Thừa Thiên Huế - Trang nghiêm Lễ tế đàn Xã Tắc
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và Festival Huế- 2010, tối 8/4 (nhằm ngày 24/ 2 Âm lịch), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ tế Đàn Xã Tắc. Đông đảo lãnh đạo, địa phương, người dân và du khách về dự lễ.
Đúng 8h Lễ tế Xã Tắc bắt đầu, cờ Ngũ sắc được trang trí quanh Ngọ Môn và lầu Ngũ Phụng, quân lính đứng hai bên hồ Kim Thủy, quan văn võ quỳ trước cửa Ngọ Môn, chuẩn bị cho buổi lễ.
Để thể hiện tính nghiêm trang tất cả mọi người tham dự lễ tế đều khăn đóng áo dài. Để tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc, tỉnh Thừa Thiên Huế phải huy động gần 700 cán bộ nhân viên, học sinh, sinh viên và các vị bô lão từ 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Làm lễ tế tại đàn Xã Tắc tối 8/8. (Ảnh: NLĐO) |
Lễ tế đàn Xã Tắc là một lễ quan trọng dưới thời nhà Nguyễn, được xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao, là nơi tế thần Đất và thần Lúa, cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu. Đàn Xã Tắc được xây dựng năm Gia Long thứ 5-1806 ở phía Tây Hoàng thành. Lúc khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong cả nước theo lệnh Vua phái đóng góp đất sạch để đắp đàn, bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ Quốc.
Lễ tế đàn Xã Tắc được tổ chức mỗi năm 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Năm nay lễ tế được tổ chức khá quy mô gồm nhiều phần: Lễ xuất cung và phần tế lễ. Lễ xuất cung, được bắt đầu từ Ngọ môn và kết thúc ở đàn Xã Tắc với một đoàn ngự đạo khoảng 500 người đầy đủ long đình, ngự liễn, ngự kỷ, các đội nhạc lễ cung đình, các loại cờ truyền thống, voi, ngựa...
Trang phục và tế phẩm được trang bị đầy đủ theo như quy định dưới triều Nguyễn. Dọc đường, đoàn ngự đạo đi từ Ngọ môn đến đàn Xã tắc có các hương án của người dân đặt ở các ngã ba. Khi đoàn ngự đạo đi qua, 100 bô lão đại diện cho 8 huyện, thành phố của Thừa Thiên Huế túc trực quỳ lạy...
Việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc và hoàn thiện Lễ tế Đàn Xã Tắc đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành theo theo định hướng khôi phục lại một cách toàn diện cả đàn tế và lễ tế quy mô như ngày xưa để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi là một hướng đi đúng đắn, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hoá dân tộc./.