Sôi động Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ Nhất
VOV.VN - Ngày 30/9, tại Đại lộ Tân Trào, thành phố Tuyên Quang đã khai mạc các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống dân tộc Dao.
Phải đến 8 h lễ khai mạc các hoạt động văn hoá, thể thao, liên hoan văn nghệ quần chúng mới bắt đầu, nhưng từ sáng sớm sân khấu Đại lộ Tân Trào đã tấp nập các nghệ nhân, nghệ sĩ dân tộc Dao đến chuẩn bị cho phần trình diễn của mình. Những bộ trang phục cầu kỳ nhất, đẹp nhất vốn được các cô gái Dao giữ gìn, nâng niu được mang ra; những bài hát, điệu múa hay nhất của người Dao đỏ, Dao áo dài, Dao quần chẹt… được giới thiệu đến công chúng.
Nghệ nhân Triệu Tiến Vinh, người Dao đỏ tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Sáng nay 6h30 chúng tôi đã ra đây rồi. Ngày hội này rất có ý nghĩa từ trước đến nay chưa bao giờ có. Đây là ngày hội rất quan trọng, cho nên là chúng tôi đều chuẩn bị rất kỹ càng những bài múa, bài hát phải thuộc lòng".
Biểu diễn điệu múa dân tộc Dao. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)
Sân khấu đại lộ Tân Trào tưng bừng với các màn hát múa, tái hiện Nghi lễ cấp sắc, hát Páo Dung, đám cưới người Dao, múa cầu may truyền thống dân tộc Dao…. Đặc biệt, nếu ở triển lãm “Sắc màu văn hoá dân tộc Dao”, công chúng dễ dàng cảm nhận sự phong phú, đa dạng trong văn hoá của người Dao thì ở phần trình diễn trang phục nữ truyền thống, người ta lại thấy sự khéo léo, tinh tế của dân tộc này qua những bộ áo cưới của các cô gái Dao.
Tham gia trình diễn trang phục truyền thống, bạn Bàn Thị Nghé, người Dao đỏ, Tuyên Quang hồ hởi nói: "Đến với lễ hội, thứ nhất em muốn giới thiệu về quần áo của dân tộc mình. Một cô gái chuẩn bị lấy chồng phải mất 1 năm mới thêu được một bộ quần áo. Thứ 2, em muốn giới thiệu nét đặc sắc của nghi lễ cầu mùa. Em cảm thấy dân tộc mình rất vinh dự khi được tôn vinh bản sắc văn hoá để nó không bị mai một và góp phần giữ được nét văn hoá truyền thống của dân tộc".
Các vận động viên tranh tài môn bắn nỏ. Ảnh: Quốc Việt/Báo Tuyên Quang |
Còn bạn Bàn Thị Quỳnh, người Dao quần chẹt, Yên Bái chia sẻ: "Bọn em trình diễn trang phục, thứ 2 là điệu múa bắt ba ba và trích đoạn đám cưới của người Dao. Đây là lần đầu tiên tổ chức ngày hội, em cảm thấy rất là vui và phấn khởi vì đã đưa được bản sắc văn hoá của dân tộc mình quảng bá cho tất cả mọi người cũng như du khách trên toàn quốc".
Bên cạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống, công chúng còn được xem và cùng tham gia các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo… với các chàng trai người Dao. Đưa con tham dự ngày hội từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Minh, thành phố Tuyên Quang cho biết: "Lần đầu tiên em thấy có một lễ hội người Dao được tổ chức, và lần đầu tiên em được tham dự, được xem những nghi lễ, những nét văn hoá của người Dao, qua đó cũng biết được thêm nhiều điều".
Tiết mục văn nghệ của đoàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quang Hòa/Báo Tuyên Quang |
Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 29 -30/9 tại thành phố Tuyên Quang với sự tham gia của 12 tỉnh, thành mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao thời kỳ đổi mới - hội nhập và phát triển bền vững đất nước”.
Tối nay 29/9, Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc sẽ diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.
Nhiều nét đặc sắc ở Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc