Phim truyền hình Việt tụt hậu cả thế kỷ
Kỹ thuật, kỹ xảo làm phim truyền hình Việt Nam đang lạc hậu hơn so với thế giới tới gần một thế kỷ.
Những ngày mùa đông cách đây hai năm, đoàn làm phim truyền hình (TH) Trò đời thực hiện một số phân cảnh trong công viên Bách Thảo, Hà Nội. Máy quay hôm đó ghi cảnh Xuân Tóc Đỏ trò chuyện với cô Đũi. Phía sau, hai diễn viên trẻ Việt Bắc và Bảo Thanh vừa cầm kịch bản vừa đọc lời thoại để hai diễn viên nói theo. Đây là cảnh thường thấy ở các đoàn làm phim TH. May mà hai diễn viên diễn nhập tâm, không đến nỗi chỉ lặp lại như một cái máy vô hồn như nhiều bộ phim TH lồng tiếng khác. Trò đời - một trong số những bộ phim được Trung tâm sản xuất phim Đài THVN (VFC) đầu tư ở mức cao nhất - vẫn không thoát cảnh “phim lồng tiếng” của TH Việt.
Lời thì thầm từ quá khứ, bộ phim đầu tiên được VFC đầu tư kỹ xảo - Ảnh: VFC |
Quanh đi quẩn lại chỉ có vài giọng nói
“Diễn viên không học thoại, diễn như con rô bốt, thế thì chả trách xem phim không thấy thật”, một khán giả nhận xét. Ngay như đạo diễn phim Trò đời - Nhuệ Giang có lần tự bắt lỗi: “Phim mang tiếng giả và nhàm một phần vì làm theo kiểu lồng tiếng. Ngoài Bắc chỉ có một vài nhóm lồng tiếng, quanh đi quẩn lại chỉ có vài giọng nói xuất hiện. Thế thì khán giả chán cũng phải thôi”.
Trong khi phim TH Việt vẫn giậm chân ở thời “phim lồng tiếng”, thì thế giới đã bước qua từ cách đây gần cả trăm năm, chuyển qua thu tiếng trực tiếp. Khoảng vài năm trở lại đây, mới xuất hiện lác đác một vài bộ phim sit-com (dạng phim ngắn từ 10 - 30 phút, chỉ quay trong phim trường, dựng hình và thu âm trực tiếp) hoặc phim TH dài tập làm theo kiểu thu tiếng trực tiếp.
“Cách làm phim thu tiếng trực tiếp không chỉ làm khó đạo diễn mà cả diễn viên. Diễn viên bắt buộc phải học lời thoại, còn đạo diễn phải chỉ đạo diễn xuất kỹ lưỡng”, đạo diễn Vũ Hồng Sơn nói. Chính cách làm phim thu tiếng trực tiếp, theo ông, đã tạo nên hiệu ứng cho Cầu vồng tình yêu - một trong số những bộ phim hiếm hoi trở thành hiện tượng ăn khách của TH Việt. Bộ phim Bí mật tam giác vàng phát sóng năm ngoái và Bánh đúc có xương đang được trình chiếu cũng tạo nên cơn sốt. Điểm chung của hai bộ phim này là cùng được làm theo kiểu thu tiếng trực tiếp. Điều lạ là, chính hãng phim tư nhân mới cho thấy sự chịu khó thay đổi tiếp cận cách làm phim thu tiếng trực tiếp trong khi đơn vị sản xuất phim nhà nước dù có nhận ra những điểm hạn chế nhưng vẫn ít chịu thay đổi.
“Đạo diễn nào cũng mong được làm phim thu tiếng trực tiếp. VN thừa sức làm, không có khó khăn về kỹ thuật”, đạo diễn Hồng Sơn nhìn nhận. Vậy vì sao đến giờ vẫn có đến hơn 90% phim TH Việt làm theo kiểu cũ? “Nói thẳng ra thì không có nhiều diễn viên biết diễn, vừa thuộc thoại, vừa diễn xuất tốt khó lắm. Trong khi phim lồng tiếng yêu cầu diễn viên dễ dãi hơn nhiều”, một nhà sản xuất phim tư nhân cho biết.
Theo đạo diễn Hồng Sơn, một nguyên nhân nữa là hiện tại không có trường quay cho phim TH. “Có một đạo diễn nước ngoài sang VN làm phim. Ông đã bỏ rất nhiều tiền để “mua” sự im lặng của một khu phố nhằm thực hiện cảnh quay”, đạo diễn Hồng Sơn kể.
“Thế giới đã ở xa lắm rồi”
Bộ phim Lời thì thầm từ quá khứ (đang phát sóng trên kênh VTV3) gây chú ý bởi việc sử dụng kỹ xảo trong phim. Đây là bộ phim TH đầu tiên được VFC ứng dụng kỹ thuật dựng phim, kỹ xảo hình ảnh để đáp ứng ý tưởng sáng tạo của đạo diễn. Đạo diễn Mai Hồng Phong cho biết, mỗi cảnh quay sử dụng kỹ xảo tốn thời gian gấp 3, 4 lần so với các cảnh quay bình thường, dù vậy anh vẫn chưa cảm thấy ưng ý hoàn toàn.
Một bộ phim khác cũng được đầu tư cho kỹ xảo là Chạm tay vào quá khứ. Tuy nhiên, những phần kỹ xảo này không khiến bộ phim hấp dẫn hơn. Thực tế thì kỹ xảo nếu không được ứng dụng tốt có thể gây hiệu ứng ngược, biến phim thành giả. “Thế giới đã ở xa lắm rồi, còn chúng ta thì mới chập chững bước vào. Anh em làm phim cũng rất đau đầu về chuyện kỹ xảo trong phim. Theo tôi có hai vấn đề ở đây, một là phải bỏ tiền để đưa công nghệ về, thứ hai là bỏ tiền ra để học”, đạo diễn Hồng Sơn nói.
Chỉ mới khoảng 2 năm trở lại đây, VFC đã đầu tư để hầu hết phim truyền hình được quay với máy quay HD. Bên cạnh đó, một số thiết bị quay mới như flying-cam (thiết bị bay có gắn máy quay), steading-cam (máy quay ổn định hình)… cũng được đưa vào sử dụng. Nhưng không phải phim nào cũng được ưu ái ứng dụng những kỹ thuật mới này.
Đạo diễn Hồng Sơn cũng cảnh báo về nguy cơ thất thế của phim TH Việt khi “khán giả càng ngày càng thích thưởng thức những món ngon, còn phim TH nước ngoài nhập về thì luôn hấp dẫn”. “Dù đi muộn hơn thế giới gần 100 năm, nhưng thời gian tới chúng ta cần thay đổi, trước hết là tiến tới việc quay không cần lồng tiếng”, đạo diễn Nhuệ Giang nhìn nhận.
Công nghệ âm thanh mới Trong phim điện ảnh, Dolby Atmos là chuẩn công nghệ với hệ thống âm thanh mới ra mắt công chúng toàn cầu tháng 6.2012, sử dụng một mạng treo trần gồm cấu hình loa vòm (surround), lần đầu tiên cho phép thiết kế âm thanh dựa trên đối tượng, tạo cho người nghe có cảm giác như mình đang ở trong cuộc. Hệ thống này hỗ trợ phát âm thanh ra nhiều loa, khiến khán giả xem phim thích thú. Phim Hiệp sĩ mù mới đây được coi là phim đầu tiên của VN sử dụng công nghệ này. |