Phan Vũ- nhà thơ “Em ơi! Hà Nội phố”

Tôi gặp Phan Vũ trong căn nhà nhỏ của ông ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở tuổi 84, ông làm thơ, vẽ và viết báo.

Có lẽ người yêu Hà Nội nào cũng từng ngân nga giai điệu của ca khúc “Em ơi! Hà Nội – Phố” với những ca từ như thấm sâu vào máu thịt : “…Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông. Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông…”. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ về tác giả của những vần thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc để làm nên một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.  

Những câu thơ đầy nhạc cảm trong ca khúc “Em ơi! Hà Nội – Phố” được trích ra từ một trong những bài thơ hay nhất của Phan Vũ được viết thành trường ca gồm 23 đoạn. Bài thơ ra đời vào những ngày đêm Hà Nội bị đánh bom năm 1972, trong một căn gác nhỏ nơi nhà thơ sống ở phố hàng Bún. Bằng những cảm xúc khi ấy, ông đã viết nên những vần thơ bất hủ mà nhiều người cho rằng đến giờ chưa một bài thơ viết về Hà Nội nào sánh được.

Một điều thú vị nữa là bài thơ chưa bao giờ được in, cho đến tận năm ngoái (2008) , tập thơ Phan Vũ với bản gốc trường ca“Em ơi! Hà Nội – Phố” lần đầu tiên xuất bản. Đọc “Em ơi! Hà Nội – Phố” của Phan Vũ mà nghe dư âm xưa hiện về nơi phố cổ, một Hà Nội thanh bình êm ả những năm 60-70 của thế kỷ trước. Phan Vũ “vẽ” lại Hà Nội xưa, thời chiến tranh khắc nghiệt nhưng rất lãng mạn, hào hùng: 

 “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ “ .

Luôn thấp thoáng đâu đó là những hình bóng người con gái đẹp:

 “Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai….”  .

Từ hồi đó, thơ của ông đã đầy màu sắc, đọc từng câu mà hình như đang xem họa sỹ vẽ Hà Nội:

“….một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện…” 
“Nhợt nhạt vàng son”

một Hà Nội man mác lẫn hồn thơ mùa thu:

“ Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ

Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu… “

một Hà Nội lãng mạn phong cách riêng của Hà Nội…

"Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa…?"

Nhà thơ Phan Vũ
Nhà thơ, họa sĩ 84 tuổi đọc cho tôi nghe bài thơ- trường ca “ Em ơi Hà Nội phố”, chia sẻ với tôi những cảm xúc dường như vẫn còn tươi nguyên như ngày nào. Ông vẫn còn một kỳ vọng là được chính thức giới thiệu và tự mình đọc trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” chính tại Hà Nội, cho những người Hà Nội... 

* Thưa nhà thơ Phan Vũ, ông đã viết trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố”  như thế nào ? 

Phan Vũ: Mùa đông năm 1972, lúc ấy B52 đánh Hà Nội ác liệt. Trong những ngày đó, tôi sống ở Hà Nội. Hàng ngày, hay đi lang thang. Tôi thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên hay đi theo ông Phái. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Nhiều khi đến đêm, lúc 1,2 giờ sáng ông Phái còn đem tranh đến nhà tôi treo.

Trường ca đó như một nhật ký bằng thơ. Bởi với những gì đã diễn ra hồi đó, một bài thơ không đủ chứa đựng được. Tôi viết trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát.

Căn nhà tôi ở là một nhà kiểu Pháp, của một trung tá Pháp, nhà có lò sưởi. Lúc đấy tôi đi lượm cây cối, những mảnh gỗ vỡ, rồi đêm nào cũng đốt lên, rồi thì làm thơ…  

* Trong trường ca có thấp thoáng hình bóng “khăn choàng tím đỏ”, “đôi mắt buồn”, cô gái nhẹ buông rèm cửa”, “tà áo nhung huyết dụ”… Đó là những cô gái nào vậy, thưa ông?

Phan Vũ (cười): Rất nhiều người con gái. Đã có một người viết luận văn cao học về bài thơ này, cô ấy ngồi tẩn mẩn đếm xem có bao nhiêu người con gái trong đó. Trong khi tôi cũng không biết đích xác là có bao nhiêu cô !

* Thế còn cô gái “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”- một hình ảnh thơ gây ấn tượng mạnh với công chúng?

Phan Vũ: Cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư ở Pháp. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở...

“…Ta còn em những ngọn đèn mờ

Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ - tranh Phan Vũ

Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate ánh trăng…”

là đoạn viết về cô gái đó. 

Chính vì bom đạn năm 1972 nên tôi mới viết: “Ta còn em…”,  điệp từ lặp đi lặp lại, như là một lời thách thức: Cứ ném bom đi, ta vẫn sống!. Vẫn còn những kỷ niệm, những hoài niệm.

*Vì sao ông viết “Cây bàng mồ côi”, “mảnh trăng mồ côi”…

Phan Vũ: Ẩn ý của từ “mồ côi” là nỗi cô đơn một mình. Chiến tranh, đổ nát, tôi đi lang thang một mình… Nghệ sĩ nào cũng có chút cô đơn trong người và quan trọng là biết “hưởng thụ” sự cô đơn ấy. 

*Có nhiều từ mang chất “họa” trong thơ ông: màu xanh thời gian, màu xám hư vô, nhợt nhạt vàng son…  

Phan Vũ: Đoạn tôi thích nhất trong trường ca:

… Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhòe
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng…"

Màu xanh của thời gian. Tranh của tôi giờ rất nhiều màu xanh. Tôi thích Chagall (danh họa người Do Thái Marc Chagall- PV).  

* Vì sao mãi sau này ông mới đến với hội họa? 

Phan Vũ: Ngày xưa tôi thích vẽ, tôi chơi với nhiều danh họa: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Ở bên  cạnh mấy bè bạn vẽ đẹp quá, thành thử không vẽ được. Sau này, khi vào Nam sống thì tôi vẽ…

Một tác phẩm của Phan Vũ- họa sĩ

*Trên mạng Internet, nhiều người tranh luận về bản gốc trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” của ông…

Phan Vũ:  “Em ơi! Hà Nội – Phố” của tôi là tam sao thất bản vì xưa đâu có in? Lần này đã có bản gốc. Tam sao thất bản vì thơ tôi chỉ là thơ miệng, tôi ngồi đọc thơ, chứ không in sách. Thiên hạ gọi tôi là “nhà thơ” nhưng tôi có thơ in đâu?

Tập thơ này năm ngoái mới in. Thường tôi làm thơ hay để lang thang trên bàn, ở các góc trong nhà, con gái tôi mới thu lượm lại. Năm ngoái khi tôi sang triển lãm tranh ở Pháp, có một người ái mộ thơ tôi đến gặp. Ông ấy lấy in thành tập này, tuy nhiên trong đó không tránh được có những lỗi biên tập nhỏ.

Tôi đã làm những cuộc trình diễn thơ. Làm thơ rồi đốt. Có người hỏi vì sao lại đốt. Vợ tôi- Thy Nga, hồi bà ấy còn sống, chưa được nghe bài này. Đốt đi là để hóa vàng, cho vợ tôi nghe.  

*Một câu trong  “Em ơi! Hà Nội – Phố” mà nhiều người thắc mắc:

 “Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố,
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường…”

Vì sao lại không nhớ nổi con đường vậy, thưa ông?

Phan Vũ: Hồi đó chiến tranh nên đường phố Hà Nội rất vắng, tôi hay đi bộ, đi lang thang suốt ngày, nhiều lúc tôi ngẩn ngơ suy nghĩ … đang đi trên một con đường mà chả biết đường nào!

* Trong thơ có bóng dáng của nhiều người con gái như thế, chắc hẳn ông là một nghệ sĩ rất hào hoa…

Phan Vũ: Những người con gái ấy trong thơ tôi rất trong sáng, không có gì dung tục. Anh em bạn bè nói đùa: Phan Vũ đi chừng 5 bước là có 1 chuyện tình!. Nhưng giờ xe tôi chạy mấy chục km chỉ thấy nguyên xi 1 lão già (cười).

(Rồi ông đọc bài thơ  “tự họa”):

Phan Vũ sinh ở Hải Phòng năm 1926. Ông là  nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang…

Ông từng đạo diễn các phim Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu).

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi đã ngoài 70 tuổi, ông chú tâm đến với hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.

Gã- thằng nhóc mê tiếng kèn dụ dỗ
Lầm lạc từ số không đến vô cùng
Chẳng đoán được tay có tay không
Trong khuôn mặt ấy có gì gian dối

Gã- xoè bàn tay che một đời mưa
Một đời nắng
Chân trần rát bỏng
Con đường
Sợi thong lọng
Treo đầu phận số
Chênh vênh bờ vực lối đi về

Thì đã thí thân cho cuộc chơi cợt nhả
Xá gì trươt chân lộn cổ
Vẽ mặt bôi râu
Cho đúng vai hề
Một đời nửa tỉnh nửa mê
Bởi độc tố thơm mùi ngọt sữa

Gã- Con ngựa quên hiệu còi khởi chạy
Phi thật nhanh nhưng chệch đường đua

Chân dung tự họa

Ngày ra đi một kẻ dại khờ
Ngày trở về da mồi tóc bạc
Một thằng khờ dại nguyên si

Gã- đứng giữa ngày tàn chiều tận
Trên thân đau đếm đủ lằn roi
Đòn hội chợ của đám đông không thù oán
Bởi cô đơn chính là hình án
Giữa chợ đời còn rao bán tài hoa

Gã- một mặt phẳng cho một tầm nhìn
Một chiều cao cho những đường thẳng đứng
Một màu xanh cho tất cả màu xanh

Chỉ đời như chẳng lạ, chẳng quen
Muộn phiền
Cam chịu

Quanh quẩn giang hồ trong xép nhỏ
Những bài thơ lỡ dở lem nhem

Gã trần trụi đi qua thời gian
Một nhịp
Mông mênh hun hút gió
Và một đam mê ảo điên rồ

Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng
Trong độ chênh ngày tháng
Không có gì trối trăng.

(Hết).

Phan Vũ bảo, cả đời ông có 2 bài thơ “đúng chất” để có thể để lại cho người sau. Một bài thơ về Sài Gòn, và bài thơ về Hà Nội: trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố”.

Chia tay ông, tôi cứ nghĩ, lẽ ra Bùi Xuân Phái và Phan Vũ phải là hai anh em ruột mới phải: một ông vẽ Hà Nội, một ông làm thơ Hà Nội sao mà hay, mà đẹp, mà mơ mộng, mà hiện thực mà hồn nhiên đến thế!.

Mong sao, ông có thể thực hiện được ước nguyện của mình đúng dịp hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: “Tôi biết nhiều người Hà Nội họ thích bài thơ “Em ơi! Hà Nội – Phố”.  Tôi cũng đề tặng: Gửi những người Hà Nội đi xa. Tôi phải ra Hà Nội, đọc, chính thức giới thiệu với người Hà Nội trường ca “Em ơi! Hà Nội – Phố” trong một không gian Hà Nội…”

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên