Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"
VOV.VN - Căn nguyên của hiện tượng sư tử đá nhan nhản thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến.
Mấy ngày gần đây, cứ luẩn quẩn trong đầu tôi câu chuyện về những con sư tử đá ngoại lai trong câu chuyện của nhà sử học Lê Văn Lan khi ông đến thăm Chùa Diên Hựu. Ngôi chùa độc đáo nằm giữa lòng Thủ đô, là biểu tượng của Hà Nội và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Ấy thế mà án ngữ ở đó từ bao giờ một đôi sư tử đá lạ được sao y bản chính từ con sư tử đặt ở trong cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) khiến nhà sử học sửng sốt.
Sau nhiều áp lực từ dư luận, hai con sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc đó nay đã được di dời khỏi chùa Diên Hựu nhưng ở nhiều đền, chùa khác thì vẫn nghễu nghện ngồi “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Cũng xin nói thêm là hiện tượng “sư tử lạ canh đền/chùa” đã lây lan khá rộng - không chỉ có sư tử kiểu Bắc Kinh mà còn cả sư tử kiểu Paris (mà người viết vừa mới được diện kiến ở đền bà Tấm thờ Nguyên phi Ỷ Lan) và không biết còn ở đâu còn có đặt sư tử kiểu sông Nile đang canh giấc ngủ cho các Pharaoh nữa không?
Sư tử đá kiểu phương Tây nhe nanh trước cửa đền Bà Tấm được phong là ...linh vật? (ảnh: Ngô Vương Anh) |
Câu trả lời hay gặp khi được hỏi lý do tại sao sư tử lại ngồi trước cửa chùa là: Đây là đồ cung tiến! Đó chính là cách thức và con đường đi đến của sư tử.
Căn nguyên của hiện tượng này thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến và của cả những người được giao nhiệm vụ trông coi di tích lịch sử - văn hoá.
Công tác quản lý tài sản của một di tích đã được xếp hạng quốc gia tuyệt đối không cho phép thêm hoặc bớt bất cứ thứ gì. Vậy mà chỉ cần “thí chủ phát tâm” là nhà chùa sẵn lòng mở cửa, dọn chỗ cho không chỉ sư tử đá mà còn cho nhiều đồ cung tiến khác như đá phong thủy, tượng, bát hương, bùa chú...(viết đến đây tôi lại nhớ tới viên đá lạ ở Đền Hùng.)
Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về văn hoá, lịch sử xung quanh câu chuyện về những con sư tử đá. Nhiều ý kiến khá gay gắt, nặng nề cho rằng đây là lối khoe mẽ vô văn hoá, thậm chí đây là “bệnh sư tử”, là “hoạ sư tử” - một cái họa về văn hóa.
Bởi ngay cả khi bị áp đặt hay chủ động giao lưu - tương tác văn hoá, người Việt luôn biết tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa văn hoá ngoại lai rồi Việt hoá nó, “thuần phục” nó theo cách riêng của mình. Chưa bao giờ tổ tiên chúng ta chấp nhận sự sao chép dập khuôn vô thức.
Nhưng ngày nay, câu chuyện thiếu vốn hiểu biết văn hoá và sự cẩu thả trong ứng xử và quản lý di tích lịch sử - văn hoá là “căn bệnh” đã lây lan khắp nơi.
Hậu họa của “căn bệnh” thì đã “hiển hiện nhãn tiền” ở nhiều di tích.
Có thể liệt kê ngay là vụ hạ giải chùa Trăm Gian đã khiến chùa nghìn năm tuổi biến thành chùa …1 tuổi. Thành cổ Luy Lâu là một di tích cũng đang… mất tích với việc nhiều hộ dân san bờ thành làm ruộng, làm nhà, làm đường. Thậm chí, đã có nhiều hộ được chính quyền cấp sổ đỏ trong di tích...
Lối tư duy thực dụng, cục bộ với di tích, di sản còn gây ra những chuyện dở khóc dở cười: Chẳng đâu xa mà giữa một quận nội thành Hà Nội, đình Mai Động (thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai) bao đời nay thờ thành hoàng làng là tướng Tam Trinh, tương truyền là thuộc tướng của Hai Bà Trưng.
Ở làng Mai Động có nhiều dòng họ tụ cư nhưng đông nhất là họ Triệu và họ Nguyễn. Các hoạt động ứng xử với di tích cũng như bảo tồn, tôn tạo, khai thác di tích được các thành viên của hai họ này “quán triệt sâu sắc” với “tinh thần dòng họ”: Lúc họ Triệu nắm quyền quản lý địa phương ở đó thì Thành hoàng làng Mai Động được mang họ Triệu, khi họ Nguyễn nổi lên thì lại được mang họ Nguyễn.
Sau này còn sinh ra thêm một chuyện cười ra nước mắt là khi ông Tam Trinh được vinh danh, được đặt tên cho con phố chạy qua địa bàn phường, lúc quan khách kéo tấm băng đỏ khánh thành bảng tên đường phố thì rất bất ngờ vì vị Thành hoàng làng không phải mang họ Triệu, hay họ Nguyễn mà lại là họ…Đỗ - Đỗ Tam Trinh!
Sự thật thì thời Hai Bà Trưng người Việt chưa có “văn hoá họ”. Họ Triệu hay họ Nguyễn chỉ có rất muộn sau này. Sau nhiều cuộc bàn cãi, Hội đồng đặt tên phố đã ra quyết định là không đặt họ Triệu hay họ Nguyễn cho ông Tam Trinh mà chỉ đặt là Đô Tam Trinh - Đô với ý nghĩa là người anh hùng vẻ vang.
Tuy nhiên khi làm văn bản để đề chữ lên bảng tên phố, người đánh máy văn bản của Sở Giao thông - Công chính chưa từng thấy ai mang họ Đô nên cho rằng văn bản của Hội đồng Nhân dân Thành phố đưa xuống sót mất dấu. Thế là dấu ngã được người đánh máy thản nhiên thêm vào chữ Đô.
Có lẽ ông Tam Trinh sẽ được ghi trong những chuyện lạ thế giới về tên họ và con phố Tam Trinh cũng là duy nhất trên thế giới được “đổi biển” một cách ngoạn mục như vậy.
Câu chuyện về “căn bệnh” thiếu hiểu biết văn hoá và sự cẩu thả trong ứng xử với di tích văn hoá vẫn còn có thể nói nhiều và chưa dễ kết thúc ngay trong tương lai gần.
Biểu hiện cụ thể thì có trăm nghìn dạng thức nhưng điều ai cũng biết chắc chắn là “căn bệnh” này đã, đang và còn sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.
Chiều sâu văn hóa “như cơi đựng trầu” và những tiêu chí “đẹp”, “hoành tráng” được sao chép một cách vô ý thức đã đi ngược lại tinh thần, truyền thống văn hóa của tổ tiên.
“Căn bệnh” này cần phải được mổ xẻ, phân tích thấu đáo và có các biện pháp sửa chữa kịp thời trong lúc chúng ta đang tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khoá VIII của Đảng về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khi một con người, một dân tộc muốn tiến vào tương lại một cách vững chắc thì bắt buộc phải ngoái nhìn lại quá khứ để xem tổ tiên mình là ai và xác nhận được vị trí hiện tại, hiện trạng mình đang có. Chỉ như vậy, con người đó, dân tộc đó mới vững bước đến tương lai.
Bởi họ cần phải hiểu, nhiệm vụ của mình không chỉ giữ gìn, bảo tồn vốn văn hoá quí báu cha ông đã ngàn đời nghiêm cẩn lựa chọn mà còn phải biết làm giàu nó, làm “của để dành” cho đời sau, cho tương lai dân tộc./.