Sưu tầm, hiến tặng cổ vật: Phải có “thuốc kích thích”

Một trong những lý do chưa khuyến khích người dân sưu tầm, gìn giữ, trao tặng các cổ vật là việc thiếu một cơ chế linh hoạt, hợp lý, hợp tình  

Gần đây, tại Thừa Thiên- Huế, nhiều người dân đã sưu tầm, hiến tặng cổ vật, làm giàu thêm kho tàng văn hoá Huế và cổ vật triều Nguyễn. Tuy nhiên cũng có những rắc rối xung quanh vấn đề này mà ngành văn hoá cần có cơ chế linh hoạt hơn, tùy theo giá trị lịch sử, văn hóa của các cổ vật để có cách thu hút người có cổ vật chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Điều quan trọng là tuyên truyền, giới thiệu để người dân hiểu, tự nguyện, tự giác giao nộp hay trao đổi, bán lại cho Nhà nước với tinh thần cởi mở hơn, nhiều hơn...

Cách đây một năm, ông Tôn Thất Ấn mua một chiếc thuyền độc mộc cổ do người dân phát hiện và thu được trong quá trình khai thác cát sạn trên sông Hương với giá 6,5 triệu đồng về bảo quản tại gia đình. Thay vì việc vận động, thuyết phục giữa các cơ quan chức năng với người đang sở hữu chiếc thuyền cổ, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ra quyết định định thu hồi hiện vật. Tất nhiên, cuối cùng người ta cũng đưa ra một cách giải quyết hợp lý là mua lại chiếc thuyền này từ ông Ấn. Một câu hỏi đặt ra là nếu ông Ấn không mua chiếc thuyền độc mộc cổ mà để thất lạc, hoặc người dân không có ý thức gìn giữ chiếc thuyền này thì sao?

Trường hợp ông Nguyễn Hữu Hoàng, hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam (trú tại thôn Nam Phổ, Phú Thượng, Phú Vang) được người dân báo tin về 9 khẩu súng thần công cổ đúc bằng đồng mà họ đã phát hiện và tự tổ chức trục vớt được tại phao số 7, cảng Thuận An. Đánh giá đây là cổ vật quý hiếm, một mặt ông Hoàng điện báo ngay với cơ quan văn hoá (nhưng không thấy động tĩnh gì), mặt khác tìm cách tiếp cận hiện vật.

Khi 5 trong số 9 khẩu thần công này đã được bán đi vào ngày 22/5/2007, 4 khẩu còn lại, cùng 100 viên đạn bằng gang đã được ông Hoàng thương lượng mua lại với giá khoảng 110.000 đồng/kg (tổng cộng 120 triệu đồng). Nhưng sau đó, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên- Huế chỉ quy đổi và mua lại mức 89 triệu đồng cho 4 khẩu súng nói trên. Như vậy, nếu so với chi phí thực tế của số tiền đi vay nóng để mua số hiện vật này, Nguyễn Hữu Hoàng đã âm 31 triệu đồng, chưa kể vay lãi nóng sau mấy tháng mới được giải quyết. Một câu hỏi nữa được đặt ra, người mua lại được 4 khẩu súng thì như vậy, riêng 5 khẩu còn lại đến nay vẫn "bặt vô âm tính" thì sao?

Đành rằng, theo Luật Di sản văn hóa, hiện vật khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc Nhà nước quản lý. Khi tổ chức, cá nhân phát hiện, sưu tầm cần có một cách xử lý hợp tình, hợp lý hơn. Vấn đề là làm thế nào để Luật vừa được thực thi, vừa tạo được sự hưởng ứng, tinh thần hợp tác lâu dài từ phía người dân, nhất là trong một lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị thất thoát cổ vật như các trường hợp đã nói ở trên...

Theo Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế Nguyễn Phước Hải Trung, cần thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin giữa cơ quan văn hóa các cơ quan hữu quan khác cũng như với chính quyền địa phương...để kịp thời xử lý và thu thập cổ vật ngay từ khi mới phát hiện. Đồng thời, nhà nước phải có chế độ bồi dưỡng, khen thưởng những người phát hiện, thu giữ và giao nộp cổ vật.

Hiện, Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế có bộ sưu tập "hiện vật hiến tặng" nhằm xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế. Gần đây nhất, Bảo tàng tiếp nhận 4 sắc phong triều Nguyễn do nhà sưu tầm cổ vật Đoàn Phước Thuận, chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên hiến tặng. Bốn sắc phong đó gồm: sắc phong thời Thiệu Trị (niên đại cụ thể ghi trên sắc là ngày 9/9 âm lịch, năm 1842); sắc phong thời Tự Đức (3/7 âm lịch, năm 1850); sắc phong thời Duy Tâm (11/8 âm lịch, năm 1909; và sắc phong thời Khải Định (25/9 âm lịch, năm 1925).

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, đây là những hiện vật có giá trị về lịch sử, phản ánh một phần đời sống chính trị, văn hoá xã hội thời Nguyễn. Một trong các sắc phong đó liên quan đến miếu thờ Triệu Việt Vương (sắc phong thời Thiệu Trị, Tự Đức); đền thờ công chúa Liễu Hạnh (sắc phong thời Duy Tân); hoặc đền thờ công chúa Thuỷ Tinh (sắc phong thời Khải Định)...

Trước đây, ông Đoàn Phước Thuận cũng đã từng hiến tặng cho Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế 4 tách trà bằng sứ và 4 đĩa đựng tách trà bằng sứ hiệu đề "Nội phủ" và 1 khay chạm trổ bằng gỗ mun. Các hiện vật này đều được đưa vào bộ sưu tập "hiện vật hiến tặng". Đây cũng là một cách tôn vinh các cá nhân đã có đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, bảo quản và chuyển giao cổ vật cho nhà nước quản lý../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên