Thắng cảnh Huế được xếp hạng từ bao giờ?

Huế là nơi giao cảm hòa hợp giữa thiên nhiên và tâm thức con người, tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của Xứ Huế  

Vùng đất Phú Xuân- Huế hơn 700 năm hình thành và phát triển, kể từ khi Công chúa Huyền Trân “đem màu son phấn đền nợ Ô Ly”, năm 1306 đến nay, thì có gần 400 năm là thủ phủ Xứ Đàng trong rồi kinh đô của nước Việt thống nhất(1601-1945). Là nơi được thiên nhiên ban cho cảnh sắc sơn kỳ thủy tú, thơ mộng hữu tình lại được điểm tô thêm hệ thống kiến trúc thành quách đền đài, lăng tẩm uy nghi tráng lệ. Tạo cho vùng đất này nhiều danh lam, thắng tích nổi tiếng được xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử quốc gia, trong đó có quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Văn Miếu tại Huế

Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng, cách đây gần 150 năm, vua Thiệu Trị (1840-1847), vị vua thứ ba của triều Nguyễn đã từng nhận diện và xếp hạng hơn 20 di tích và danh lam thắng cảnh của nổi tiếng gọi là “Thần Kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp đất thần kinh) của vùng đất Phú Xuân-Huế.

Những danh thắng đó gồm: Lầu Minh Viễn trong tử cấm thành, xây dựng năm 1827; Vườn Thiệu Phương - trong tử cấm thành xây dựng năm 1828; Hồ Tịnh Tâm, nằm phía bắc Hoàng thành xây dựng năm 1839; Vườn Thư Quang một trong những vường Ngự uyển nổi tiếng xây dựng năm 1836; Vườn Ngự Viên, nằm phía bắc vườn Thiệu Phương xây dựng năm 1821; Gác Hải Tịnh Niên Phong, nằm trên đảo Doanh Châu trong Hoàng thành xây dựng năm 1821; Cung Trường Ninh, nằm sau cung Diên Thọ xây dựng năm 1821; Vườn Thường Mậu là vườn thượng uyển lớn nhất được xây dựng năm 1840; Núi Túy Vân, nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc; Cửa Thuận An., Sông Hương; Núi Ngự Bình., Phá Hà Trung nay thuộc huyện Phú Vang; Quán Linh Hựu- đền thờ Đạo Lão nằm trong Hoàng Thành xây dựng năm 1829; Chùa Thiên Mụ xây dựng năm 1601; Cảnh quan đầu nguồn Sông Hương; Chùa Giác Hoàng, nằm ở đông nam kinh thành; Quốc Tử Giám thành lập năm 1863; Rừng Đông, Lâm nằm trên địa phận huyện Hương Thủy; Vũng nước nóng Tả Trạch, nằm trên địa phận huyện Hương Trà.

Điểm qua 20 danh thắng của vùng đất Phú Xuân-Huế được vua Thiệu Trị xếp hạng, ta thấy có 8 danh thắng thuộc về thiên nhiên sông núi, 12 danh thắng thuộc về kiến trúc xây dựng của con người. Thế mới hay, Huế là nơi giao cảm hòa hợp giữa thiên nhiên và tâm thức con người để tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của Xứ Huế.

Điều thú vị đặc biệt là trong cả 20 thắng cảnh được xếp hạng ấy, đều được vua Thiệu Trị  đề thơ, ghi lại cảm xúc của mình trước cảnh đẹp huyền diệu của các danh lam thắng cảnh. Những bài thơ này về sau được nội các triều Nguyễn sắp xếp, vẽ tranh minh họa làm nên tập “Thần kinh nhị thập cảnh”. Tập thơ không chỉ mang giá trị văn hóa một thời, mà còn là nguồn tư liệu nghiên cứu dư địa chí danh lam rất có giá trị sau này.

Chùa Thiên Mụ

Nhiều bài thơ trong Thần kinh nhị thập cảnh đã được các nghệ nhân đúc đồng, gốm sứ, chạm khắc đá ở Huế tạc lên biển đồng, bia đá, tráng men lên vật dụng bát, dĩa, chén sứ lưu truền cho đời sau. Như bài Thư uyển xuân quang (Nắng xuân vườn Thư Quang) khắc trên biển đồng; Thường Mậu quan canh (Xem cày ở vườn Thường mậu), Vân Sơn thắng tích (cảnh đẹp núi Túy Vân), Ngự Viên đắc Nguyệt (Đêm trăng vườn Ngự Viên), khắc trên bia đá...

Nhờ những bài thơ này mà đến nay nhiều danh thắng đã rơi vào hoang tàn phế tích, nhưng ta vẫn còn như thấy được phần nào vẻ đẹp huy hoàng của Cố đô vàng son một thuở. Đến Huế bây giờ ta không còn thấy Lầu Minh Viễn, nhưng qua “Thần kinh nhị thập cảnh” ta lại thấy hiển hiện “...Lầu Minh Viễn ba tầng chót vót, bốn phía lung linh, trước thềm bốn mặt nam bắc tây đông tràn đầy cảnh sắc. Ngoài sân trước sau điểu ngư hoa cỏ hội tụ...” (Trung minh viễn chiếu).

Hay đâu đó giữa Hoàng thành một Cung Trường Ninh trầm mặc “...Cung Trường Ninh xây giữa đền Vương Tự, ngoài dựng đình Hồ Tâm mãi cho người trí thích nước, ven bờ cỏ thơm trúc quan âm phe phẩy, hợp với người dân yêu nước, trên đá hoa cương từng la hán nghiêng mình...” (Buông câu ở Cung Trường Ninh).

Hay tìm Vườn Ngự Viên trong quá khứ ta bắt gặp khung cảnh “...Trong vườn Ngự Viên đêm thu lặng lẽ, cửa cấm thâm nghiêm rực rỡ lầu son vạn trượng. Trong ánh trăng trong vắt thấu suốt mặt nước thẳm, một dòng chấm ao ngọc sáng soi...” (Đêm trăng vườn Ngự Viên)…

Rất nhiều thắng cảnh Huế được xếp hạng xưa kia giờ đây không còn, gần 150 năm đã trôi qua với biết bao biến thiên của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và chính cả bàn tay vô thức của con người đã làm hoang phế nhiều di tích danh thắng Huế. Trong số 20 thắng cảnh xưa, bây giờ chỉ còn lại 8, trong đó có 5 thắng cảnh thuộc về thiên nhiên sông núi là: Sông Hương, Núi Ngự, Cửa Thuận An, Phá Hà Trung, Núi Túy Vân. Còn lại 3 công trình kiến trúc sáng tạo của con người là: Chùa Thiên Mụ, hồ Tịnh Tâm, Quốc Tử Giám, đây cũng là 3 trong số 16 di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Thế mới biết cái đẹp của thiên nhiên, văn hóa, lịch sử thời nào cũng để lại trong lòng mỗi người một cái nhìn trân trọng. Sự đánh giá xếp hạng của người xưa đối với danh thắng Huế quả không sai. Tạo nên cái đẹp đã khó, giữ gìn được cái đẹp ấy cho đời sau lại càng khó hơn. Các di tích Huế hiện nay cũng đang trong tình trạng tự hủy, xuống cấp nghiêm trọng, rất cần bàn tay tôn tạo níu kéo của con người. Mong sao những danh thắng Huế hôm nay luôn được đối xử, giữ gìn có văn hóa như người xưa đã làm để Huế ngày càng đẹp hơn, thơ mộng hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên