Rẻ rúng như những cuộc thi nhan sắc “ao làng”
Từ hành động ném danh hiệu vào xe rác, người ta hoang mang về những danh hiệu Hoa hậu, Nữ hoàng… đã và đang bị lạm dụng đến mức rẻ rúng ở các cuộc thi thường thường bậc trung.
Top 3 “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014”, cuộc thi đang làm ồn ào dư luận.
Mất giá như… hoa hậu
Cách đây một vài thập niên, mỗi khi các cuộc thi nhan sắc diễn ra, người người đều theo dõi chẳng kém gì World Cup. Đặc biệt là sau mỗi cái tên người đẹp được xướng lên trong lúc đăng quang, nhà nhà đều “bắt chước” đặt tên con y hệt như hoa hậu với ước mong sau này đứa trẻ ấy lớn lên sẽ mang một vẻ đẹp về hình thể, trí tuệ và tâm hồn. Nhưng giờ đây, mỗi khi nhắc đến hoa hậu, á hậu hay bất cứ danh hiệu sắc đẹp nào khác thì chỉ nhận được sự thờ ơ, ngao ngán của dư luận.
Ngôi vị cao nhất trong cuộc thi sắc đẹp thì chỉ có một, đó là hoa hậu. Sự duy nhất ấy khiến cho danh hiệu trở nên đáng giá và bản thân người được tôn vinh cũng có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Thế nên, nếu ở một quốc gia nhỏ bé mà mỗi năm có tới hàng chục cuộc thi hoa hậu, người đẹp và không quan trọng mục đích là gì, cứ đăng quang rồi tự thân “bơi” trong làng giải trí bằng mọi chiêu trò, thì quả là vấn nạn.
Thí sinh bức xúc ném danh hiệu vào xe rác.
Trên thực tế, đã có những danh hiệu hoa hậu, á hậu đăng quang tại các cuộc thi được tổ chức “trá hình” với cái tên “kêu như chuông” nhưng rốt cục chỉ được liệt vào dạng cuộc thi nhan sắc “ao làng” và mới đây nhất là cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam”. Có biết bao nhan sắc bước ra từ những cuộc thi để rồi “loay hoay” mãi không tìm ra con đường đi vào lòng công chúng…
Hiện trạng ấy đánh đồng sự hoài nghi về đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội phải chăng đang ngày càng xuống cấp? Hay một sự thật trớ trêu là Việt Nam có rất nhiều người đẹp mang danh hoa hậu, nhưng mỗi khi chọn nhan sắc đại diện quốc gia tham dự các cuộc thi hoa hậu thế giới thì BTC vẫn toát mồ hôi không biết chọn ai cho xứng đáng, chọn ai để “né tránh” được sự phản đối của dư luận… Tất cả xuất phát từ sự lộn xộn trong việc cấp phép, tổ chức, trao giải… từ các cuộc thi nhan sắc đang rơi vào tình trạng vừa mất giá, vừa “bội thực” hiện nay.
Vương miện thật và danh tiếng ảo
Theo tiết lộ từ một số thí sinh và các chuyên gia trang điểm, những cuộc thi “trá hình” thường không có sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Chuyên gia trang điểm Kenny cũng chia sẻ: “Tôi đã từng được mời vào BGK một cuộc thi nhan sắc với tên gọi khá “oách” nhưng khi đến mới vỡ lẽ ra quy mô còn thua xa một show diễn thông thường. Sân khấu tạm bợ, thiếu ánh sáng, âm thanh tồi, MC như con rối trên sân khấu… Đặc biệt nhất là đến phần công bố kết quả thì BTC không hề mời BGK họp bàn. Vậy nên tôi bỏ về”.
Nguyễn Thị Bích Nga - “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2013” lên tiếng tố cáo BTC.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều cuộc thi nhan sắc đưa ra mức tiền thưởng hàng trăm triệu đồng nhưng trên thực tế, cái mà thí sinh nhận được chỉ là danh hiệu mang tính tượng trưng. “Nữ hoàng sắc đẹp 2013” Nguyễn Thị Bích Nga cho biết: “Năm ngoái, kết thúc cuộc thi tôi đoạt giải cao nhất với mức tiền thưởng là 40 triệu đồng nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa nhận được bất cứ một khoản tiền nào, kể cả Cup Nữ hoàng, vương miện và dải băng danh hiệu tôi cũng chỉ được nhận 30 phút trước khi lên sân khấu trao giải cho nữ hoàng mùa giải sau. Nhiều lần tôi liên lạc với BTC để hỏi rõ thì họ cứ khất lần, tôi mệt mỏi nên đành im lặng”. Tương tự, với một số cuộc thi sắc đẹp khác, hình thức tài trợ trang phục từ các nhà thiết kế cũng chỉ là cho mượn mặc xong phải trả lại, thậm chí thí sinh còn phải cam kết nếu hỏng sẽ phải đền bù.
Nhiều năm nay, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc được đánh giá là hình thức siêu lợi nhuận, góp phần lăng - xê một người đẹp không tên tuổi với tham vọng được xuất hiện với mức cat-sê “khủng” trong làng giải trí. Về phía BTC cũng được “thơm lây”, các nhà tài trợ có cơ hội quảng bá thương hiệu. Thế nên, chuyện bỏ tiền bạc, công sức cho ngôi vị như một “chứng chỉ hành nghề” là chuyện không hề khó hiểu. Tuy nhiên, cái được - mất chỉ có người trong cuộc là cân - đong - đo - đếm được.
Có cô hoa khôi miệt vườn nọ bị vướng vào vòng lao lý vì tội bán dâm và dẫn mối. Cô hoa hậu kia đội vương miện trên đầu rồi mới hay tin cuộc thi chưa được cấp phép. Rồi một trường hợp khác phải ngậm ngùi bày tỏ ý muốn trả lại vương miện cho BTC vì không chịu được áp lực “hậu” đăng quang… Thế mới biết, ở một góc độ nào đó, đằng sau ánh hào quang của cuộc chạy đua nhan sắc là câu chuyện ẩn khuất vô cùng chua chát, đặc biệt từ những cuộc thi thứ hạng “ao làng”./.