Kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2009)

Phan Quang Định - Bức chân dung để lại

Phan Quang Định là một người tài hoa, nhiều sở trường, lúc nào cũng dí dỏm trí tuệ, rất dễ mến. Trong những ngày kháng chiến căng thẳng, ông xuất hiện ở đâu là mang niềm vui, thư giãn đến cho bạn bè.

Nhạc sĩ Phạm Duy sau một đời lăn lóc giang hồ chê chán, đến tuổi 85 tìm về “nơi yên ổn nhất” là quê hương Việt Nam nương náu. Hồi tưởng thời trai trẻ, khi người nghệ sĩ theo một gánh hát rong lang thang “du ca” dọc chiều dài đất nước. Đến Tourane (Đà Nẵng) ông “được làm quen với những tài năng của địa phương như Phan Quang Định tác giả bài Sơn Tinh Thủy Tinh, anh Tâm người công giáo đánh đàn organ ở nhà thờ...”.

Tại cuốn “Tân nhạc” thuở ban đầu, ông viết kỹ hơn: “Vào thuở đầu đời của tân nhạc, Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An) là hai nơi có khá nhiều tài năng âm nhạc như Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh, Phan Quang Định... Nếu trong phạm vi nhạc tình, các nhạc sĩ miền ngoài thường chỉ đưa ra những ca khúc ngắn (đoản khúc) thì hai ông họ Phan ở miền Trung soạn ra những bài hát dài (trường khúc) có tính chất truyện ca. Phan Quang Định soạn Sơn Tinh Thủy Tinh còn Phan Huỳnh Điểu soạn Trầu cau. Họ là hội viên của hội Ái Nhạc (Société Philharmonique) ở địa phương, hằng tuần sinh hoạt với các hội viên bạn - (phần đông) là công chức người Pháp - do đó họ có vốn liếng nhạc học nhiều hơn các nghệ sĩ tài tử trẻ trung nơi khác. Bài Sơn Tinh Thủy Tinh của Phan Quang Định chỉ có một khúc điệu với 12 đoạn ca, có thể coi như một bài hát làm cho nhi đồng, mở đầu:

Sử vàng ghi chép

Ngày trước Hùng Vương

Có nàng công chúa

Mắt xanh dịu hiền...”(1)

Khúc điệu trong sáng giản dị, dường như hơi đơn giản ấy, ai ngờ lại có cuộc sống dài lâu. Nó nhiều lần được các hướng đạo sinh biểu diễn trong các đêm lửa trại, gần đây Nhà xuất bản Thanh niên in trong tuyển tập Một trăm sử ca. Thời chống Mỹ, Đoàn đại biểu Thanh niên nước ta đi dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tại Đông Âu đã trình diễn màn ca cảnh, nhạc và lời của Phan Quang Định. “Trên sân khấu cất vang tiếng hát, dưới khán giả cùng vỗ tay theo tiết tấu của lời ca, tạo nên một màn diễn tập thể vui và hùng tráng...”(2).

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ở Liên khu 5 lan truyền rộng rãi câu chuyện cảm động. Có hai anh em nhà kia mồ côi cha mẹ, làm nghề chài lưới nuôi nhau, và cùng hăng hái tham gia kháng chiến. Cô gái bị giặc bắt giết hại, ném xác lên bãi bồi ven sông. Làng bị giặc đốt. Mọi người bị lùa đến cạnh đồn Tây. Chẳng còn ai để chôn cất người hy sinh. Thi thể cô nữ du kích yên nghỉ tại bãi sông mau chóng được cỏ dại phủ dày che chắn, xây nên nấm mộ hình người.

Dựa vào câu chuyện, nhà thơ Mai Xuân Cảnh viết bản trường ca. Nhạc sĩ Phan Quang Định làm bài hát Người con gái sông Thu Bồn dưới dạng trường khúc, tương tự Sơn Tinh Thủy Tinh.

Có hai anh em nhà nọ mồ côi

Tuổi thơ

Sống nương nhau lần hồi

Đời xanh như mơ

Anh quanh năm buông lưới

Chiếc thuyền mờ in sông sâu

Em quay tơ, xe chỉ, nuôi tằm

Bên nương dâu...

Các đoạn ca kể tiếp câu chuyện. Xen vào giữa các đoạn là điệp khúc:

Sông Thu Bồn bờ dâu xanh ngắt

Nước Thu Bồn trong vắt Duy Xuyên

Sông Thu Bồn hờn dâng bát ngát

Nước Thu Bồn trong vắt ngàn thu...

Ông soạn lời ca cho nhiều ca khúc của các bạn, trong đó được biết rộng rãi nhất là bài Sông Lô của Dương Minh Ninh và Có một bầy chim của Phan Huỳnh Điểu. Tuy nhiên sở trường của Phan Quang Định là đồng dao. Lạc quan, yêu đời, hài hước là tính cách ông. Phỏng theo điệu dân ca quen thuộc ở Nam Trung bộ Con kỳ nhông, ông soạn bài hát vui Cây súng tômxơn (Thompson), bộ đội vui nhộn hát vang tại các buổi sinh hoạt, liên hoan tập thể:

Sáng mai ăn bụng cơm no

Tôi nhảy ra gò

Phục kích lấy được khẩu tômxơn...

Ngoài nhạc, ông say mê hội họa. Ông vẽ khá nhiều tranh cổ động kháng chiến. Ký họa của ông thể hiện cá tính lạc quan theo cách nhìn độc đáo. Tại Đại hội luyện quân năm 1948, Tư lệnh Liên khu 5 Cao Văn Khánh mời một số văn nghệ sĩ: các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo, các nhà thơ Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Viết Lãm... ra thao trường, mở đầu cuộc thi bắn súng. Nguyễn Đỗ Cung bắn trúng luôn mục tiêu bốn phát trên năm. Chứng kiến cảnh thi bắn, Phan Quang Định vẽ nhanh bức ký họa. Hình ảnh lão họa sĩ nín thở bóp cò, chòm râu nghiêng trên báng súng, đôi chân khẳng khiu một co một duỗi, chiếc guốc treo ở bàn chân, chiếc kia rơi xuống đất làm chú nhái bén náu mình trong bãi cỏ giật mình hốt hoảng lao vào vũng làm nước tóe lên... Bức ký họa đăng tạp chí Luyện quân, nhiều người đến nay còn nhớ.

Ngay từ trước năm 1945, đi đôi với soạn nhạc ông đã vẽ ký họạ, màu nước, sơn dầu, thiết kế bìa sách, trình bày tạp chí... Bức sơn dầu duy nhất của nhà họa nghiệp dư gia đình còn lưu giữ là Chân dung tự họa. Qua những nét cọ phóng khoáng, tác giả thể hiện mình đội chiếc mũ cối nhà binh bọc vải ngụy trang, vẻ mặt trầm tư sâu lắng mà dường như vẫn không che khuất nét hài.

Phan Quang Định (thứ hai từ trái sang) và gia đình tại vùng kháng chiến Liên khu 5 (1950)

Phan Quang Định đầu quân sớm, là người rất tâm huyết với quân đội nhân dân. Thành phố Đà Nẵng bị Pháp tạm chiếm, gia đình ông tản cư về vùng đồi núi huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Cuộc sống ngày càng khó khăn vất vả nhất là bất ổn vì giặc Pháp cận kề, chúng có thể nong ra lấn chiếm vùng nông thôn bất cứ lúc nào. Phan Quang Định xin phép đơn vị về đưa mẹ cùng các em vào vùng tự do Quảng Ngãi. Thuyền chở gia đình đi trong đêm trăng dọc sông Thu Bồn. Mọi người lúc này ai chẳng ít nhiều băn khoăn lo lắng trước ngày mai bất định thì anh chàng bộ đội ngồi đầu mũi thuyền ngang nhiên cất tiếng hát say sưa những ca khúc trữ tình thời thượng, hết “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...” lại “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ...”

Gia đình tạm ổn nơi sơ tán mới, Phan Quang Định trở về đơn vị. Ba em trai ông lần lượt vào bộ đội, công an. Bà mẹ già rồi cũng phải quay về nương thân tại thành phố. Chỉ còn cô em gái út tiếp tục đi học ở vùng tự do. Cô em gái lớn của ông, thành hôn chưa lâu với nhà văn Nguyễn Văn Bổng, một hôm một mình tay bế đứa con nhỏ, vai khoác ống tre đựng bản thảo của chồng, đáp xe lửa tìm đến vùng các cơ quan Liên khu 5 đóng, nơi anh đang làm việc, bởi có tin Pháp sắp cho quân từ biển đổ bộ lên chia cắt hẳn vùng tự do Liên khu 5 với vùng địch ta xen kẽ. Chuyến tàu đi trong đêm. Tảng sáng tới ga An Tân (Quảng Ngãi) vừa đỗ lại, thì máy bay Pháp ập đến ném bom. Chị và cháu bé hy sinh. Nguyễn Văn Bổng một lúc mất người vợ trẻ cùng hai đứa con, một máu thịt một tinh thần.

Phan Quang Định cùng người anh họ tên Tứ được hai dân quân người dân tộc dẫn đường lên chiến khu, nơi đơn vị ông vừa chuyển tới. Lúc băng qua vùng giáp ranh,  chẳng may rơi vào ổ phục kích của quân Pháp. Phan Quang Tứ bị giặc bắn chết, cắt tai, ném xác lại bìa rừng. Phan Quang Định chạy thoát.

Trở lại tìm để đánh dấu ngôi mộ người anh - đồng đội vừa được đồng bào dân tộc ít người chôn cất tạm ven rừng, Phan Quang Định thổn thức làm bài hát. Điệu thức buồn và lời ca xúc động với câu mở đầu: “Mồ ai nắm đất khô/ Trong rừng hoang vắng gió...” không mấy hợp yêu cầu kháng chiến, có lẽ vì vậy không phổ biến rộng. Hình như Phan Quang Định cũng muốn quên nó đi, chưa ai nghe ông nhắc tới, trừ cô em gái thỉnh thoảng vẫn khe khẽ hát một mình...

Với trách nhiệm Phó ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Liên khu 5, Phan Quang Định nhất trí ngay với đề nghị của anh em, biên soạn và ấn hành tờ tạp chí văn nghệ quân đội. Tập san Áo xám khá phổ cập một thời ở vùng tự do Liên khu 5. Tại Đại hội Văn nghệ Nam Trung bộ năm 1950, cả hội trường lắng nghe Phan Quang Định đọc bài bút ký nóng hổi Đà Nẵng vùng lên viết tại chiến trường, không phải tác phẩm của ông mà là của cây bút trẻ Thái Nguyên(3) vừa từ mặt trận gửi về. Ông thường lấy những tấm gương cao quý những người lính cầm súng xung phong ra trận để soi mình, hướng tới lý tưởng sống đẹp. Ông khao khát dấn thân vào cuộc sống gian khổ vùng địch hậu đầy thử thách hoặc tại những chiến trường xa. Đầu năm 1951, ông tự nguyện rời công tác tại cơ quan, tham gia đội quân tình nguyện chiến đấu ở vùng Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào mãi đến năm 1954, tập kết ra Bắc.        

Phan Quang Định sinh năm 1922 tại phường Hải Châu thành phố Đà Nẵng. Thời trẻ ông kết thân với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và đặc biệt nhà thơ Lưu Quang Thuận, lớn hơn Phan Quang Định một tuổi và cùng ra đời tại phường Hải Châu. Hai người gắn bó hơn cả anh em ruột thịt.

Năm 1943, Lưu Quang Thuận ra Hà Nội viết báo, làm thơ, dựng kịch. Ông tham gia đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ một thời gian rồi đứng ra mở nhà xuất bản Hoa Lư, chủ trương tạp chí Sân khấu. Phan Quang Định cùng bạn ra Bắc học thêm, đồng thời trông nom thiết kế, trình bày ấn phẩm giúp bạn. Tháng 3 -1945, Nhật hất cẳng Pháp, tình hình ngày càng căng thẳng. Hai anh em chia tay. Phan Quang Định trở về quê, tham gia cướp chính quyền tại thành phố Đà Nẵng, cùng các bạn Nguyễn Văn Bổng, Phan Huỳnh Điểu... lao vào công tác. Nguyễn Văn Bổng làm Trưởng Ty Thông tin. Phan Quang Định gia nhập quân đội. Phan Huỳnh Điểu soạn ca khúc để đời Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi... Trong khi đó Lưu Quang Thuận tham gia phong trào, công tác tại thủ đô, để rồi đầu năm 1947 cùng anh em khóac ba lô lên chiến khu Việt Bắc... 

Lúc chia tay, như linh cảm sẽ còn lâu mới có dịp gặp lại, hai người cùng hứa hẹn: Chuyến này mỗi đứa một phương, rồi đây nếu có lập gia đình, sẽ lấy tên bạn đặt cho con trai để luôn nghĩ tới nhau.

Đôi bạn tri âm công tác ở hai chiến trường cách xa nhau cả ngàn cây số, biền biệt thư từ. Con trai đầu của Phan Quang Định sinh tại Liên khu 5 mang tên Thuận, hơn thế, Hoài Thuận. Đứa thứ hai mang họ bạn (Lưu), Hoài Lưu. Trên đất Bắc Lưu Quang Thuận lấy họ vợ đặt tên con trai đầu, dành tên bạn (Định) cho đứa con út(3).

Tập kết ra Bắc, Phan Quang Định được giao nhiệm vụ thành lập và làm trưởng đoàn Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc. Dù là người rất coi trọng cuộc sống tình cảm, ông xếp mọi riêng tư, lao vào công việc. Cả năm kết hợp công tác về Hà Nội đôi lần thăm vợ con và các em trai, em gái cùng tập kết. Mùa thu năm 1958, một lần tôi nhận được bức thư ngắn ông gửi từ Tây Bắc. Thư viết: “Sáu tháng nay tôi không viết thư cho ai, kể cả vợ con... Vừa nhận công tác mới, là thủ trưởng đơn vị đi vào xây dựng. Công tác ở Điện Biên hai tháng, chỉnh quân chính trị. Hai hôm nữa lại đi công tác ba tháng. Công việc cứ thế kéo đến liên tiếp. Mong anh hiểu và thứ lỗi cho (về việc chậm hồi âm)...”. Đến nỗi lễ thành hôn của cô em gái út, ông cũng không thu xếp được để về Hà Nội dự, mà ủy nhiệm cho người bạn chí cốt họ Lưu thay mặt nhà gái.

Những năm 80, kinh tế xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trừ một vài tờ xuất bản trong Nam, báo chí còn lại sống nhờ bao cấp. Năm 1984, tìm tòi thử nghiệm cách đột phá, Hội Nhà báo Việt Nam cho ra tờ tạp chí lý luận, nghiệp vụ không dựa vào kinh phí cơ quan. Tạp chí lập một Hội đồng biên tập bề thế gồm nhiều nhà báo tên tuổi của đất nước. Thư ký tòa soạn là Lê Điền, vốn là một cây bút năng động ở báo Nhân dân. Tôi được giao làm tổng biên tập. Nhìn vào bộ mặt có vẻ sang trọng lắm, song điều kiện hoạt động ngoài tờ giấy phép, là con số không tròn trĩnh. Không cán bộ, không nơi làm việc, không vốn ban đầu, cũng không được cung cấp giấy in như các tờ báo, tạp chí khác, mà phải mua theo giá trôi nổi ở thị trường. Cần người có óc thẩm mỹ hiện đại giúp việc thiết kế, trình bày - dĩ nhiên không phải trả thù lao -  chúng tôi nghĩ ngay tới đại tá, nghệ sĩ ưu tú Phan Quang Định. Cho dù đang bận công tác tại Xưởng phim Quân đội ông vẫn nhiệt tình dành công sức vẽ măng sét, làm vinhét các chuyên mục, tạo dáng vẻ riêng cho tạp chí của Hội Nhà báo. Khi cần, sẵn sàng tới nhà in săn sóc việc ấn loát...

Tạp chí Người làm báo ra số đầu, được hoan nghênh. Số 3 in tới 15 000 bản - một con số hiếm hoi đối với các tạp chí nghiệp vụ thời bấy giờ. Cái măng sét và các vinhét Phan Quang Định tạo nên, đã được tòa sọan dùng liên tục suốt hai thập niên, gần đây mới  thay.

Phim Hà Nội bản hùng ca

(về trận Điện Biên Phủ trên không Quân và dân Hà Nội đánh thắng B52 của Mỹ tháng 12/1972)

 Biên kịch và đạo diễn: Phan Quang Định

Quay phim: Ngô Đăng Tuất, Lê Thi, Hà Tài,

Nguyễn Thọ, Huy Chân, Vương Đức Cừ,

Phạm Doanh, Trần Gia Định, Trần Trọng Hiền

(Xưởng phim Tài liệu Quân đội)

* Giải Bông Sen Vàng

* Bằng khen đặc biệt tuyên dương các chiến sĩ quay phim

(Liên hoan Phim Việt Nam 1975)

* Giải Nhất Phim Tài liệu

(Liên hoan Phim Quân đội các nước XHCN 1978)
Say mê cuối đời của Phan Quang Định là điện ảnh. Từ Tây Bắc, ông được điều về Hà Nội, làm việc tại Xưởng phim Quân đội. Cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam viết về bộ phim của ông như sau:

“Hà Nội bản hùng ca (biên kịch và đạo diễn: Phan Quang Định) là bộ phim tài liệu có nhiều thành công trong giai đoạn 1965-1975. Đây là một trong những tác phẩm hay nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Điện ảnh Tài liệu Quân đội.

“Với 12 ngày đêm lịch sử, quân và dân Hà Nội đã anh dũng đánh trả cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ, diệt nhiều máy bay, bắt một số giặc lái. Cuộc sốn của thủ đô những ngày cuối năm 1972 được tái hiện trên màn ảnh là một bản hùng ca. Bao trùm lên trên những đổ nát và đau thương là ngọn lửa căm thù ngùn ngụt dâng cao, là ý chí quật cường bất khuất... Ống kính quay phim đã làm bật lên được hào khí Thăng Long. Trong thương đau, Hà Nội bộc lộ bản chất anh hùng của mình. Trước ranh giới của sự sống và mối đe dọa của cái chết, người Hà Nội vẫn lạc quan, tự tin. Hà Nội bản hùng ca là bộ phim đánh dấu một chặng đường sáng tác của phim tài liệu quân đội về đề tài chống chiến tranh phá hoại, và ghi lại một bước phát triển, một sự tiến bộ về nghệ thuật của những người làm phim tài liệu. Nếu như một số bộ phim đầu tiên về đề tài này đã làm cho người xem xúc động trước cái thật của hình ảnh nhưng vẫn còn giản đơn trong cấu tứ, trong bố cục, trong tạo hình... thì đến Hà Nội bản hùng ca đã có sự trưởng thành rõ rệt, gắn bó nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức thể hiện. Với những thành công đã đạt được, tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1975, bộ phim được nhận Giải Bông sen vàng, cùng Bằng khen đặc biệt tuyên dương các chiến sĩ quay phim dũng cảm (gồm Ngô Đăng Tuất, Lê Thi, Hà Tài, Nguyễn Thọ, Huy Chân, Vương Đức Cừ, Phạm Doanh, Trần Gia Định, Trần Trọng Hiền). Tại Liên hoan Phim Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa năm 1978 mở tại Vetprem (Hungari), bộ phim Hà Nội bản hùng ca đoạt Giải nhất dành cho phim tài liệu”.

Quá tuổi nghỉ hưu, Phan Quang Định vẫn nặng tình điện ảnh, nặng nợ quê hương. Trở về Đà Nẵng, ông được Quân khu 5 đặt làm bộ phim tài liệu đại thể như Hà Nội bản hùng ca, nói về cuộc chiến đấu ở đây. Thành phố Đà Nẵng quê hương ông là nơi hứng chịu những quả đạn đại bác đầu tiên của thực dân Pháp khi chúng bắt đầu xâm lược nước ta năm 1858, và chỉ sạch bóng quân thù mùa xuân 1975. Viết xong kịch bản, Phan Quang Định dẫn ê kíp mới lao vào “trận chiến”. Vốn bị bệnh tim, từ nhiều năm đi đâu ông cũng kè kè cái túi nhỏ bên vai đựng thuốc men. Leo gác lên nhà cao tầng, phải dừng lại nửa chừng thở phì phò. Tòn ten bên mình cái túi bất ly thân, ông trở lại các chiến trường xưa. Cùng đoàn làm phim lên tận Giàng, huyện miền núi xa xôi cách trở ở miền Tây Quảng Nam, đồng thời là một căn cứ kháng chiến kiên cường. Đêm hôm ấy, đoàn làm phim tổ chức buổi họp mặt chia tay, cảm ơn đồng bào dân tộc đã nhiệt tình giúp đỡ đoàn một đợt công tác dài. Phan Quang Định cảm thấy người hơi mệt. Ông lặng lẽ lui về nhà sàn nghỉ. Ông bị đột quỵ luôn trong đêm ấy. Đồng đội hộc tốc đưa lên xe trở về Đà Nẵng giữa đêm khuya. Tiếc thay, đường rừng vời vợi núi đèo...

Phan Quang Định trút hơi thở cuối cùng tại quê hương tháng 4 năm 1989.

Nhà văn Phạm Đình Trọng mở đầu bài viết của mình: Bức chân dung để lại: “Anh Phan Quang Định không phải là nhà quay phim nhưng hai mươi năm làm biên kịch và đạo diễn phim tài liệu quân đội, anh đã yêu cầu, đã hướng dẫn những người quay phim quay hàng vạn mét phim ghi lại chân dung hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, thế mà khi được tin anh đột ngột từ trần ở Đà Nẵng, Xưởng phim Quân đội ở Hà Nội làm lễ truy điệu anh không làm sao tìm được một bức ảnh chân dung của anh để đặt lên hương án”. Ông viết tiếp: “...Một tác phẩm chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó mang được dấu ấn tâm hồn của nghệ sĩ sáng tạo, khi nó truyền cảm được đến người xem rung động của nghệ sĩ. Hà Nội bản hùng ca đã có được điều đó... Bộ phim thứ hai của anh, chiếu lại tại buổi lễ truy điệu anh tôi được xem là Muôn vàn tình thương yêu. Đó là cảm hứng của anh về tình thương yêu Bác Hồ dành cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi lại nhận ra tâm hồn nghệ sĩ của anh qua tác phẩm. Đấy chính là bức chân dung của anh để lại”(4)./.

============

(1) Hồi ký Phạm Duy, Nxb Trẻ, 2005 .Tân nhạc thuở ban đầu, Nxb Trẻ, 2006.

(2) Theo Ngọc Lĩnh, trong Văn nghệ sĩ Liên khu V, Nxb Hội nhà văn, 2009.

(3) Thái Nguyên là bút danh thời chống Pháp của nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung.

(4) Hai con trai của Lưu Quang Thuận là Quang Vũ và Quang Định. Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch nổi tiếng. Anh chẳng may mất sớm, ở tuổi 40, trong một tai nạn giao thông cùng lúc với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh. Lưu Quang Định nay là nhà báo năng động, đứng đầu một cơ quan thông tin ngôn luận bề thế xuất bản tại thủ đô.

(5) Báo Quân đội nhân dân, ngày 10/6/1989.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên