Tết người Mông

Đồng bào Mông ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình, lịch của người Mông đều đặn mỗi năm 12 tháng, không có tháng nhuận. Năm nay ngày mồng 1 Tết của người Mông vào ngày 27/12/2008.

 

Ngày mồng 1 tết cúng toàn thịt gà và lẽ đương nhiên là ăn cũng ăn toàn thịt gà: thịt gà luộc, thịt gà rán, thịt gà kho …

Người Mông Tây Bắc ăn tết 3 ngày, một điều đặc biệt là trong ba ngày này họ để cạnh hoặc trên ban thờ những công cụ lao động của họ. Người Mông quan niệm mọi đồ vật đều có hồn nên họ dán giấy vào tất cả các đồ vật, giấy hình răng cưa như vậy là theo quan niệm của họ nhằm tạo ra rào cản ma quỷ, ngăn ngừa những điều xấu.

Ngoài lễ tại gia thì vào dịp tết đón năm mới sinh hoạt cộng đồng của người Mông là hội Gầu Tào. Địa điểm diễn ra lễ hội là ở một khoảng đất rộng, bằng phẳng với những cuộc thi: Đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co,... Mọi người tham gia hội với một tinh thần hứng khởi, vui tươi

Trong cái lạnh giá của Tết ở bản Mông, bạn được ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức vị thơm, dẻo của món bánh dầy (món bánh không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Mông) và cảm nhận những nét đẹp độc đáo trong phong tục tập quán - nét văn hoá rất riêng của họ, chắc hẳn bạn cũng sẽ có cảm giác thật ấm áp khó quên!

Giã bột làm bánh dày

Món bánh dày truyền thống của Tết người Mông, được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất.

Hết 3 ngày đầu năm mới lúc đó mới thực sự vui. Khi trai gái Mông đắm mình rộn rã trong tiếng khèn môi, trong điệu nhảy, đắm mình trong những trò chơi đánh pao, đánh quay, múa hát, đánh cầu lông gà. Các trò chơi được kéo dài đến hết tháng. Sau Tết, đồng bào lại trở về với công việc nương rẫy thường ngày.

Chơi cù (quay)

Một trò khác ít dùng sức, đáng quan tâm là Lảy Pao. Quả Pao có hình cầu, có đường kính khoảng 5 -7 cm, bên trong được nhồi vải vụn. Vải để khâu quả Pao được nhuộm chàm. Cách chơi khá đơn giản. Một bên cầm quả Pao ném sang bên kia. Bên kia bắt lấy quả Pao và ném lại. Một bạn nữ nếu thích một chàng trai nào đó thì có thể dùng quả Pao ném cho người đó

Đồng bào Mông có chữ viết riêng và có một nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Cây khèn và điệu múa ô là hai sản phẩm tinh hoa của nền văn hóa ấy.

Mọi người đều mặc quần áo mới

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên