Phát hiện 7 tài liệu quý về chủ quyền biển đảo ở Bình Thuận
VOV.VN - Qua quá trình nghiên cứu đình làng Bình An (Bình Thuận) các chuyên gia đã tìm thấy 7 tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Khi tình hình Biển Đông nóng lên, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã truy lại số tài liệu liên quan đến đội thuỷ binh triều Nguyễn từng được đề cập trong hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đình làng Bình An 20 năm trước.
Theo ông Nguyễn Xuân Lý – Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, khoảng 20 năm trước, trong quá trình nghiên cứu kiến trúc đình làng Bình An (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) để làm hồ sơ khoa học trình Nhà nước cấp bằng Di tích Quốc gia, ông biết được trong đình làng có một ngôi miếu nhỏ thờ thuỷ binh. Trong miếu thờ bày trí một khám thờ tôn nghiêm. Trên khám có 4 chữ Hán cổ “Báo công phục vụ”.
Tuy nhiên, lúc đó, do bận nghiên cứu nhiều mục, nên nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Bình Thuận chưa khai thác sâu câu chuyện về các thuỷ binh triều Nguyễn. Nhưng, khoảng ba năm trở lại đây. Bảo tàng Bình Thuận đã truy lại số tài liệu được đề cập trước đó. Qua quá trình tìm hiểu thì phát hiện ra ông Lê Nhự, là hậu duệ đời thứ năm của ông Cai đội Lê Non, đang giữ những bằng sắc cũng như các tờ lệnh do triều đình nhà Nguyễn ban cho các vị cai quản thuỷ binh triều Nguyễn ở làng Bình An.
Từ những thông tin có được, Bảo tàng Bình Thuận đã tìm đến và đối chiếu những bằng chứng, những tài liệu đã ghi vào trong hồ sơ cách đây 20 năm liên quan đến những đội thuỷ binh. Trong đó xác định tài liệu gồm có 2 sắc phong của vua Tự Đức, còn 5 tờ lệnh của tuần vũ Khánh Hoà – Bình Thuận.
Đây được xem là kỷ vật quý báu của dòng họ Lê. Thế nên nhiều thế hệ trong dòng họ Lê ở Bình Thạnh đã cất giữ cẩn trọng. Trải qua nhiều cuộc binh biến và hai cuộc chiến tranh gần đây, có lúc tưởng chừng như bom đạn đã thiêu huỷ những tư liệu quý giá này. Nhưng nhờ cất giữ cẩn thận, nên các tài liệu quý của dòng họ Lê vẫn còn nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Cuối tháng 5/2014, theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận, các chuyên gia Hán Nôm của Cục Di sản Văn hoá đã đến Bình Thuận khảo sát và nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan đến hoạt động của thuỷ binh thời nhà Nguyễn trên vùng biển Bình Thuận. Sau đó, ngày 10/6, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1868 cho ý kiến về việc thẩm định 7 sắc, bằng liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam được phát hiện ở tỉnh Bình Thuận.
Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch khẳng định, đây đều là các văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 4/8, tại huyện Tuy Phong, ông Lê Nhự và dòng họ Lê ở huyện Tuy Phong đã hiến tặng 7 tài liệu nói trên cho Nhà nước, mà cụ thể là Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, để phục vụ công tác nghiên cứu, phát huy giá trị lâu dài của các tài liệu liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam./.
Sắc phong thứ 2 của vua Tự Đức ban cho Cai đội Lê Non
Phiên âm: Sắc Tinh binh Suất đội sung Bình Thuận Thủy vệ Hiệp quản Lê Non thử thứ ân chuẩn lượng thăng nhất trật. Kinh cai tỉnh viên thanh thỉnh cụ đề, chuẩn nhĩ thăng thụ Tinh binh Cai đội nhưng sung y vệ Hiệp quản, suất nội vệ biền binh. Phàm chư công vụ y lệ phụng hành. Nhược quyết chức phất kiền, hữu quân chính tại. Khâm tai.
Tự Đức nhị thập tam niên ngũ nguyệt sơ bát nhật.
Dịch nghĩa: Sắc cho Suất đội tinh binh được sung làm Hiệp quản của thủy vệ Bình Thuận là Lê Non, lần này ân chuẩn thăng lên một trật (bậc). Qua tâu xin cụ thể của quan tỉnh Bình Thuận, chuẩn cho ngươi thực thụ giữ chức Cai đội tinh binh, sung vào làm Hiệp quản Vệ ấy (thủy vệ Bình Thuận), lãnh đạo binh lính trong Vệ. Phàm các công vụ cứ theo lệ mà làm. Nếu có chỗ nào không chăm chỉ đã có quân pháp. Hãy kính cẩn theo đấy.
Ngày mùng 8 tháng 5 năm Tự Đức thứ 23. (Bản dịch: Cục Di sản Văn hoá)