Sắc hoa trên cao nguyên Mộc Châu

VOV.VN -Xuân về lắc rắc mưa bụi, cây cối trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông.

Những vườn mận, vườn đào đang vào độ bung hoa, khoe sắc tựa như những dải mây trắng, mây hồng bồng bềnh vắt lên triền núi.

1. Người Mông, người Thái là những cư dân đầu tiên đặt chân tới mảnh đất giàu đẹp và nên thơ này. Nếp nhà gỗ quen thuộc của bà con người Mông thấp thoáng dưới tán vườn đào, vườn mận xanh mướt. Mỗi ngày qua đi với người dân nơi đây cũng thật nhẹ nhàng và yên bình. Đến thăm nhà cụ Giàng A Páo ở xã Lóng Luông mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của miền cao nguyên thanh bình này. Cụ Páo ngồi bó gối bên bếp lửa và nướng ngô. Năm nay đã tròn 80 xuân xanh, nom cụ còn khỏe lắm, trí nhớ minh mẫn. Cụ Páo được coi là pho sử sống của vùng đất này. Cụ Páo bảo: “Giàng (trời) thương người hạ giới nên mới tạo ra vùng đất đẹp đến mê hồn này. Giàng tạo ra hoa đào, hoa mận để ươm sự sống mãnh liệt trên đất cao nguyên”.

Sắc hoa trên cao nguyên Mộc Châu.

Nhà cụ Páo đã sống ở đây từ nhiều đời nay. Đến giờ cụ vẫn nhớ mãi truyền thuyết kể lại quá trình hình thành vùng đất này, ngày xưa cái thuở trời đất còn chưa phân tranh, cả vùng đất này là sa mạc mênh mông. Trời nắng nóng suốt cả ngàn năm. Mọi vật không sinh sôi, nảy nở được, cây cối cứ héo úa đi. Cả vùng đất rộng lớn xơ xác, tiêu điều. Bà con người Mông, người Thái, cứ đi qua hết triền núi này đến triền núi khác để kiếm đất định cư mà không tìm được. Chỗ nào cũng hạn, cũng nóng, đất đai khô cằn, con người không thể sống nổi. Ai cũng ngẩng mặt cầu khẩn trời xanh cho mưa xuống. Khi khắp các bản đang rên siết, con người đứng trước nguy cơ bị hủy diệt, bỗng trời đổ mưa lớn. Mưa 7 ngày, 7 đêm không tạnh. Trời đất bỗng xoay chuyển, vùng đất khô cạn trước đây biến thảo nguyên tươi tốt. Cây cối đâm trồi, nảy lộc. Những dãy núi đá nhấp nhô, uốn lượn như vòng cung bao trọn lấy thung lũng này. Giàng đã thấu hiểu nỗi mong mỏi của bà con. Giàng đã ban cho vùng đất này sự sống và khí hậu ôn hòa, để con người mãi sống trong no ấm và yên bình. 

Nhớ ơn Giàng, cứ sau vụ thu hoạch, người Mông nơi đây thường cúng bữa cơm mới để tạ ơn trời đất đã làm cho mùa màng tốt tươi, khí hậu ôn hòa. Thời tiết thuận hòa nên muôn hoa đua nở. Người Mông thường bảo, trong 1 ngày họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của 4 mùa giao hòa xuân, hạ, thu, đông. Buổi sáng khí trời se se lạnh, gió hiu hiu. Buổi trưa nắng vàng chỉ kịp xua tan màn sương mù, để lộ bầu trời trong xanh và sâu thăm thẳm. Quá Ngọ nhiệt độ có cao hơn một chút, nhưng không ai có cảm giác nóng bức. Chưa kịp cảm nhận hết cái nắng vàng của thảo nguyên, mặt trời đã khuất rạng sau đỉnh núi xa mờ. Màn sương mỏng đã giăng mắc qua các triền núi rồi tràn về bản, mang theo cả cái lạnh thấu da, thấu thịt. Cả vùng lại chìm nghỉm trong sương. Khi bà con phải khoác thêm bộ áo rét cũng là lúc bà con người Mông nơi đây bắt đầu đón Tết. Sống ở nơi đầy thơ mộng và mát lành đó nên bà con nơi đây ăn Tết kéo dài cả tháng (tháng 12 âm lịch).

2. Lang thang qua hết bản này đến bản khác mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của xứ sở cao nguyên này. Vào bất cứ nhà của người Thái hay người Mông sống ở cao nguyên cũng được họ tiếp đón thịnh tình như người thân đi xa mới về. Chính tính cách phóng khoáng và cởi mở, dễ gần đó của bà con đã tạo nét đặc trưng của con người sống ở vùng đất này. Khách đến nhà thì phải ăn cho thật no, uống rượu thì phải uống cho say. Say rồi thì mời khách ngủ lại. Với người Mông nơi đây, nhà ai có nhiều khách đến chơi là một niềm vinh dự lớn. Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, men rượu ngô còn ngây ngất, phảng phất chưa tan, ta lại tiếp tục hành trình khám phá cao nguyên. Những đồi chè xanh mướt dài ngút ngàn toả hương thơm ngào ngạt. Bên những đồng cỏ non xanh từng đàn bò sữa đang nhởn nhơ gặm cỏ, ta tiếp tục hành trình thăm quan của mình qua các di tích lịch sử như động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông. 

Mộc Châu mùa nào cũng lạnh hơn so với vùng khác, đây cũng là vùng đất của muôn loài hoa khoe sắc. Đến Mộc Châu vào mùa xuân mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của miền đất lạnh này. Giữa tiết xuân, nắng vàng như rót mật, cây cối bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông. Trên những trồi biếc các loài hoa thi nhau đua nở. Cao nguyên Mộc Châu như khoác lên mình một chiếc áo hoa khổng lồ. Trên là trời xanh, dưới đất là thế giới của các loài hoa, sắc hồng của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, màu vàng rực rỡ của hoa cải…

Trong biển hoa mênh mông đó, dọc triền núi đám đào rừng nổi bật hơn cả. Đào ở Mộc Châu chỉ có hai loại đào, là đào mốc và đào phai. Đào mốc là giống đào của người Mông, nụ mập và thưa, hoa hồng nhạt cánh dày. Chúng thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối, thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có lớp rêu phủ, một cây đào mốc có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Còn loại đào phai, thân và cành chắc khỏe, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng, nhưng thường nhiều, nên giá rẻ hơn so với đào mốc. Đào rừng tự mọc, tự lớn nên thân cành rất cứng, hoa đào có vẻ đẹp thô mộc mà tràn đầy sức sống. Người ta kết đào rừng chính là ở đặc điểm này.

Giữa một biển hoa rừng ấy ta như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thấp thoáng dưới tán vườn đào là những cô gái Mông đang vận những bộ váy với đủ sắc màu thổ cẩm. Trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)... Sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa. Tiếng khèn, tiếng pí của các chàng trai Mông như một bản nhạc tình ca du dương.

Trải qua bao đời, bà con người Mông, người Thái, người Khơ Mú sống vui êm đềm cùng núi rừng. Trước đây cả cao nguyên rộng lớn này thưa thớt người ở. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi những con người vùng xuôi đầu tiên đi khai hoang vùng Tây Bắc thì cao nguyên này mới bắt đầu phát triển mạnh. Lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của những con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho vùng đất mới đã làm cho cao nguyên này thay da đổi thịt từng ngày.

Nằm ở độ cao 1.050m so với mặt nước biển, Mộc Châu là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80km, rộng 25km với 1.600ha đồng cỏ. Khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù của Mộc Châu. Ở giữa cao nguyên Mộc Châu là một vùng tiểu khí hậu với mùa hè mát mẻ có nhiệt độ trung bình là 20 độ C và mùa đông khô ráo hơn các vùng khác./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mâm cỗ Tết: Nét văn hóa ẩm thực Việt
Mâm cỗ Tết: Nét văn hóa ẩm thực Việt

VOV.VN -Tết là khởi đầu cho một năm mới, mọi người luôn muốn sắm sửa một mâm cỗ Tết thịnh soạn dâng lên ông bà tổ tiên, mong năm mới phát tài phát lộc.

Mâm cỗ Tết: Nét văn hóa ẩm thực Việt

Mâm cỗ Tết: Nét văn hóa ẩm thực Việt

VOV.VN -Tết là khởi đầu cho một năm mới, mọi người luôn muốn sắm sửa một mâm cỗ Tết thịnh soạn dâng lên ông bà tổ tiên, mong năm mới phát tài phát lộc.

Tết này, Trường Sa có hoa tươi
Tết này, Trường Sa có hoa tươi

VOV.VN -Những giàn hoa lan, hoa giấy, những luống hoa thạch thảo, mười giờ… đang khoe sắc ở Trường Sa là kết quả của một dự án triển khai 3 năm qua.

Tết này, Trường Sa có hoa tươi

Tết này, Trường Sa có hoa tươi

VOV.VN -Những giàn hoa lan, hoa giấy, những luống hoa thạch thảo, mười giờ… đang khoe sắc ở Trường Sa là kết quả của một dự án triển khai 3 năm qua.

Hoa nở sai dịp Tết khiến nhiều gia đình lo lắng
Hoa nở sai dịp Tết khiến nhiều gia đình lo lắng

VOV.VN - Hoa mai vàng, hướng dương, cát tường đã trổ hoa trước Tết nửa tháng nhưng hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan lại trổ hoa sau Tết từ 10-15 ngày.

Hoa nở sai dịp Tết khiến nhiều gia đình lo lắng

Hoa nở sai dịp Tết khiến nhiều gia đình lo lắng

VOV.VN - Hoa mai vàng, hướng dương, cát tường đã trổ hoa trước Tết nửa tháng nhưng hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan lại trổ hoa sau Tết từ 10-15 ngày.