Phá di sản văn hóa, ai chịu nhận trách nhiệm?

(VOV) - Đình Ngu Nhuế, chùa Trăm Gian bị dỡ bỏ và xây mới nhưng khi xét trách nhiệm thuộc về ai thì lại...rất khó quy kết! 

Phải nói ngay rằng, việc trùng tu di tích lâu nay vẫn được thực hiện bằng cách đập đi xây mới nhưng chưa có biện pháp xử lý nào. Trong khi đó, các di tích vài trăm năm tuổi, thậm chí hàng nghìn tuổi cứ thế mất đi. Sự việc chùa Trăm Gian rồi đình Ngu Nhuế bị xâm hại ngang nhiên và trắng trợn rõ ràng không phải cá biệt. Đằng sau nó là lỗ hổng của chính sách cùng sự yếu kém về chuyên môn của các cơ quan quản lý.

Có lẽ không phải đến khi xảy ra sự việc ở chùa Trăm Gian thì người ta mới thấy sự loanh quanh trong việc “nhận trách nhiệm” của các cơ quan chức năng. Trước đó là thành Nhà Mạc ở Tuyên Quang, sau khi bị “khai tử” một cách ngang nhiên, trở thành cái lò gạch theo đúng nghĩa, người ta cũng chỉ thấy sự lảng tránh của tỉnh rồi đến Bộ….

Đến khi Ô Quan Chưởng được “khoác áo mới” đúng dịp ngàn năm của Thủ đô, người dân lại được một phen “hoảng hốt” với những lời giải thích “chẳng biết đằng nào mà lần” của các cơ quan chức năng. Ban này đổ cho bệ kia, ngành này đổ cho ngành khác… và sau đó là hòa cả làng.

Nhà Tổ, chùa Trăm Gian bị phá dỡ dựng lại hoàn toàn mới


Và khi chùa Trăm Gian bị xâm hại, sự loanh quanh trong nhận trách nhiệm cũng thấy khá rõ. Ông Tống Bá Lương, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phương kiêm Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian lý giải: “Vì tin tưởng nhà chùa có giấy đồng ý nên chúng tôi mới nói trên loa đề nghị người dân đến công đức dỡ chùa. Nhà chùa cũng nói là vài hôm sau sẽ mang giấy của Sở lên trình nên tôi yên tâm. Còn việc báo cáo huyện tôi đã giao cho đồng chí ở phòng văn hóa, nhưng chắc đồng chí ấy quên…”

Là địa phương trực tiếp quản lý di tích cấp quốc gia, nhưng tất cả cán bộ xã Tiên Phương đều lắc đầu không biết! Khi nhà Tổ và gác Khánh chùa chỉ còn lại là đống gạch vụn thì từ địa phương đến trung ương đều sôi sung sục trong cuộc truy lùng thủ phạm cùng cái gọi là “quy trách nhiệm”. Có hẳn một ban được lập ra với mục đích điều tra làm rõ sự việc. Họp hành lên xuống dăm bảy bận, kiểm tra chùa hàng chục lần khiến nhà chùa chóng cả mặt. Nhiều người dân sinh sống ở gần chùa nói đùa với nhau rằng: “Nếu chùa không bị phá, chúng tôi khó mà thấy mặt được đầy đủ các đồng chí thuộc bộ ngành như thế!”

Nửa tháng sau khi sự việc chùa Trăm Gian bị phát hiện, hình thức kỷ luật đã có với mức án không thể nhẹ hơn được nữa là “ khiển trách”(!) Khiển trách nghĩa là không có ai ở đây bị mất chức, không có ai bị truy tố. Và rõ ràng, không thể nói đến chuyện từ chức ở đây! Thứ văn hóa rất văn hóa đó chưa được bất kỳ ai nghĩ đến khi để xảy ra sự việc “phá hoại di tích văn hóa” như thế này.

Sự vô trách nhiệm đến mức độ vô cảm, buông xuôi, phó mặc của các cơ quan chức năng rõ nhất là trong vụ đình Ngu Nhuế. Một ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia to là thế mà bị đập tan tành rồi chuyển sang chỗ khác dễ dàng không khác gì chuyển một chiếc xe máy nào đó.

Hỏi chính quyền chủ tịch xã Nguyễn Văn Năng khẳng định nắm rõ Luật Di sản nên đã làm theo đúng trình tự để trùng tu di tích. Nhưng chuyện dân di chuyển cả một ngôi đình, ban đầu, cấp chính quyền xã lại nghĩ đơn giản là dân bỏ tiền công đức và tự làm. Hơn nữa, yếu tố tâm linh, tế nhị nên cán bộ “ngại” đụng chạm, dù ai cũng biết, với trách nhiệm của mình, và theo Luật, họ phải thực hiện. “Nếu là lấn chiếm, xây dựng trái phép, xã cho anh em đến can thiệp, tháo dỡ ngay. Nhưng đây là công trình mang tính tâm linh, chẳng lẽ khi các cụ xuống móng, mình lại bảo anh em đến giằng viên đá, xẻng cát…!”, ông chủ tịch xã thật thà phân trần.

Các cấu kiện cũ của đình Ngu Nhuế bị tháo dỡ, vứt chỏng chơ


Trong quá trình tìm hiểu về các vụ việc phá hoại di tích quốc gia, điều mà chúng tôi bất ngờ nhất, Luật di sản văn hóa dường như đã không đến được với 2 nơi này, mặc dù huyện Chương Mỹ của HN và huyện Văn Giang của Hưng Yên chỉ cách thủ đô gần 30km.

Ông Phó chủ tịch UBND xã kiêm trưởng ban quản lý chùa Trăm Gian từng thú nhận rằng từ khi giữ chức vụ phó chủ tịch xã đến nay, bản thân ông ấy chưa từng đọc qua luật di sản, và lại càng không hiểu phải đối xử với một di sản quốc gia như thế nào. Tất nhiên, vì không hiểu luật nên sự việc đáng tiếc đó đã xảy ra. Còn đình Ngu Nhuế, thì rõ ràng là luật di sản đã thua “lệ làng” mất rồi!

Căn cứ vào Luật Di sản, đơn vị trực tiếp quản lý di sản sẽ phải chịu trách nhiệm khi di sản đó bị phá hủy. Nhưng trách nhiệm đến đâu khi chưa có tiền lệ trong việc xử lý các sai phạm trong trùng tu di tích? Nếu chỉ dừng lại ở “khiển trách” mà không có một chế tài đủ sức răn đe thì e rằng những di sản văn hóa ngàn năm của dân tộc sẽ tiếp tục “một đi không trở lại”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên