Tác giả đề xuất “đặt tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm” nói gì?
VOV.VN - Ông Tạ Hồng Quân, tác giả đề án “Đặt tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm”, cho biết không mong sẽ được ủng hộ 100%.
Trước những phản ứng trái chiều từ giới chuyên môn và dư luận, ông Tạ Hồng Quân, tác giả đề án “Đúc tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm” đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV VOV.VN.
Theo ông Quân, ý tưởng đề án được ông ấp ủ hơn 10 năm nay. “Khi xây dựng đề án, tôi cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản của các chuyên gia gạo cội như GS Vũ Khiêu, PGS Đặng Văn Bài, Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Phan Huy Lê. Hầu hết các bác đều đánh giá đây là ý tưởng hay”, ông Tạ Hồng Quân chia sẻ.
Mẫu phác thảo Tượng Rùa vàng đặt tại Hồ Gươm. Ảnh: TL |
Tác giả đề án cũng cho rằng, mẫu phác thảo mà báo chí đưa ra hiện nay chưa phải là cuối cùng. Đây chỉ là một hình ảnh mà một nhà điêu khắc gửi cho tôi. Có rất nhiều người khác đang bắt tay vào việc thiết kế tượng Rùa vàng. Đề án cần phải có sự lựa chọn khắt khe hơn nữa để tìm ra phác thảo phù hợp nhất.
Ông Tạ Hồng Quân tiết lộ, ông chính là tác giả của Trống đồng, một dự án lớn trong Đại lễ Nghìn năm Thăng Long. “Dự án đó tôi và ê-kip đã hoàn thành xuất sắc thì với đề án “Đúc tượng Rồng vàng Hồ Gươm”, nếu được phép, chúng tôi cũng sẽ thực hiện tốt”, ông Quân nói.
Không gian Hồ Gươm nhìn từ trên cao. |
Chia sẻ về giải pháp “xã hội hóa” liệu có khả thi, ông Tạ Hồng Quân cho biết, nếu đề án nhận được sự ủng hộ và đồng thuận thì rất dễ. Ngược lại, nếu bị phản đối thì rất khó.
“Ở góc độ cá nhân. tôi nghĩ ý tưởng của mình là hay nhưng chín người mười ý tôi không mong là mình được ủng hộ hoàn toàn 100%. Nhưng nếu đạt 70% trong đó là đã được xem thành công. Tôi nghĩ Hồ Gươm của mình đẹp như thế, việc có thêm một bức tượng Rùa vàng để mọi người khi đến Hồ Gươm có một cái gì đó để chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc cũng rất hay. Rùa vàng là hình tượng kết nối được văn hóa, lịch sử truyền thống với hiện tại. Ý tưởng “Đúc tượng Rùa vàng” cũng giống như việc đề xuất Phố đi bộ quanh Bờ Hồ. Những hoạt động như thế sẽ làm cho đời sống xung quanh khu vực đó trở nên sống động, ý nghĩa hơn”.
Công trình Đồng hồ Thụy Sỹ được ông Tạ Hồng Quân cho là không phù hợp với không gian Hồ Gươm hiện tại. Ảnh: TL |
Ông Tạ Hồng Quân phân tích: “Nếu cho rằng không gian Hồ Gươm đã quá chật hẹp thì nên lược bỏ bớt những hạng mục đã tồn tại lâu rồi nhưng đến nay lại thấy xuất hiện nhiều bất cập. Ví dụ như công trình Đồng hồ Thụy Sỹ. Công trình này đã nằm mãi ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, không nhiều người đến Hồ Gươm mà có thể xem giờ ở đó, lại vừa tốn rất nhiều diện tích. Ngoài ra, công trình này làm bằng kính và nhựa nên không mang lại giá trị mỹ thuật. Đó cũng không phải là một công trình nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt Nam. Nếu nói đó là món quà của nước bạn thì theo tôi nên lưu giữ một món quà nho nhỏ, mang tính tượng trưng thôi”.
Cũng theo ông Quân, đề án “Đúc tượng Rùa vàng Hồ Gươm” được ông gửi gắm tình yêu về Hà Nội trong đó. Đây cũng là đề án được ông gửi tham gia Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2017, một giải thưởng thường niên dành cho những tác phẩm, chùm tác phẩm về Hà Nội.
“Tôi quê gốc Thanh Oai, Hà Tây cũ nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Những dự án tôi làm như Trống đồng Nghìn năm Thăng Long hay Đúc tượng Rùa vàng Hồ Gươm không chỉ cần đến tài năng mà còn cần cả tình yêu dành cho Hà Nội. Trong cuộc sống, tôi quan niệm, mình chỉ sống một lần. Và khi chết đi phải có cái gì đó để lại cho đời. Việc tôi ấp ủ các dự án liên quan đến văn hóa xuất phát từ niềm đam mê mong muốn được để lại cho thế hệ sau một công trình nghệ thuật nào đó”, ông Tạ Hồng Quân chia sẻ./.
Không nên đặt tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm