Phiên chợ tâm linh
Chợ Âm Dương sẽ được phục dựng bắt đầu từ năm 2010. Việc phục dựng lại phiên chợ này là tái hiện lại nét văn hóa truyền thống độc đáo và hấp dẫn của vùng quê Kinh Bắc.
Ngay sau khi quan họ Bắc Ninh và ca trù cùng trở thành Di sản văn hóa thế giới, Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phục dựng các tín ngưỡng, tập quán xã hội và các lễ hội liên quan đến quan họ cổ, nhằm bảo tồn các làn điệu của dân ca quan họ Bắc Ninh. Năm 2010, sau hàng thế kỷ vắng bóng, khách thập phương sẽ được thấy lại một nét đẹp văn hóa truyền thống và tâm linh gắn với miền quan họ là chợ Âm Dương ở làng Ó (Bắc Ninh) qua việc phục dựng phiên chợ độc đáo này lần đầu vào mùng 4 - 5 Tết Canh Dần (tức ngày 17 - 18/2/2010).
Truyền thuyết đẹp ở miền quê quan họ
Trước đây, mỗi năm chợ Âm Dương chỉ họp 1 lần vào lúc nhá nhem tối mồng 4 Tết Âm lịch và tan khi chạm ngày mới.
Ông Nguyễn Văn Hỉ, 91 tuổi, người cao niên nhất khu Xuân Ổ A (làng Ó), phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, không được chứng kiến một phiên chợ Âm Dương nào vào đêm mùng 4 nhưng từng tham gia nhiều lần ngày hội quan họ vào mùng 5, nhớ lại: “Hồi tôi 12, 13 tuổi, hội Ó buổi sớm người ta họp chợ bán gà thờø. Lúc ấy, vùng này còn trũng, nên nhiều ruộng nước, nhưng người ta đứng chen nhau mua bán gà thờ. Chợ gà thờ bán từ sáng đến tầm 12 giờ trưa thì tan. Chợ gà tan thì lại đến chợ bán vàng mã họp. Từ trưa sang chiều là người ta bán giấy vàng mã, đốt vàng mã. Tan chợ vàng mã là khoảng 3 - 4 giờ chiều. Sau đó đến lượt quan họ kéo ra hội chơi, từng tốp từng tốp. Tôi theo các quan họ vào nhà nhau chơi, uống nước, ăn bánh. Xong lại ra ngoài bãi hội xem hát. Các “bọn” không ngồi mà đứng mời nhau hát. Hàng quán ở chợ ít, đứng tràn ra đồng ruộng. Bọn này bọn khác đi lại, ca hát đối nhau đến 8-9 giờ đêm, rồi đưa nhau về nhà”.
Cảnh chợ Âm Dương trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. ảnh: T.L |
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Ấu, người xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, thì các cụ truyền rằng, nơi họp chợ Âm Dương vốn là bãi chiến trường, nơi quân của bà Quí Minh - một nữ danh tướng thời Trần, và là con gái một cung phi nhà Lý, giao tranh với giặc Nguyên - Mông. Khi giặc xâm lược, vua Trần ban chiếu tìm người tài giúp nước. Hưởng ứng lời Vua, bà Quý Minh đã chiêu mộ được hơn 1.000 quân sĩ tại Ma Trang Ổ (Xuân Ổ ngày nay), rồi hợp quân với Lý Tướng Công và Trần Quốc Công tiến đánh quân giặc ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long. Vì thế, vua Trần đã phong thưởng nữ tướng Quý Minh thực ấp ở huyện Tiên Du và bà đã trở về Ma Trang Ổ mở tiệc khao quân.
Chợ Âm Dương ra đời ngay trên bãi chiến trường xưa, vào thời điểm hết chiến tranh, như cách báo ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì nghiệp lớn, cầu sự siêu thoát cho các vong hồn chiến binh, thập loại chúng sinh và vạn vật. Gia đình của những người chết cũng đến đây sắm sửa tế lễ, cúng bái để chiêu hồn, cầu phúc. Vì bãi chiến trường nên có rất nhiều quạ, Ma Trang Ổ còn có tên nôm là làng Ó.
Theo quan niệm, ngày họp chợ là cơ hội duy nhất trong năm cho người sống và người chết gặp nhau. Chợ Âm Dương có nhiều nét đặc biệt của phiên chợ độc nhất vô nhị: Chợ bắt đầu họp vào lúc xẩm tối, bên ngôi miếu cổ linh thiêng có gốc cây đa cổ thụ ở rìa làng Ó (ảnh lớn). Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống giáp bãi tha ma, không có lều, quán, càng không cười nói ồn ào, vì cho rằng những hồn ma sẽ hoảng sợ; không thắp đèn, nến vì sợ gà đen tưởng ánh mặt trời sẽ cất tiếng, làm những hồn ma bay đi. Vì thế, không ai nói to dù người đông đến mấy, càng tạo sự huyền bí, linh thiêng.
Chợ Âm dương được hình thành từ trước Công nguyên, rồi đi vào truyền thuyết, trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng kinh Bắc trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ dân địa phương, mà người dân các nơi cũng về dự, với niềm tin và mong muốn gặp lại những người thân đã khuất, cũng để được giao lưu với những liền chị liền anh của làng Quan họ trong những câu quan họ cổ da diết, đắm say. |
Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền, chứ không nhằm mục đích bán - mua. Trong phiên chợ Âm Dương, người ta chủ yếu bán - mua gà đen (chỉ là gà mái). Nhưng người bán không nói giá, còn người mua cũng không mặc cả, mà tùy tâm để lại tiền khi mua. Có người giải thích, người ta mua gà đen nhiều là để làm lễ vật trừ tà, cũng có người cho rằng, gà đen được mua về để đến mùng 8 tháng Giêng làm lễ tế Thành hoàng làng.
Chợ còn bán tiền vàng mã, trầu cau, hương nến… Các cuộc mua bán, đi lại đều diễn ra âm thầm trong bóng tối. Truyền rằng, trong các buổi chợ này, người ở âm phủ cũng về, cũng bán - mua, nên ở đầu chợ, được đặt một chậu nước để phân biệt tiền âm dương. Thế nhưng, nhiều người khi bán hết hàng, về nhà xem mới thấy toàn lá khô, vỏ hến, đất sét…, được cho là của người âm. Tuy vậy, mọi người lại coi đó là điềm may, vì có cơ hội được làm điều thiện với người âm phủ, cũng báo hiệu của thiên thời địa lợi trong vụ mùa tới. Chợ tan khi chạm sang ngày mới, những người đi chợ lại rủ nhau về nhà ăn cơm, rồi hát những làn điệu quan họ đằm thắm. Trước khi chia tay, họ tặng nhau những câu giã bạn luyến lưu, day dứt, hẹn phiên chợ Âm Dương sang năm lại đến đây cầu may và hát quan họ.
Nét độc đáo của phiên chợ Âm Dương đã đi vào bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1 trong 18 bộ phim Châu Á xuất sắc mọi thời đại) của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thế nhưng, thời gian gần đây, do nhiều yếu tố khách quan, chợ đã bị quên lãng.
Đánh thức quá khứ
Việc phục dựng lại chợ Âm Dương, là tái hiện lại nét văn hóa truyền thống độc đáo và hấp dẫn của vùng quê Kinh Bắc, sẽ không chỉ đáp ứng mong mỏi của người dân địa phương, mà còn tạo được sức hấp dẫn với khách thập phương khi được tham dự một hoạt động văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, việc phục dựng ra sao cũng là điều rất đáng quan tâm. Hiện tại, được biết, đang có nhiều ý tưởng của các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng cho việc xây dựng kịch bản của phiên chợ đậm nét huyền bí và huyền thoại này.
Ban tổ chức cho biết, chợ Âm Dương sẽ được phục dựng bắt đầu từ năm 2010, và hy vọng sẽ duy trì liên tục vào các năm sau đó với đầy đủ tính nguyên bản. Người tham gia sẽ được chứng kiến một không gian lễ hội đậm chất dân gian. Toàn bộ các sân khấu sẽ không có phông bạt mà được dựng tự nhiên cạnh gốc đa, sân đình... với cách thức biểu diễn hoặc thực hành nghi thức đúng theo lối cổ. Du khách có cơ hội tự mình tham gia vào tất cả các hoạt động trong đó, bao gồm hoạt động tín ngưỡng, âm nhạc truyền thống, trò chơi dân gian và nhiều hoạt động phụ trợ khác. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng biểu diễn, một số buổi biểu diễn sẽ bị hạn chế số khách tham dự và ưu tiên cho các bạn trẻ, những người từ 40 tuổi trở xuống.
Phục dựng nét văn hóa truyền thống là cần thiết, nhất là khi nó gắn với các sinh hoạt quan họ, đó cũng là cách để giữ gìn và duy trì sức sống của miền quan họ. Song vấn đề đặt ra là làm sao để giữ nguyên gốc nét truyền thống, tránh để hoạt động văn hóa tâm linh này biến dạng trong những góc nhìn thương mại hay mê tín, đồng thời, các nhà quản lý cũng đặc biệt lưu tâm, để không bị sân khấu hóa một hoạt động văn hóa rất đẹp, rất độc đáo của vùng Kinh Bắc. Bởi không gian của quan họ cổ khó có thể phù hợp trong môi trường sân khấu với ánh điện lung linh, sáng trưng, càng không thể là của chợ Âm Dương đã đi vào truyền thống./.