Phục chế thành công tranh sơn dầu “Mẹ con”
VOV.VN - Bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch bị hư hại do điều kiện khí hậu không ổn định.
Thông tin từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: bảo tàng đã phục chế thành công hai bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch và "Rượu cần" của họa sĩ Kà Kha Sam trong khuôn khổ Dự án phối hợp giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật Dresden (CHLB Đức).
Tranh sơn dầu "Mẹ con" |
Trước đó, cả hai bức tranh sơn dầu "Mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch và "Rượu cần" của họa sĩ Kà Kha Sam đều có mức độ hư hại giống nhau bởi điều kiện khí hậu không ổn định. Nhiều lớp sơn dầu bị bong tróc, buộc phải gia cố, làm sạch và làm phẳng. Do kĩ thuật vẽ khác nhau nên việc phục chế hai bức tranh này được tiến hành bởi hai phương pháp, vật liệu không giống nhau. Mục tiêu của việc phục chế là đưa hai bức tranh trở lại trạng thái ổn định, phục hồi lại cấu trúc, đủ khả năng trưng bày.
Trong quá trình phục chế, các chuyên gia của Đức và Việt Nam đã có nhiều đợt tập huấn, hỗ trợ, đánh giá, rút kinh nghiệm về phương pháp tu sửa và tiến hành phục chế một số tác phẩm khác.
Ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Từ hai bức tranh được tu sửa, chúng tôi học tập được nhiều kinh nghiệm cũng như phương pháp xử lý để phục chế. Đó là những kĩ thuật bài bản và chuyên sâu, được đúc kết từ nhiều năm của nền kĩ thuật tiên tiến và cơ bản. Sau quá trình này, chúng tôi đã học tập được nhiều kinh nghiệm cơ bản và xử lý được với tác phẩm "Bến thuyền dưới núi bài thơ" của tác giả Lê Thanh Đức”.
Thành công của việc phục chế 2 tác phẩm mỹ thuật này là sự chuẩn bị mang tính chiến lược nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ tu sửa, phục chế cho bảo tàng, hướng tới xây dựng và phát triển Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm Mỹ thuật của bảo tàng trở thành Trung tâm Quốc gia về Bảo quản, Tu sửa các tác phẩm mỹ thuật. Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị những cơ sở cần thiết để bảo tàng tiến tới xây dựng dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao cho hoạt động bảo quản, tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật theo tinh thần của Quyết định số 1253 của Thủ tướng Chính phủ về "Quy hoạch phát triển Mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"./.