Phó Thủ tướng: Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN
"Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất cả phải minh bạch", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp chiều 21/9.
Chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
Tham dự buổi họp có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (BVHTT&DL), đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (Vivaso), đại diện Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS).
Theo đại diện Hội Điện ảnh, các anh em nghệ sĩ đều ủng hộ cổ phần hóa, thậm chí mong cổ phần hóa nhưng cổ phần như thế nào lại là vấn đề gây bức xúc.
Quang cảnh buổi làm việc về cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. |
Nghệ sĩ mong muốn Hãng phim vẫn là nơi làm phim, góp phần tôn vinh điện ảnh, nghệ thuật. Họ mong qua lần cổ phần hóa này, giá trị truyền thống dân tộc được nhân lên chứ không mất đi.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ cũng đưa ra nhiều băn khoăn. Thứ nhất, đất ở vị trí đắc địa sau này không được phục vụ mục đích làm phim. Thứ hai, truyền thống Hãng phim như thế mà thương hiệu định giá lại bằng không. Quá trình cổ phần hóa có những điểm chưa phù hợp, qua hai tháng tiếp quản có những điểm hai bên chưa hiểu nhau nên có những bức xúc về chế độ lương, phòng làm việc...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng quá trình cổ phần hóa đều thực hiện theo đúng quy trình. Duy chỉ có việc định giá thương hiệu của hãng phim thì chưa có tiền lệ, nên chưa định giá được.
Ông Thủy Nguyên - Giám đốc công ty Vận tải Thủy Vivaso - hứa sẽ giải quyết chế độ cho người lao động (các nghệ sĩ của Hãng phim). Về lo ngại sau khi cổ phần hóa liệu công ty có tiếp tục làm phim nữa hay không, ông Thủy Nguyên cho biết đang chỉ đạo thực hiện một bộ phim, đang đi các địa phương để tìm bối cảnh, diễn viên. Việc làm phim vẫn sẽ tiếp tục được duy trì.
"Tôi đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất cả phải minh bạch", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, Hãng phim Truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam./.
“Bộ VHTT&DL duyệt giá trị thương hiệu Hãng phim truyện VN là 0 đồng“
“Việc cổ phần hoá đẫm nước mắt ở Hãng phim truyện Việt Nam“
Bộ VHTT&DL yêu cầu trả lương cho nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam
Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Không được cho thuê đất của Hãng phim truyện Việt Nam