Sự đồng điệu của hai nhiếp ảnh gia Việt Nam - Pháp về 54 dân tộc
VOV.VN -Hai con người ở hai đất nước xa xôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (Việt Nam) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Sebastien Laval - Pháp đều có chung tình yêu, sự trân trọng với văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.
Nếu tìm một cụm từ để nói về triển lãm phong tục, trang phục dân tộc có tên gọi rất đặc biệt “54...” đang diễn ra tại Pháp thì đó từ “đồng điệu”. Hai con người ở hai đất nước xa xôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (Việt Nam) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Sebastien Laval - Pháp đều có chung tình yêu, sự trân trọng với văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.
Một người đã bỏ công trong 18 năm để ghi chép lại cuộc sống của 54 dân tộc cũng như cảnh vật của đất nước hình chữ S. Một người, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn thiết tha khám phá và lưu giữ lại những khoảnh khắc bình dị nhưng là cả chiều sâu văn hóa. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, người chuẩn bị tư liệu cho triển lãm.
PV: Thưa bà, từ cuốn sách “Những khoảnh khắc” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đến triển lãm có tên rất đặc biệt là “54...” của ông và nghệ sĩ nhiếp ảnh Pháp Sebastien Laval đang diễn ra tại Pháp, phải chăng ở đây có mối liên hệ, phát triển?
Npb Nguyễn Hải Yến: Có thể nói tầm quan trọng của nền văn hóa truyền thống và cảm nhận của người nghệ sĩ từng trải với một nền văn hóa của nước mình, yêu mến và biết chắt lọc những điều tinh túy nhất thì một người như nghệ sĩ Lê Vượng đã thấm đượm điều đó trong tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm là một suy nghĩ rất cẩn thận, vừa hoa mỹ, đẹp đẽ nhưng lại mang tính chính xác của một nhà nghiên cứu.
PV: Và cụ thể bà chọn được bao nhiêu bức ảnh để đưa sang triển lãm “54...” tại Pháp?
Npb Nguyễn Hải Yến: Tổng số ảnh trưng bày là 30 cái, chia làm 2 khu vực là Bắc và Nam. Đó là những bức ảnh rất tinh túy, rất tiêu biểu, không thừa cũng không thiếu, càng ít sẽ càng cô đọng và càng cô đọng thì người xem càng nhớ lâu.
PV: Triển lãm có tên gọi rất đặc biệt “54...”, là sự gặp gỡ, giao lưu giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng và nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp Sebastien Laval. Bà có thể so sánh sự gặp gỡ này có những điểm gì tương đồng và khác biệt?
Npb Nguyễn Hải Yến: Cái tương đồng nhất giữa các nghệ sĩ là tính phóng khoáng. Nhưng cái nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng là cái nhìn của người đã sống ở đất nước mình, có nhiều cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với những nhân vật trong ảnh nên sâu sắc hơn. Còn cái nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp như một người nghệ sĩ trên con đường thiên lý, chụp những cảnh rất độc đáo, thậm chí hài hước. Dù sao, cái nhìn của ông ấy hiện đại hơn, không bận tâm đến chi tiết như nghệ sĩ Lê Vượng.
Npb Nguyễn Hải Yến: Thực ra ông Sebastien Laval nghe tên tuổi ông Lê Vượng và sang Việt Nam nhiều lần. Ông cũng rất thích thú khi được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng cho xem những bức ảnh. Lúc đầu chưa có ý định cùng nhau làm triển lãm chung. Nhưng có lẽ nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp này thấy được có sự đồng điệu và đã vận động bên phía Pháp, trong kỉ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước phải làm một điều gì đặc biệt. Ông đã chọn nhiếp ảnh, chọn trang phục dân tộc. Cái gì lạ thường hay đập vào mắt người xem. Sự lạ ấy được lý giải bởi ống kính bậc thầy thì càng nhân lên gấp bội vì người nhiếp ảnh hướng điểm nhấn để cái lạ thành quen.
PV: Bà vừa nhắc đến từ “đồng điệu”. Thông qua sự kiện triển lãm này có thể hiểu từ “đồng điệu” theo nhiều nghĩa. Vậy thì trong triển lãm này với số lượng giới hạn thì những người chuẩn bị đã sắp xếp như thế nào để toát lên sự đồng điệu ấy?
Npb Nguyễn Hải Yến: Khi ở nhà, nhóm chuẩn bị triển lãm cho rằng, dứt khoát phải bày theo ngữ hệ. Khi sang Pháp, Ban tổ chức cũng làm đúng như vậy nhưng xen kẽ những ảnh màu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng thì có ảnh của nghệ sĩ Sebastien Laval. Điều đó rất thú vị vì cái kia là ảnh đen trắng, cái kia là ảnh màu. Hai yếu tố ấy tô điểm cho nhau, một bên hoàn toàn tự nhiên và một bên hoàn toàn có chủ định của nghệ sĩ Lê Vượng với mong muốn giữ lại, giới thiệu những màu sắc, bộ trang phục điển hình nhất của tộc người và để làm một “ngân hàng” tư liệu mà có thể không bao giờ có lại được nữa. Mục đích trong những bức ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng là trang phục, là sắc màu. Còn ảnh của ông Sebastien Laval có thể lấy tên giống tên cuốn sách của ông là “Những khoảnh khắc”.
PV: Bà có thể lý giải cụ thể hơn ý nghĩa tên triển lãm “54...”?
Npb Nguyễn Hải Yến: Con số 54 chính là 54 dân tộc. Triển lãm này có ý nghĩa tượng trưng cho 54 dân tộc. Các bức ảnh được trưng bày lại điển hình nhất cho trang phục điển hình nhất của nhóm ngôn ngữ ấy. Triển lãm thành công chính là vừa có tính chất không cụ thể, với những tác phẩm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Sebastien Laval nhưng vừa ngân đọng lại với những tác phẩm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng.
PV: Xin cảm ơn bà./.