Thế giới ngưỡng mộ Hai Bà Trưng
Tạo chí Glamour (số ra 9/12/2009) mới đây đã xếp Hai Bà Trưng vào danh sách 7 phụ nữ dũng cảm nhất trong lịch sử thế giới.
Hai Bà Trưng đứng thứ 5 trong danh sách này, với lời ghi chú: “Trưng Nhị và Trưng Trắc – hai chị em xuất thân dòng dõi quý tộc người Việt Nam đã đứng lên lãnh đạo một đội quân 80.000 binh lính, dưới sự chỉ huy của 36 nữ tướng, đánh bại quân xâm lược nhà Hán vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên”.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hai bà nguyên là con gái của Lạc tướng Mê Linh, Phong Châu. Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay).
Thời đó, đất nước bị cai trị bởi Thái thú Tô Định, rất tàn bạo. Các Lạc tướng liên kết với nhau, rèn quân để chống đối. Nhằm trấn áp, Tô Định đã bắt và giết Thi Sách- chồng bà Trưng Trắc. Trưng Trắc làm lễ để tang chồng, xong dựng cờ khởi nghĩa, hô hào dân chúng nổi dậy đánh đuổi quân cướp nước. Dân chúng theo hai bà rất đông. Những nữ kiệt xa gần các nơi cũng về tụ hội dưới trướng Hai Bà.
Hai Bà Trưng đem quân tiến về thành Luy Lâu đánh Tô Định, quân Tô Định bị thua to, bỏ chạy. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, 65 thành trì ở các nơi do quân Hán đóng giữ đều bị các nữ tướng của Hai Bà đánh hạ. Hai Bà xưng Vương, lên ngôi đóng đô tại Mê Linh.
3 năm sau nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện cầm quân sang đánh Trưng Vương. Hai bà thất thủ trong một trận đánh, nên gieo mình xuống Hát Giang tuẫn tiết. (Ngày mồng 6 tháng 3 năm Quí Mão 43).
Nhân dân trong nước lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi (phần lớn là nữ tướng) ở nhiều nơi. Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng Giêng (ngày Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa), tại đền thờ Hai Bà ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), lại mở hội lớn, nhân dân trong tỉnh và cả nước nô nức kéo về dự, dân hương tưởng nhớ./.