"Qua bến Đò Quan” - khúc ca ơn Đảng

(VOV) - Cho đến nay “Qua bến đò Quan” vẫn là một bài hát hay về Đảng được thính giả Đài TNVN yêu thích

Nghe lại những bài hát viết về Đảng Cộng Sản Việt Nam chúng ta thấy có rất nhiều tác phẩm hay, dễ đi vào lòng người như: Ca ngợi Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đỗ Minh), Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên), Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn), Từ khi có Đảng (Nguyễn Xuân Khoát), Đảng đã gọi có chúng tôi sẵn sàng (Nguyễn Đình Tấn), Người Mèo ơn Đảng (Thanh Phúc)… chúng ta còn thấy những ca khúc khác cũng nói về Đảng nhưng bằng cách thể hiện nhiều mặt ở nội dung lời ca, tromg đó bài “Qua bến đò Quan” của nhạc sĩ Thái Cơ (1934 – 2004) là một thí dụ.

Nhạc sĩ Thái Cơ.

Đây là ca khúc đậm đà chất dân ca, qua giọng hát NSND Thu Hiền, đưa chúng ta về với tiếng trống năm 30 còn lay động đến bây giờ của vùng Tiền Hải, Thái Bình – quê hương tác giả.

Nam Định cách Tiền Hải, Thái Bình bởi chiều ngang của dải sông Hồng nơi ngày xưa cũng thuộc vùng đất cổ Sơn Nam. Vì vậy, cách khai thác đề tài và sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian để xây dựng ngôn ngữ âm nhạc mới trong “Qua bến đò Quan” cũng có điều kiện thuận lợi.

Ca khúc này, Thái Cơ viết theo lối tự sự, kể lại những chuyện đời đầy màu và nước mắt từ thuở xa xưa khi đất nước còn đắm chìm trong màn đêm tối từng được dân gian phản ánh trong câu thơ :

“Thuyền ai qua bến Đò Quan

Hãy dừng chèo lại, em than đôi lời.”

Lần theo câu hát cũ, Thái Cơ tìm về một bến sông mà trong lòng từ lâu hằng ấp ủ và thuộc lòng câu dân ca:

“Cô kia thắt dải lưng xanh

Có về Nam Định với anh thì về

Nam Định có bến đò Chè”

Đò Chè tức là Đò Quan. Bến đò Quan, thuộc con sông Đào kề thành phố Nam Định. Anh không kể về sự tích con sông Đào, phù sa lớp lớp, nao nao sóng dồi; mà chỉ biết rằng con sông nên thơ, nên nhạc ấy đã tạo nên một dấu nối thần kỳ từ dòng Đáy cuộn chảy tới dòng Hồng Hà mênh mông, dào dạt.

Ở nơi đây, đã bao lần phất cờ chiến thắng, niềm vui hiện lên trong màu cờ, màu lúa, màu lụa, màu hoa; trong tiếng thoi, tiếng sóng cùng tiếng hò reo đua thuyền bơi chải trên sông của những trai làng Đồng Phù, Đồng Cát, Đồng Hoạt, Đồng Giang…

Bến Đò Quan ngày nay, trên mình nó đã xuất hiện nhịp cầu treo hiên ngang sừng sững dưới vòm trời trong xanh, yên ả. Nhịp cầu trải rộng và chắc, khỏe; thỏa sức cho những dòng người nườm nượp hôm sớm đi về; thỏa sức cho từng đoàn, từng đoàn xe có trọng tải lớn bon bon chuyển động. Đây cũng là nhịp nối giữa thành phố Dệt anh hùng với huyện Trực Ninh, một huyện thí điềm cho cả nước về cơ giới hóa nông nghiệp năm nào.

Cầu Đò Quan hiện nay (ảnh: internet)

Đò Quan - cái tên của bến sông đã gợi cho Thái Cơ liên tưởng về quá khứ xa xăm. Từ nơi này, từng chứng kiến ngàn vạn lần những cuộc chia ly đẫm lệ, có đi không về như cảnh đời anh Khỏa, đã trở thành khúc hát dân gian mà lòng ta vẫn còn xót xa, tê tái mỗi khi nhắc tới:

“Anh Khỏa ơi!

Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu

Đôi tay em dỡ cái khan trầu, em lấy đưa anh

Tay cầm trầu, giọt lệ chảy quanh”

Và chính bến sông này hẳn như còn in mãi dấu chân của đồng chí Tống Văn Trân, người chiến sĩ cộng sản, từng qua lại nơi đây để hoạt động cách mạng.

Năm 1930, tại xà lim Nam Định, khi sắp bị đem đi xử án chém, anh đã tự cắt ngón tay mình, lấy máu viết bài thơ trong đó có đoạn kêu gọi hành động:

“…Anh em hỡi, đồng lòng hiệp sức

Nông nỗi này, đã cực lắm rồi.

Thân ta, dù có thiệt thòi

Làm gương chiến đấu, cho đời mai sau

Dậy làm cách mạng mau mau…”

Phần mở đầu “Qua bến đò Quan” với nét giai điệu trữ tình, phóng khoáng và nhịp tự do rộng mở, gần gũi với điệu Vỉa trong hát Chèo cổ hay dùng. Thêm vào đấy, là tiết tấu nhanh dần qua những tiếng phụ, tiếng đệm của lời ca; khi thì chậm hẳn lại, dãn nhịp ra, nhằm diễn đạt tình cảm sâu nặng, thiết tha, trước cảnh thiên nhiên mênh mông bao la. Bên cạnh đó, Thái Cơ muốn gợi sự chú ý:

"Lắng nghe sông nước âm vang tình người"

Nối tiếp dòng suy nghĩ của sự đặt vấn đề ở trên là bước sang phần phát triển, phần trung tâm của bài. Nhạc sĩ muốn tạo hình tượng sóng vỗ dạt dào, qua tiết tấu rộn ràng phơi phới để thể hiện niềm vui rộng mở cả trong nhà máy, đang dệt trọn ước mơ của người chiến sĩ năm xưa, thân mang gông miệng ngâm thơ…. Ngoài bến sông thì: Nhộn nhịp như cánh thoi đưa vì bè xuôi, vì tàu ngược…Hình ảnh và cảnh trí cứ vấn vít, đan chặt vào nhau: Nhà máy thì âm vang sóng vỗ, mà trên sông lại như thoi dệt là vậy!


Ở toàn bài, Thái Cơ ứng dụng phương pháp đối xứng, tương phản: đặt màu sáng bên màu tối: màu “nóng” bên màu “lạnh” xen kẽ nhau tươi vui, trong sáng thì tiếp đến đoạn hồi tưởng đầy xót xa, phẫn uất. Và rồi dẫn đến phần cao trào phấn chấn bằng tiết tấu như nhịp sóng vỗ cần mẫn, trẻ trung, liên hồi để khắc họa hình ảnh, và không khí: "Náo nức sóng dồi, bến nước quê tôi. Bát ngát tiếng cười, bến cảng đông vui. Ngọt lịm giọng hò…, lưu luyến mình ơi!" ngợi ca cuộc đời mới, con người mới hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng đang hăm hở lao động hăng say, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NSND Thu Hiền, người biểu diễn đầu tiên ca khúc này trên làn sóng của Đài TNVN đã có những tìm tòi, sáng tạo nhất định. Ngoài những điều kiện thuận lợi về giọng hát dân ca trữ tình, ấm áp, trong sáng, ngọt ngào, chị lại hát rất rõ lời, cách buông chữ nhẹ nhàng tinh tế, kể cả những chỗ ở âm vực cao hoặc trầm, mặc dầu có nhiều luyến láy phức tạp. Do sự nghiên cứu kỹ càng, tỷ mỷ nên cách diễn đạt nội tâm có bề sâu, truyền cảm được người nghe. Cho đến nay “Qua bến đò Quan” vẫn là một bài hát hay về Đảng được thính giả Đài TNVN yêu thích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Quan họ ngửa nón xin tiền chỉ là một vài cá nhân"
"Quan họ ngửa nón xin tiền chỉ là một vài cá nhân"

(VOV) - Lãnh đạo Bắc Ninh cho rằng, đấy chỉ là một vài cá nhân chứ không phải bản chất của lễ hội.

"Quan họ ngửa nón xin tiền chỉ là một vài cá nhân"

"Quan họ ngửa nón xin tiền chỉ là một vài cá nhân"

(VOV) - Lãnh đạo Bắc Ninh cho rằng, đấy chỉ là một vài cá nhân chứ không phải bản chất của lễ hội.

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968
Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

(VOV) - Với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu có giá trị, triển lãm đã làm sống lại trang sử hào hùng của chiến dịch Mậu Thân.

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

Hồi ức từ những hiện vật bảo tàng về Mậu Thân 1968

(VOV) - Với hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu có giá trị, triển lãm đã làm sống lại trang sử hào hùng của chiến dịch Mậu Thân.