Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm: Được và chưa được
VOV.VN -Những hoạt động về nghệ thuật công cộng, hát quan họ lại diễn cạnh nhạc trẻ… như đang tranh chấp không gian.
Sau 4 tháng thực hiện thí điểm, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và khu vực phụ cận đã trở thành một không gian vui chơi, giải trí và thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc điều chỉnh những bất cập, hạn chế hiện nay, hoàn thiện cảnh quan, dịch vụ tiện ích theo hướng văn minh, hiện đại thì giải pháp đưa nghệ thuật sáng tạo vào không gian phố đi bộ là sáng kiến độc đáo, tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho Hà Nội.
Phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm yên bình buổi sáng sớm
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thừa nhận: "Hiện nay, chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm và tổ chức ra những không gian như vậy, ngoài những điểm do quận kết hợp với Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội tổ chức thì còn nảy sinh ra rất nhiều điểm biểu diễn tự phát do các em sinh viên, kể cả người dân, các nghệ sĩ tự do. Qua thời gian thử nghiệm chúng tôi sẽ đánh giá và đưa vào trong quy chế quản lý, trong đó chúng tôi sẽ kiểm soát, đặc biệt là đối với những hoạt động nào không phù hợp sẽ được sắp xếp và loại bỏ ra khỏi khu vực hồ Hoàn Kiếm".
Theo kế hoạch, việc thí điểm tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận sẽ diễn ra đến hết tháng 6 năm tới. Để phố đi bộ hồ Gươm hấp dẫn hơn trong mắt người dân, du khách trong và ngoài nước, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, gắn hoạt động đi bộ với phát triển kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn di sản và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thành phố nên sử dụng nghệ thuật đường phố nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng và biến đổi bộ mặt thành phố, tạo bản sắc cho Thủ đô…
Ông Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Để làm cho không gian phố đi bộ tốt hơn thì Hà Nội phải khắt khe hơn, khó tính hơn trong cảm thụ cái đẹp, kể cả âm nhạc, âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, từ cây xanh cũng phải cầu kỳ hơn, việc chọn lựa những hình thức biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa phải được chọn lọc hơn. Dựa vào những kinh nghiệm của những nghệ sĩ lớn để tổ chức mời gọi những dàn nhạc hay những đơn vị, ca sĩ để phố đi bộ thực sự trở thành một điểm nhấn văn hóa mang đặc thù của thủ đô".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam: Một cách tiếp cận mới của phố đi bộ Hà Nội là tạo thành điểm kết nối không gian văn hóa của cộng đồng và phát huy sự năng động, sáng tạo nghệ thuật của giới trẻ.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, kể cả một số tỉnh, thành phố của nước ta đã thành công khi biết phát huy sức mạnh của cộng đồng và đưa nghệ thuật sáng tạo vào việc bảo bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản.
Điển hình như thành phố Medellin (Colombia) từng là thành phố bạo lực, đầy khu “ổ chuột”, nay trở thành thành phố sáng tạo nhờ hình thành các không gian cộng đồng sáng tạo, không gian đa sắc màu hội họa; thành phố Jerusalem (Israel) vốn tĩnh lặng, nay phát triển sôi động nhờ biết cách kết nối các công trình văn hóa với các tuyến phố đi bộ cùng mạng lưới công viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp hay mô hình Làng Bích họa Tam Thanh, Quảng Nam đã thành công trong khám phá ra những không gian cộng đồng đẹp kết hợp hội họa, mỹ thuật để cho người nghèo có thể thưởng thức nghệ thuật…
Xây dựng các tuyến phố đi bộ là việc làm cần thiết, tạo cho người dân Hà Nội và du khách một không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, thân thiện, góp phần tạo nên hình ảnh thủ đô hiện đại, văn minh, một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều này, giải pháp đưa nghệ thuật sáng tạo vào không gian phố đi bộ cũng là một sáng kiến hay, độc đáo để tạo điểm nhấn, phát huy các giá trị văn hóa của thủ đô./.