Thiêng liêng ngày Rằm tháng Tư

VOV.VN -Đối với những người con Phật ở khắp nơi trên thế giới, ngày trăng tròn tháng Tư luôn có một ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng.

Đó là ngày đản sinh của một con người xuất chúng, Thái tử Tất Đạt Đa, người sau này đã giác ngộ viên mãn và trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lược sử cuộc đời đức Phật

Lịch sử kể rằng, đức Phật giáng sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni vào ngày Rằm tháng Tư, cách thành Ca Tỳ La Vệ thuộc Ấn Độ khoảng 15km, nay là xứ Ruminidhehi, thuộc quản hạt Aouth, phía Tây Nam Nepal. Song thân Ngài là Quốc vương Tịnh Phạn thuộc dòng dõi Thích Ca và Hoàng hậu Ma Da.

Đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê cha ở nước Câu Ly để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên đường đi, Hoàng hậu Ma Da vào vườn Lâm Tỳ Ni thưởng ngoạn. Bà dừng chân dưới tán cây vô ưu và đưa tay hái cành hoa mới nở thì hạ sinh Thái tử.


Tương truyền, khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời, có 9 vị rồng tới phun nước tắm rửa cho Phật. Cùng với đó là hương hoa do các vị tiên tới rắc xuống để cúng dường Ngài. Cả cõi trời và cõi người rúng động trong niềm hân hoan, vui sướng. Ngài bước đi 7 bước, mỗi bước lại có một bông hoa sen nở ra đỡ lấy gót chân. Vì thế, ngày nay, trong lễ kỷ niệm ngày Phật đản, không thể thiếu nghi thức tắm tôn tượng Phật Thích Ca sơ sinh.

Sống trong cảnh nhung lụa, giàu sang của một bậc đế vương, nhưng khi chứng kiến những nỗi khổ của đời người như già cả, bệnh tật, cái chết, chứng kiến cảnh tương tàn trong cuộc sống, Ngài quyết chí xuất gia để tìm con đường cứu chúng sinh thoát khổ. Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người tật bệnh, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người mang căm hờn oán giận... mà là sự hy sinh từ bỏ của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu.

Mọi người tời chùa cầu an trong ngày Phật đản.
Trải qua 6 năm tu hành khổ hạnh, Ngài nhận ra rằng chỉ có con đường trung đạo mới đưa tới chân lý. Sau 49 ngày đêm ngồi thiền dưới cội cây bồ đề, Ngài đã chứng đắc được chân lý tối thượng, trở thành bậc "Chính Ðẳng Chính Giác". Danh hiệu đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đây.

Ý nghĩa sự đản sinh của đức Phật

Sự đản sinh của đức  Phật Thích Ca Mâu Ni mang ý nghĩa lớn lao với toàn nhân loại. Cuộc đời Ngài là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt. Ngài nói và thực hành ngay những lời Ngài đã nói. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu cho chúng ta. Cuộc đời đức  Phật là một bằng chứng hiển nhiên để người đời nhận thấy rằng giáo lý của Ngài có thể thực hiện được, chứ không phải là những lời nói suông, những ý niệm hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói. Lịch sử của Đức Phật là lịch sử của một con người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian - "Con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này", như lời văn hào Ấn Độ Tagore đã nói.

Trước sự phát triển và ảnh hưởng của tôn giáo trên thế giới, nhiều sáng kiến đưa ra để lựa chọn một tôn giáo điển hình phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Sau nhiều năm xem xét,vào ngày 15/12/1999, Đại hội đồng LHQ tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức chấp nhận  đề nghị của 34 quốc gia thành viên LHQ, chọn Phật giáo vì  giá trị đạo đức, văn hóa và tư tưởng hòa bình bất bạo động của Đức Phật.

Người dân chờ đến lượt mình được tắm Phật ở chùa Quán Sứ
Đại lễ Vesak là đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại cùng diễn ra trong ngày trăng tròn của tháng Vesak hàng năm, tương đương với ngày Rằm tháng Tư âm lịch. Đó là sự kiện đức Phật đản sinh, đức Phật thành đạo và đức Phật nhập Niết Bàn. Năm 2001, Đại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở LHQ và ở các nước có Phật giáo đăng cai. Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào các năm 2008 và 2014.

Trong một lần chia sẻ với các Phật tử, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh: “Giáo lý đạo Phật đề cao sự bình đẳng. Đức Phật nói rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật. Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát”. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.

Đại lễ Phật đản tại Việt Nam

Tại Việt Nam, lễ Phật đản ngày nay không chỉ là ngày lễ lớn đối với các Phật tử, mà còn là ngày hội của mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều chùa hàng năm tổ chức lễ rước Phật, diễu hành xe hoa, tắm tôn tượng Phật sơ sinh. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, tắm Phật là nghi thức thiêng liêng. Khi múc từng gáo nước thơm tắm Phật, cũng là lúc ta gột rửa tâm mình cho thanh tịnh, đồng thời ta nhận được nguồn năng lượng tâm linh tích cực, giúp tinh thần minh mẫn, trí tuệ tăng trưởng, bồ đề tâm kiên cố.

Mọi người múc nước tắm Phật ngày Phật đản mong được gột rửa tâm mình cho thanh tịnh.
Bên cạnh các nghi lễ, chư tăng, ni và Phật tử cả nước còn thực hiện nhiều việc làm thiện lành, ý nghĩa, để dâng lên cúng dường chư Phật như tặng quà từ thiện, tổ chức phóng sinh, thăm viếng gia đình chính sách, dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ, thực hiện theo tinh thần từ bi cứu khổ và tri ân báo ân của đạo Phật.

“Tránh xa những điều ác, năng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch” –thực hành được điều cốt lõi nhất trong những điều Phật dạy, chúng ta sẽ chứng nghiệm được sự màu nhiệm, bao la của đạo Phật và tìm thấy hạnh phúc viên mãn, tìm thấy sự an lạc nội tâm. Đó cũng là thông điệp bất hủ mà Đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tượng phật Chùa Tây Phương được công nhận bảo vật Quốc gia
Tượng phật Chùa Tây Phương được công nhận bảo vật Quốc gia

VOV.VN - Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Tượng phật Chùa Tây Phương được công nhận bảo vật Quốc gia

Tượng phật Chùa Tây Phương được công nhận bảo vật Quốc gia

VOV.VN - Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Sắc màu của lễ Phật Đản tại Huế
Sắc màu của lễ Phật Đản tại Huế

VOV.VN - Trong những ngày này, thành phố Huế như được khoác lên mình một tấm áo mới với những sắc màu của lễ Phật Đản.

Sắc màu của lễ Phật Đản tại Huế

Sắc màu của lễ Phật Đản tại Huế

VOV.VN - Trong những ngày này, thành phố Huế như được khoác lên mình một tấm áo mới với những sắc màu của lễ Phật Đản.

Các địa phương chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản
Các địa phương chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản

VOV.VN -Dịp này, tại  24 quận huyện của TP HCM và nhiều chùa lớn, các ban trị sự đều tổ chức lễ Phật đản trang trọng và tôn nghiêm.

Các địa phương chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản

Các địa phương chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản

VOV.VN -Dịp này, tại  24 quận huyện của TP HCM và nhiều chùa lớn, các ban trị sự đều tổ chức lễ Phật đản trang trọng và tôn nghiêm.

Thừa Thiên-Huế: Nhiều hoạt động mừng đại lễ Phật đản
Thừa Thiên-Huế: Nhiều hoạt động mừng đại lễ Phật đản

VOV.VN - Đại lễ diễn ra tại Huế với các nghi thức niệm Phật cầu gia vị, lễ chào cờ, mặc niệm chư vị tiền bối...

Thừa Thiên-Huế: Nhiều hoạt động mừng đại lễ Phật đản

Thừa Thiên-Huế: Nhiều hoạt động mừng đại lễ Phật đản

VOV.VN - Đại lễ diễn ra tại Huế với các nghi thức niệm Phật cầu gia vị, lễ chào cờ, mặc niệm chư vị tiền bối...