ở giữa cố đô, do cha ông, kỹ sư thuỷ lâm Nguyễn Hữu Đính để lại. Đây cũng chính là thư phòng của cha ông, người đã bồi đắp niềm đam mê sách và trước lúc ra đi đã nhắn nhủ với ông cố gắng xây dựng được một thư viện để mọi người cùng đến đọc.
“Cha tôi thường khuyến khích tôi lấy học bổng để mua sách quý. Trong khi đó, ông cũng thường xuyên tìm mua sách tặng tôi. Bản thân tôi cũng mê sách, lại được cha dìu dắt nên tôi càng ngày càng mê sách. Có lẽ, sách là niềm đam mê lớn nhất của tôi”, ông Phan tâm sự.
Trong căn biệt thự của ông, đâu đâu cũng thấy sách. Hơn 10.000 đầu sách là thành quả mà hai cha con nhà nghiên cứu Châu Phan sưu tập được trong hơn nửa thế kỷ qua, trong đó có rất nhiều sách quý mà hiếm thư viện nào có được, kể cả thư viện nhà nước. Đó là 70 tập bản gốc tập san “Những người bạn của cố đô Huế”, do Hội Đô thành hiếu cổ của học giả người Pháp L. Cadiere thực hiện từ 1914 đến 1944; hay tập hồi ký “Thư từ Đông Dương”, được viết từ năm 1893-1899 của một vị tướng Pháp về tình hình Đông Dương và những chính sách cai trị của người Pháp tại Đông Dương cuối thế kỷ 19.
Trong thư viện của ông Phan còn có hàng ngàn cuốn sách thuộc loại hiếm trong cả nước vì là sách chuyên ngành, được xuất bản từ thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20 tại Pháp, Italia, Tây Ban Nha…, với số lượng hạn hẹp và giá rất đắt.
“Sách về thuỷ lâm trong thư viện đảm bảo là nhất nước (khoảng 2.500 cuốn), sách về mỹ thuật cũng có số lượng kha khá, bên cạnh đó là sách lịch sử văn hoá và sách viết về Huế”, ông Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết thêm.
Thư viện nhà ông mở 3 ngày một tuần phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Độc giả phần lớn là giới sinh viên, các nhà nghiên cứu, cả trong và ngoài nước. Do thư viện của ông phong phú về chủng loại và độc đáo về nội dung, mà theo như nhiều nhà nghiên cứu, khó có thể tìm thấy ở các thư viện khác.
Thủ thư không công
Với chị Dương Thị Hương Trà, giảng viên Đại học Huế, thư viện của thầy Châu Phan đã trở nên quen thuộc trong khoảng thời gian chị nghiên cứu luận án thạc sĩ về nhân chủng học và đã bảo vệ thành công tại Mỹ.
Chị Trà tâm sự: “Tủ sách của thầy Phan có rất nhiều sách mà tôi nghĩ bất cứ sinh viên nào thuộc ngành khoa học xã hội nhân văn cũng cần tham khảo. Mặc dù là một tủ sách cá nhân nhưng được thầy cập nhật thường xuyên, bằng tiền riêng của mình. Sách trong thư viện của thầy rất quý, rất cần cho nghiên cứu mà không phải ai cũng có thể tìm được hoặc bỏ tiền ra mua được. Ở thư viện của thầy, tôi tìm được những thông tin sâu về lịch sử, về nhân chủng của miền Trung, Nam bộ và đặc biệt của những tập san sử địa sưu tập của các nhà nghiên cứu Pháp…”.
Hơn 10.000 đầu sách, nhưng ông Châu Phan luôn biết vị trí chính xác cuốn cần tìm |
Với nhiều độc giả, nhất là với những người làm công tác nghiên cứu, thư viện và bản thân thầy Châu Phan không chỉ là kho tư liệu quý mà qua thầy, còn có nhiều cơ hội mở mang, tiếp cận với những nguồn thông tin quý khác. Nói như chị Hương Trà, “qua thầy, không chỉ được đọc sách mà còn được gặp gỡ với những người khác. Cho nên, đến với ông như lần ra được mối liên hệ về học thuật vậy.”
Bởi lẽ, “Thầy Châu Phan có mối quan hệ rộng, nhiều bạn bè ở Huế, ở TPHCM, Hà Nội…, thậm chí có những mối liên hệ với các giáo sư ở nước ngoài. Thầy không chỉ là người sở hữu sách quý mà còn biết nhiều về những đề tài, qua các cuộc trò chuyện với thầy có thể hiểu thêm được những kiến thức cho người nghiên cứu. Khi nghiên cứu đề tài, tôi cũng thường xuyên có mặt ở thư viện của thầy, rồi cần nghiên cứu thêm thì thầy giới thiệu cho tôi một số bạn bè ở TPHCM”, chị Hương Trà cho biết thêm.
Mỗi ngày thư viện mở, ngoài việc giúp người đọc chọn sách, ông còn phải photo miễn phí không biết bao nhiêu tài liệu cho những người cần tài liệu mang về nghiên cứu. độc giả yêu cầu. Chính vì lẽ đó, nhiều người, thậm chí cả người thân ngạc nhiên vì ông quá tận tâm với độc giả. Còn với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, công việc thủ thư không những giúp ông giải khuây tuổi già mà còn là niềm vui khi thực hiện được lời hứa với cha mình.
Bước vào “mê cung” với những sách là sách, ít có ai có đủ thời gian và kiên nhẫn để tìm ra những cuốn sách mình cần. Vậy thì chỉ có cụ Phan thôi! Chỉ có ông mới biết vị trí chính xác những tài liệu quý đó nằm ở góc nào trong hơn một vạn cuốn được sắp đặt cẩn thận. Nhiều khi, ông phải tư vấn cách chọn tài liệu cho phù hợp với các đề tài mà độc giả đang nghiên cứu.
“Ai có đề cương nghiên cứu rồi giao cho tôi. Tôi hỏi họ có những sách gì rồi và tư vấn cần phải đọc thêm những loại sách nào. Ai muốn tìm hiểu cụ thể hơn có thể đi tìm khắp thư viện, nhưng phần lớn tôi đều hướng dẫn họ, vì nếu tự tìm thì lâu lắm. Nhiệm vụ chính của tôi là vậy”, ông cho biết. Nhiều người nói ông dở hơi, làm không công, nhưng ông chỉ nghĩ “mình biết gì thì chỉ bảo cho người khác trong khả năng của mình…”.
Tuổi cao, sức yếu, nhưng ông luôn vui vì công việc vất vả này. Ông tâm niệm, sách vở dù quý đến đâu, nếu không được bạn đọc biết đến thì cũng chỉ là tập giấy vô ích. Mở thư viện là để thoả mong mỏi tiếp xúc với các bạn sinh viên, được gặp gỡ, trao đổi với những ai có niềm đam mê nghiên cứu và cũng là ước nguyện của cha ông.
Căn gác nhà ông từ lâu cũng được biết đến là trụ sở của Trung tâm Văn hoá Huế, nơi tập trung một số nhà nghiên cứu về Huế cùng nhau thảo luận, chia sẻ và tập hợp xuất bản một số ấn phẩm nghiên cứu về Cố đô. Ông Châu Phan hiện cũng là chủ biên cuốn “Nghiên cứu Huế” (đã xuất bản 7 tập). Chính vì thế, ngoài những ngày đóng vai trò “thủ thư”, thời gian còn lại ông dành riêng cho Huế, cho những bài viết, tư liệu về vùng đất Cố đô nơi ông gắn bó suốt cuộc đời./.