“Thư chiến trường” - Hai thái cực của cuộc chiến
VOV.VN - “Thư chiến trường” là tác phẩm mới của nhà văn Ngô Thảo, nói về hai người lính ở hai chiến tuyến khác nhau.
Từ những trang giấy pơ luya và giọt mực cuối cùng hay những mảnh giấy chắp vá ngoằn nghèo chữ viết bằng bút chì, bức thư chiến trường của những người lính hai bên chiến tuyến đều nặng tình thương yêu và khát khao được trở về với gia đình trong hòa bình. Những bức thư từ quá khứ ấy được các con gửi tặng đến người cha như một món quà, mong dựng lại hình ảnh của người lính trên hai chiến tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
PV: Thưa ông! Có thể nói, “Thư chiến trường” là món quà của các con dành cho những người cha. Ông đón nhận món quà này trong tâm trạng như thế nào?
Nhà văn Ngô Thảo: Thực ra đây là một bất ngờ vì năm sau - 2015 là kỉ niệm 50 năm ngày cưới của chúng tôi. Con cái muốn làm cái việc này thay cho bố nó.
Nhà văn Ngô Thảo. (Ảnh: Phương Thúy)
PV: Phía bên kia chiến tuyến là một người lính Mỹ trong quá khứ. Còn bên này, là một người cha, một người chồng. Ông có thể chia sẻ nét giống và khác nhau của hai nhân vật trong sách được không?
Nhà văn Ngô Thảo: Đây là thư của hai người lính ở hai chiến tuyến khác nhau. Ông ấy cao tuổi hơn tôi, đi lính từ những năm chiến tranh Triều Tiên và là một người lính chuyên nghiệp. Còn mình là người làm chuyên môn, nghiên cứu văn học, không có sự nghiệp lâu dài trong vai trò người lính. Nhưng hai người chúng tôi rất giống nhau, rất đàn ông ở chỗ: Một là ý thức với nhiệm vụ của mình. Hai là tình cảm với gia đình. Việc thương vợ, nhớ con là đương nhiên rồi nhưng đối với đồng đội thì mình phải sống như thế nào.
Qua đây để thấy tâm lí của cả một thế hệ, được đi ra mặt trận có ý thức. Nó hoàn toàn gần gũi với mọi người, không phải xa lạ, không lên gân, dầu lời lẽ trong này là gân cốt đấy. Để thấy rằng có một thế hệ đã ra đi, chiến đấu với tâm thế rất trong sáng như thế, rất vững vàng như thế. Cho nên điều quan trọng ở đây là cách làm sách, khi gom hai người lính ở hai chiến trận trong một cuốn sách thì đấy chính là tinh thần hòa giải.
PV: Từng bức thư, từng dòng nhật kí được viết nên trong hành trình chiến đấu của những người lính. Câu chuyện nào khiến ông thực sự xúc động và mong muốn kể lại cho gia đình, cho vợ con nơi quê nhà?
Nhà văn Ngô Thảo: Báo Nhân dân mới đây đăng mấy bức thư về thanh niên xung phong, ca ngợi thanh niên xung phong. Đôi khi cũng cần phải tìm đến những niềm vui an ủi mình bằng hình ảnh bên ngoài. Trên đường đi qua Ngã ba Đồng Lộc, qua Truông Bồn, những anh bộ đội luôn cảm phục các cô thanh niên xung phong. Các cô làm đường, làm sá, hết mọi thứ, rất giỏi giang, làm nên bao nhiêu công việc lớn lao. Tôi luôn tìm thấy những người làm gương cho mình, để cho mình cảm thấy mình là cái thành phần tử rất là nhỏ trong cuộc chiến đấu.
PV: Chắc hẳn những bức thư chiến trường ấy đã nhiều lần nhận được hồi đáp từ phía hậu phương, thưa ông?
Nhà văn Ngô Thảo: Đơn vị của mình luôn luôn thay đổi, hòm thư rồi vị trí của mình cũng thay đổi nên hai bên tìm nhau rất khó khăn. Nhiều khi 3, 4 tháng tôi mới được cái thư, có khi nửa năm mới nhận được thư nhà. Đặc điểm của thư trong chiến tranh nói chuyện tình cảm là thật nhưng những điều khác không được nói nói hết . Ngoài chiến trường cũng nói về gian khổ, chiến tranh nhưng không bao giờ mình dám nói mình chết bao nhiêu người, mình vừa hi sinh bao nhiêu người, ốm đau thế nào.
Những con số cụ thể thì đều phải tránh hết. Rồi ở nhà cũng khổ lắm nhưng không bao giờ dám nói hết những cái khổ với đói. Người hậu phương phải động viên người tiền tuyến, người tiền tuyến động viên người hậu phương. Chỉ có điều qua tất cả những điều đó, bên nào cũng phải giữ được bản lĩnh, trách nhiệm, ý thức của mình với cuộc sống.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của nhà văn Ngô Thảo!/.