Sai sót xuất bản do không tuân thủ đúng quy trình
VOV.VN - Công tác quản lý xuất bản đang bộc lộ nhiều bất cập, sản phẩm có nhiều sai sót. Điều đáng nói là những lỗi sai ấy lẽ ra không đến mức cảnh báo nếu ngành xuất bản làm đúng qui trình
Vụ sai phạm của NXB Lao động - Xã hội khi in ảnh bìa sách pháp luật phản cảm đã bị ngành chức năng xử phạt, sách đã bị thu hồi. Thế nhưng câu chuyện thêm một lần nữa cho thấy công tác quản lý xuất bản đang bộc lộ nhiều bất cập, sản phẩm có nhiều sai sót. Điều đáng nói là những lỗi sai ấy lẽ ra không đến mức cảnh báo nếu ngành xuất bản làm đúng qui trình, có đội ngũ biên tập viên lành nghề và không sai lạc về thẩm mỹ, văn hóa, tư tưởng. Phương Thúy- phóng viên Đài TNVN có loạt bài phân tích thực trạng này.
Lý giải về những sai sót xảy ra ngày càng nhiều trong hoạt động xuất bản thời gian gần đây gây dư luận xấu trong xã hội, ông Trần Quang Quý- Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Mấy năm gần đây, hoạt động xuất bản phát triển mạnh nhờ chủ trương liên kết giữa các nhà xuất bản nhà nước với tư nhân.
Một bên có tư cách pháp nhân, một bên có tiềm lực về tài chính, năng động trong công tác phát hành. Số đầu sách được xuất bản, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Ngay như NXB của ông, thời bao cấp, mỗi năm in 30 đầu sách thì bây giờ con số này là trên dưới 1000 cuốn với đủ thể loại. Tuy nhiên, việc liên kết xuất bản sách cũng đã để lại không ít hệ lụy, mà rõ nhất là nhiều khi, NXB không kiểm soát được nội dung, dẫn đến sai sót.
Ông Quý cho biết: “Hiện nay khó khăn nhất là nhiều khi không kiểm soát được. Trong quy định bắt buộc đối tác in sách phải trung thành với bản thảo sau khi đã được phê duyệt về mặt biên tập. Nhưng có những người đã phớt chuyện đó đi, vẫn lấy lại phần biên tập viên đã gạch bỏ, thành ra nhiều khi cuốn sách đó có nhiều lỗi, gây phản cảm cho bạn đọc.”
Việc không tuân thủ qui trình xuất bản cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ra đời những cuốn sách in hình minh họa không phù hợp, xúc phạm đến danh dự cá nhân, lệch lạc về thẩm mỹ, sai về tư tưởng, chính trị....như trường hợp sách pháp luật in hình diễn viên Công Lý mới đây, hay từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất sai be bét được một số NXB ấn hành thời gian qua. Về trường hợp cuốn sách “Phát triển trí thông minh cho trẻ” do NXB Dân Trí liên kết với Nhà sách Hương Thủy ấn hành, in hình cờ Trung Quốc.
Ông Phạm Quốc Chính, Cục phó Cục Xuất bản Việt Nam cho biết: “Nhà sách Hương Thủy chưa thực hiện đúng các quy trình liên kết, chưa nộp sách cho Nhà xuất bản để kiểm tra và nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý đã phát hành trên thị trường. Bên cạnh đó thì Nhà xuất bản Dân Trí cũng chưa bám sát, nắm chắc được quy trình xuất bản đã ký quyết định phát hành.”
Thông thường quy trình xuất bản sách sẽ bắt đầu từ việc lựa chọn đề tài, tổ chức bản thảo, xây dựng đề cương chi tiết, quá trình sáng tạo của tác giả để có một cuốn sách hoàn chỉnh, khâu cuối cùng là in ấn và phát hành. Đối với các tác giả nước ngoài thì phải chuẩn bị mua bản quyền hoặc mời trực tiếp tác giả để đặt đề tài, góp ý về đề cương cuốn sách. Tuy nhiên, nhiều NXB vì không đủ tiềm tực tài chính, hoạt động theo kiểu ăn đong, lệ thuộc vào đối tác mà không làm đúng qui trình xuất bản.
Ông Nguyễn Kiểm - nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng, đây là một thực trạng đáng buồn cho các NXB: “Rất nhiều nhà xuất bản thụ động, chỉ đợi những đối tác khác mang đến mà không chủ động tìm đề tài mới cho mình. Thực chất nhà nước chỉ có con dấu, còn lại hoạt động bên dưới từ tổ chức bản thảo đến in ấn phát hành nằm trong tay tư nhân. Cơ chế cộng sinh này, nhà nước lại lép vế vì không có vốn, không có thị trường mà chỉ chịu trách nhiệm về nội dung - vốn là phần khó nhất. Ở đây có câu chuyện không bình đẳng giữa đối tác liên kết và nhà xuất bản.”
Về nguyên tắc, việc để xảy ra sai phạm trong xuất bản thì trách nhiệm thuộc về cả đôi bên, NXB và đối tác liên kết. Tuy nhiên, trên thực tế, thường thì ngành chức năng mới chỉ nêu tên và xử phạt NXB, còn trách nhiệm của phía liên kết lại chưa thấy đề cập đến. Trong khi đó, nhiều vụ sai phạm trong xuất bản xảy ra lại có nguyên nhân cố ý từ phía đối tác liên kết./.