Phan Quang- 60 năm không rời cây bút

Giáo sư Viện sĩ Hoàng Trinh giới thiệu cuốn “Phan Quang, Tuyển tập Mười năm 1998-2008, Nxb Văn học, 2008”

Chắc chắn Phan Quang đã làm như thế. Như nhà danh họa Picasso đã nói: “Tôi không tìm tòi cái gì. Tôi chỉ nhìn cho đúng những điều tôi phải làm ra”. Bởi Phan Quang là một người có đầu óc trật tự, đầu óc trình tự.

Cái gì viết trước, cái gì viết sau, đều có vị trí của nó, tuy là viết “một mạch”. Ví như trường hợp Alexandre de Rhodes, vào bài là anh nói ngay. Alexandre de Rhodes không phải  là người đầu tiên hay duy nhất có công sáng tạo cách viết chữ quốc ngữ bằng mẫu tự la tinh. Ông là một nhà ngôn ngữ học có phần đóng góp vào công trình tập thể gồm các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp... qua một quá trình dài lâu, và tại sao không, trong tập thể ấy có những người Việt Nam bình thường, bởi chính những tín đồ đầu tiên của đạo Cơ Đốc ở nước ta chứ không phải ai khác đã giúp các cố đạo nước ngoài học ngôn ngữ Việt Nam sâu sắc hơn những gì họ biết.  

Còn có nhiều danh nhân lỗi lạc khác đáng “ưu tiên” hơn mà Phan Quang hiểu khá sâu, như vợ chồng Aragon-Elsa Triolet, như Jean Paul-Sartre... Rồi sử thi Hy Lạp Odyssée, sử thi Tây Ban Nha Le Cid... mà các hiệu sách lớn dọc đại lộ Montparnasse hay các quán sách nhỏ ven bờ sông Seine bày ngổn ngang, những nơi bản thân tôi cũng từng ghé qua rồi lạc vào trong rừng sách mới và sách cũ. Anh đã viết một bài khá công phu về vị linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi khen chê công tội ấy, bởi anh nghĩ:  “đối với người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ai có đóng góp ít hoặc nhiều cho sự phát triển của dân tộc mình, chúng ta đều hàm ơn, và hậu thế sẽ thành kính tôn vinh những người nước ngoài có cống hiến tùy theo công lao đóng góp của họ, cho dù nhân thân họ là người thế nào”.

Thăm nhà lưu niệm Mark Twain ở Mỹ

Anh có dịp thăm nhiều nơi ở Trung Quốc, hiểu biết khá sâu văn hóa Trung Hoa., Nhiều lần đi lại trên Vạn Lý trường thành, để cuối cùng viết có mỗi một bài về trường thành sau những gì bao nhiêu nhà biên sử, nhà văn cổ kim đông tây đã viết, đã nói về kỳ quan này. Từ thời Chiến Quốc đến ngày nay, hai ngàn năm trăm năm đã qua, Tần Thủy Hoàng được Phan Quang nhắc đến như một “di chỉ”, khiến anh hồi lâu phải “trầm ngâm bên mộ vua Tần”. Tôi rất thích đọc những trang viết sâu lắng và nên thơ, như những đoạn về khói Cam Tuyền và bóng nguyệt Tràng thành, về Trường An và Tây An của Trung Quốc ngàn xưa trong bối cảnh... kinh tế thị trường .

Hoặc là bài Tây Hồ mùa thu. Nhuần nhuyễn trong anh cái cổ xưa và cái đương đại, những người bạn cũ và những nhân vật mới quen. Đến Hàng Châu, anh nghĩ tới Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha đồng thời không quên chị Vương, ký giả tờ Chiết Giang nhật báo xinh đẹp và thành thạo, hay nhà báo Dao làu làu tiếng Pháp đi cùng anh từ Bắc Kinh đến, giáo sư Giang Bình, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh và vợ là nghệ sĩ Đàm Lệ Quyên, người thời trẻ đã có dịp hát phục vụ Bác Hồ khi Người tới thăm thành phố này. Tả Tây Hồ đêm sương, anh viết về mùi quế hoa thoang thoảng và ánh đèn mờ ảo rọi xuống mặt hồ, mờ ảo không phải do thiếu điện năng trang trí mà để cho khách du dễ liên tưởng ánh đèn ngư phủ đơn độc trên chiếc thuyền con lúc trăng tà, và đâu đây vẳng lại tiếng chuông chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô. Đi thuyền nhẹ lướt mái chèo trên mặt hồ sáng sớm, anh giới thiệu Tô đê, con đê mà thái thú-thi nhân Tô Đông Pha đã cho đắp cả ngàn năm trước bằng bùn nạo vét đáy Tây Hồ làm trong nước hồ thắng cảnh, mà cũng để giúp dân nghèo lấy nước tưới ruộng...   Anh nhớ bốn câu thơ tứ tuyệt Tô Đông Pha viết sau lúc ngà ngà chén rượu, “một bức tranh đầy màu sắc lột được cái thần của cảnh quan và khí hậu Tây Hồ”. Trên trời có thiên đàng/ Dưới đất có Tô Hàng (Tô Châu, Hàng Châu). Đọc anh, tôi bỗng lại nhớ như in nhiều kỷ niệm lần đầu đặt chân tới chốn này cùng với Giáo sư Đặng Thai Mai trong một chuyến đi thăm Trung Quốc đã lâu. Qua những trang ký của Phan Quang, kỷ niệm lại lôi cuốn kỷ niệm, đó là phong cách riêng của anh mà chính tôi cũng học được nhiều. Tư tưởng của Phan Quang khác hẳn tư tưởng của Ruyard Kipling (Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây khó gặp nhau). Phan Quang đến đâu là “hội nhập” đến đấy, đến đâu anh cũng thấy dầu tích những nền văn hóa mà ta có thể tiếp nhận tinh hoa.

Trong Phan Quang có bao nhiêu “thương nhớ” về những người đã khuất anh quý mến mặt này hay mặt khác, nhiều kỷ niệm đến nỗi tưởng như mình “đã sống cả ngàn năm” - ý thơ Charles Beaudelaire. Làm sao không xúc động khi đọc anh miêu tả ngắn gọn cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua mấy kỷ niệm không bao giờ phai về con người và những đức tính của ông, hay là khi anh đề cập nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn, một nhân vật tầm cao trí tuệ dưới góc độ “một tâm hồn Việt Nam”.

Phan Quang viết sâu sắc về nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, người được báo chí phương Tây đánh giá

rất cao. Nơi nhà nữ nghệ sĩ gốc Huế tài hoa, hội tụ hai nền văn hóa Đông và Tây, cho nên tính hiện đại nơi bà “xa xôi và bí ẩn” lắm. Bà Điềm rất parisienne mà cũng rất Huế. Để chắt lọc, anh luôn quan niệm, như mấy dòng in cuối cuốn Thương nhớ vẫn còn: Con người không ai là thiên thần/ Nghĩ về những người đã xa/ Tôi chỉ nhớ ở họ/ Những điều đáng nhớ.

Qua các bút ký chân dung, anh gợi những kỷ niệm đáng giá về nhiều văn nghệ sĩ mà anh thân thiết, làm cho tôi tự nhiên bỗng nảy ra ý, cuốn Tuyển tập Mười năm của anh chắc sẽ trở thành như một “phát ngôn viên”, mà có lẽ nhiều người nước ngoài sẽ tìm dịch ra tiếng nước họ nếu có ai đó muốn hiểu thật sâu nền văn học, nghệ thuật Việt Nam không đơn thuần qua tác phẩm các văn nghệ sĩ ấy mà thôi.

Là người học rộng, đọc nhiều sách báo nước ngoài, anh có dịp giới thiệu với độc giả Việt Nam không ít nhà báo, nhà văn lừng lẫy ở phương Tây mà chúng ta chưa có dịp biết hoặc chỉ mới nghe tên. Chẳng hạn bài viết về nhà báo Pháp Francoise Giroud, nguyên chủ bút tờ tuần báo lớn L’Express của Pháp, thật tuyệt. Người phụ nữ suốt đời đấu tranh cho nữ quyền ấy từ chức bộ trưởng để trở lại với “nghề ký giả còm” - chữ của Phan Quang - mà bà đam mê. Ngoài tuổi tám mươi, bà nói vui với bạn bè “sống mãi đến tuổi này thật đáng xấu hổ”. Con người tự lấy làm xấu hổ vì tuổi tác cao mà vẫn đeo đẳng cái nghiệp văn chương ấy tiếp tục viết say mê, viết đều đặn, tả xung hữu đột về những vấn đề thời sự nóng bỏng với giọng văn sắc bén, trí tuệ lạ thường. “Cho đến một hôm (ở tuổi 86 - HT) đôi mắt thôi nhìn màn ảnh nhỏ, đôi tay vô hồn buông xuôi. Buông cây bút xuống, bà ra đi”. (bài Cho đến khi giã từ trần thế).

Phan Quang là một nhà báo kiêm nhà văn. Anh viết hay và sống động, vừa có lý vừa có tình. Tôi biết anh còn có rất nhiều tư liệu văn học và báo chí, mà anh cần cù ghi chép, tích cóp, lưu giữ suốt đời. Anh cho rằng viết ra những điều mình trăn trở bất cứ bằng thể loại nào cũng được, miễn là đến được với bạn đọc với cả tấm lòng quý trọng độc giả. Đối với người cầm bút, phục vụ nhân dân trước hết là viết với ý thức trách nhiệm cao, không một lúc được phép chây lười, sao nhãng nghề nghiệp. Phan Quang không chỉ biết chăm lo cho mình mà luôn nghĩ tới các bạn nhà văn, nhà báo khác, tôi có thể nói anh là nhà báo của nhiều nhà báo, một điều mà ông Hoàng Tùng ở báo Nhân dân rất khen ngợi.

Nói đến tác giả, người ta thường nghĩ đến Phan Quang nhà báo. Phải chăng do anh luôn nhận mình là ký giả, và hễ có dịp là anh tìm cách tôn vinh nghề báo? Tôi biết Phan Quang đã hơn nửa thế kỷ. Mấy chục năm trước, khi anh chưa chính thức vào Hội nhà văn, chúng tôi vẫn coi anh là một nhà văn. Khi đang là một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, mải lăn lộn nơi chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt, anh đã được Hội văn nghệ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp đóng ở Việt Bắc kết nạp làm hội viên qua những truyện ngắn đầu tay của anh ký bút danh Hoàng Tùng in trên báo Cứu quốc và tạp chí Sáng tạo xuất bản tại vùng tự do Liên khu IV. Tôi được nhìn thấy - và đến nay anh còn lưu giữ - tấm Thẻ hội viên in hai màu khá đẹp trên mảnh giấy nhỏ bằng nửa bàn tay màu xanh hệt màu bìa vở học trò, đánh số 272, do Tổng thư ký Nguyễn Tuân ký, chẳng biết bằng cách nào từ núi rừng Việt Bắc gửi vào đến tận tay anh.

Suốt đời Phan Quang say mê học hỏi. Đầu phần III của Tuyển tập: “Trên đường tìm học và suy ngẫm”, có trích dẫn câu của văn hào Ernest Hemingway, mà tôi chắc anh coi như phương châm sống và viết của đời mình: “Điều lớn lao nhất là sống và làm công việc của mình, là thấy, học và hiểu. Rồi mới viết, sau khi đã hiểu được một cái gì đấy, sau chứ không phải trước”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên