Rất khó để 20 triệu trẻ em đều được đọc sách

Nhà văn Phong Điệp cho rằng thời điểm hiện nay đang có nhiều cơ hội mở ra cho mảng văn học thiếu nhi.

Nhà văn Phong Điệp

Trong những thập niên cuối thế kỉ XX bước sang thế kỉ XXI, văn học viết cho thiếu nhi đã thật sự trải qua những lúc thăng trầm. Trong khi có ý kiến cho rằng văn học thiếu nhi đang chịu sự lép vế, người viết cho thiếu nhi cũng đang gặp nhiều khó khăn hơn so với các tác giả viết về mảng đề tài khác, thì nhà văn Phong Điệp cho rằng: thời điểm hiện nay đang có nhiều cơ hội mở ra cho mảng văn học thiếu nhi.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với nhà văn Phong Điệp- Trưởng ban biên tập tuần báo Văn Nghệ trẻ- Hội Nhà văn Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa nhà văn Phong Điệp, mảng văn học viết về thiếu nhi đang xuất hiện những tên tuổi mới như: Nhã Thuyên, Nguyễn Xuân Thuỷ, Chu Thanh Hương… hay một số tác giả nhỏ tuổi đang bắt đầu hình thành như: Nguyễn Bình, Ngô Gia Thiên An, Vũ Hương Nam… Chị đánh giá như thế nào về những cây bút này?

Nhà văn Phong Điệp: Tôi thấy họ mang đến một không khí mới mẻ, trẻ trung. Không phải sách xuất bản của họ đều hay nhưng tôi thấy tác phẩm của họ đầy hứa hẹn. Tuy họ mới ở chặng đầu của văn chương, thậm chí văn chương của nhiều người còn khá non nớt, nhưng trí tưởng tượng và ngôn ngữ của họ phát triển rất phong phú. Tôi nghĩ nếu họ có thời gian rèn dũa, kinh nghiệm được bồi đắp thì các tác phẩm của họ sẽ có giá trị hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta có 20 triệu trẻ em và tính ra hằng năm những đầu sách của các nhà văn trong nuớc dành cho trẻ em là thưa thớt, chưa đủ. Chị có đồng ý với nhận định đó không ?

Nhà văn Phong Điệp: Vâng. Tôi thấy nếu chúng ta tính tỷ lệ sách theo đầu người thì cả sách cho người lớn và thiếu nhi hiện nay là rất thấp. Nếu chúng ta tính bao nhiêu người dân có bao nhiêu sách đọc thì lượng sách xuất bản hiện nay, đặc biệt sách cho thiếu nhi cũng chỉ có 1 vạn. 

Lượng sách xuất bản cho thiếu nhi hiện nay là quá nhỏ nhoi so với nhu cầu thực tế. Nhưng cũng ta cũng phải nhìn rộng ra, 20 triệu trẻ em rải rộng ra ở rất nhiều vùng miền. Chúng ta có một số lượng lớn trẻ em ở nông thôn, miền núi, các em có nhu cầu đọc sách nhưng không có điều kiện kinh tế để mua sách. Sách làm ra không chỉ để phát không. Bây giờ là cơ chế thị trường, các đơn vị làm sách họ cũng cần phải sống, thu lợi nhuận.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng rất khó để đạt được một cái lí tưởng là 20 triệu trẻ em đều được đọc sách. Hiện nay nền kinh tế của nước ta còn sự chênh lệch rất sâu sắc giữa thành phố và nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi.

Bìa một cuốn sách dành cho thiếu nhi

PV: Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, chị nghĩ rằng thời điểm hiện nay đang có nhiều cơ hội mở ra cho mảng văn học thiếu nhi, cũng như đối với các tác giả viết cho thiếu nhi. Tại sao vậy?

Nhà văn Phong Điệp: Tôi dùng một câu dành cho thị trường sách văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay là “trăm hoa đua nở”. Hiện nay sách có rất nhiều và rất đẹp và sách độc hại cũng có. Đây là một cơ hội để các gia đình quan tâm đến sách thiếu nhi. Vì vậy, gia đình và bản thân các em phải biết chọn cho mình loại hoa thơm, hoa đẹp.

PV: Chị từng đưa ra một nhận định là hiện nay số lượng sách sính ngoại nhiều hơn sính nội đặc biệt sách dành cho thiếu nhi. Chị có thể lý giải cụ thể hơn về nhận định này?

Nhà văn Phong Điệp: Tôi nhận thấy rằng sách ngoại họ làm rất đẹp và sách hay chiếm tỷ lệ cao. Vì các đơn vị làm sách khi tìm mua những đầu sách để xuất bản tại Việt Nam, họ phải có sự chọn lọc. Họ phải tìm sách nào bán chạy và được đánh giá cao, được báo chí bình chọn ở nước ngoài để dịch ở Việt Nam.

Còn ở Việt Nam, việc xuất bản sách là câu chuyện giữa nhà xuất bản và người sáng tác. Giữa rất nhiều tác giả ra sách mới ấy, độc giả cần thời gian để độc giả đánh giá xem tác giả nào, đầu sách nào viết hay. Đó là cơ chế sàng lọc của thị trường, nó không phải là cái hàng ngang để cho mọi người cùng tiến mà phải có người tiên phong giống như Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và cũng có những người rất ít độc giả biết đến.

PV:Hiện tại chị quan tâm đến mảng nào của sách thiếu nhi?

Nhà văn Phong Điệp: Hiện nay tôi quan tâm đến lứa tuổi mầm non, nhi đồng. Tâm sinh lý của các bé lứa tuổi mầm non trong văn chương hiện vẫn còn thiếu vắng và chưa được khai thác, tâm lí của lứa tuổi này rất phong phú, đa dạng. Đây sẽ là đề tài hấp dẫn cho người viết.

PV:Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên