Sính ngoại trong nhạc trẻ đã đến báo động đỏ!
Những bài hát nhạc Việt có tên nước ngoài hay những bài pha trộn tiếng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự lai căng trong âm nhạc Việt Nam.
Những năm gần đây, thị trường nhạc trẻ Việt Nam đã nổi lên một hiện tượng khá phổ biến. Đó là việc các ca sĩ hát những ca khúc nhạc Việt nhưng lại lấy tên nước ngoài hoặc các ca khúc có lời ca nửa Việt, nửa Anh. Dạo qua các cửa hàng băng đĩa nhạc, chúng ta có thể bắt gặp những album có ca khúc như vậy được bày bán khá nhiều.
Một điều khác có thể nhận thấy rõ ràng, đó là những bài hát này tạo nên một xu hướng trong thị hiếu nghe nhạc của giới trẻ. Chúng được giới trẻ đón nhận nhiệt tình và được phát ở những địa điểm công cộng như các quán café, cửa hàng băng đĩa nhạc, cửa hàng thời trang, siêu thị…
Không thể phủ nhận, những ca khúc có tên tiếng Anh hoặc có lời nửa Việt, nửa Anh; có nhiều bài hay về nội dung và có khi là cả ca từ; một phần nào đó vẫn lôi cuốn được các bạn trẻ - những người được học hành và có khả năng nghe - hiểu tiếng Anh tốt. Nó cũng tạo ra sức hút với một bộ phận giới trẻ thích những điều mới lạ, độc đáo ngay cả trong âm nhạc.
Nghe trò chuyện với khách mời trong chương trình "Góc nhìn trẻ" |
Nói về hiện tượng sính ngoại trong thị trường làng nhạc Việt hiện nay, Nhạc sĩ Lương Nguyên – nguyên Phó ban Âm nhạc Đài TNVN cho biết: “Sính ngoại trong thị trường âm nhạc hiện nay biểu hiện ở nhiều góc cạnh. Một là sử dụng lời tiếng Anh xen vào tiếng Việt. Hai là sử dụng giai điệu của nước ngoài, pha chế hoặc sao chép lại; các bài hát đó dễ gây được ấn tượng với người nghe và bán rất chạy”.
Tuy nhiên, âm nhạc cũng là văn hóa. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xen lẫn giữa lời Anh – Việt là một sự giao thoa. Thế nhưng, nếu giao thoa mà không giữ gìn được những nét riêng của mỗi một dòng nhạc thì đó là sự lai căng, không hợp lý.
Anh Nguyễn Minh Đức – giám đốc công ty sản xuất băng đĩa nhạc MFC TP.HCM cho biết: “Sính ngoại là việc không chỉ riêng trong âm nhạc mới có. Từ thời trang cho đến hàng tiêu dùng…đều sính ngoại. Việc mở cửa giao thương đã khiến cho mọi người có cơ hội tiếp cận và từ đó so sánh với những thứ trong nước. Họ muốn âm nhạc của mình cũng phải làm được như nước ngoài, ra được với thế giới nên trở nên sính ngoại. Chưa kể đến việc dễ dãi trong sáng tác âm nhạc, muốn viết kiểu gì cũng được. Chỉ cần vui vui, nghe hay hay là được”.
Ở các thị trường âm nhạc khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản; đi kèm những tên bài hát bằng tiếng Anh thì các ca sĩ vẫn đính thêm tên gốc cho bài hát của họ. Đặc biệt, có nhiều bài hát ở khu vực châu Á thì tên nguyên gốc có khi còn nổi tiếng hơn rất nhiều.
Việc sử dụng tên bài hát bằng tiếng Anh tại thị trường âm nhạc Việt là một việc không cần thiết. Tiếng Việt Nam rất phong phú về ngôn từ và cách diễn đạt, rất giàu và đẹp. Việc đặt tên bằng tiếng Anh nhiều lúc trở nên kệch cỡm bởi có khi, nội dung của bài hát không có liên quan gì đến tên bài cả. Các nhạc sĩ đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm vào trong một ca khúc được viết hoàn toàn bằng tiếng Việt thì có thực sự cần thiết phải đặt một cái tên tiếng Anh cho bài hát?
Còn xen lẫn lời tiếng Anh một cách bừa bãi vào trong bài hát, đôi lúc sẽ phá hủy cả một ca khúc; khiến khán giả đặt ra câu hỏi: phải chăng các nhạc sĩ bí ý tưởng, bí cách sáng tạo ngôn từ tiếng Việt nên phải dùng tiếng Anh? Hay chỉ là một cách để tỏ ra sành điệu, đi theo xu hướng đang lên trong phong cách sáng tác?
Việc viết lời bằng tiếng Anh để quảng bá ca khúc ra với nước ngoài, đưa nền âm nhạc của Việt Nam lên một tầm cao mới là một việc nên làm. Tuy nhiên, nên viết hoàn toàn bài hát đó bằng một thứ tiếng: Việt hoặc Anh. Phân rõ đối tượng mà bài hát đó hướng tới cũng là một cách để định hướng. Không phải người nghe nhạc Việt nào cũng hiểu những đoạn lời Anh, và ngược lại, nếu như quảng bá âm nhạc Việt ra nước ngoài thì liệu có bao nhiêu người hiểu được tiếng Việt?
Nhạc sĩ Lương Nguyên bày tỏ: “Có rất nhiều người nói rằng, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến văn hóa. Tức là làm cái gì của người Việt mà phải có sáng tạo. Hiện nay, nhạc trẻ rất ít người hướng tới âm nhạc truyền thống. Các nhà sản xuất âm nhạc cũng nên nghĩ tới những yếu tố văn hóa trong sản phẩm”.
Sính ngoại, lai căng do mở cửa thị trường âm nhạc, giao thoa với văn hóa thế giới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, phải làm sao để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, của những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, để thay đổi thói quen nghe nhạc của giới trẻ là điều mà cả các nhạc sĩ và ca sĩ phải cùng chung tay góp sức./.