Tìm Đại sứ Du lịch – vì đâu long đong?
(VOV) - Đại diện quảng bá du lịch nước nhà để thu hút du khách quốc tế, vậy mà chức danh Đại sứ Du lịch lại long đong và lắm thị phi.
Ra đời vội vã, gắn liền thị phi
Tháng 9/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) ban hành quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Thanh Nhàn (tên thật của Lý Nhã Kỳ) làm Đại sứ Du lịch Việt Nam với nhiệm kỳ một năm, dù trước đó gặp không ít ý kiến phản đối.
Báo giới và dư luận khi đó đều băn khoăn vì những điều tiếng xung quanh cuộc sống của diễn viên Lý Nhã Kỳ. Cô từng bị chỉ trích vì cảnh lộ ngực trên truyền hình khi diễn xuất trong một vở kịch. Cô bị đánh giá là không trung thực khi nói về vai trò của mình trong bộ phim Shanghai và có scandal tình ái với diễn viên Việt Anh…
Trước khi Lý Nhã Kỳ được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch, Bộ VHTTDL không tổ chức một cuộc tuyển chọn quy mô, thông báo rộng rãi. Bộ cũng không có một quy chế chính thức nào về chức danh này mà chỉ nêu 8 tiêu chuẩn như: Lý lịch nhân thân tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm; Có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội...
Chức danh Đại sứ Du lịch ra đời vào thời điểm Bộ VHTTDL đang cần một gương mặt quảng bá, vận động bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Trong ảnh: Lý Nhã Kỳ đạp xe vận động cho vịnh Hạ Long |
Ông Trần Nhất Hoàng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL) giải thích cho sự vội vàng này là do khi đó Bộ đang cần cấp bách một Đại sứ Du lịch cho chiến dịch vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. "Quá trình bình chọn chỉ còn diễn ra trong khoảng một tháng nữa. Bộ cần những người có khả năng hành động ngay, có tinh thần tự nguyện cống hiến, có khả năng huy động tài chính. Lý Nhã Kỳ đáp ứng rất tốt các yêu cầu đó", ông Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn được đặt ra là để phù hợp với Lý Nhã Kỳ, theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” chứ không phải Lý Nhã Kỳ phù hợp với chức danh này. Trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) đã thẳng thắn nhận xét: "Cách Bộ làm là thiếu cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, nếu không muốn nói là cảm tính trên một tinh thần “xã hội hóa” về tiền bạc".
Trong suốt nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch đầu tiên, Lý Nhã Kỳ tiếp tục gây dư luận xấu khi cô thường xuyên lên báo “khoe” váy áo, đồ trang sức, diện những trang phục bị đánh giá là phản cảm, không tương xứng với chức danh Đại sứ Du lịch cô đang đảm nhiệm.
Từ khi ra đời, chức danh này đã có nhiều thị phi và gắn liền với hình ảnh Lý Nhã Kỳ. Có lẽ bởi vậy nên khi Bộ VHTTDL tiếp tục tuyển chọn Đại sứ Du lịch cho nhiệm kỳ tiếp theo thì có rất ít hồ sơ tham gia ứng tuyển. Chỉ sau khi Lý Nhã Kỳ xin rút, nhiều người đẹp khác mới bày tỏ nguyện vọng được tham gia như Hoa hậu Đông Nam Á 2012 Diệu Hân, Á hậu Châu Mộng Như, diễn viên Lan Phương, Hoa hậu Jennifer Phạm, Á hậu quý bà thế giới 2011 Thu Hương.
Lý Nhã Kỳ nhận bằng khen vì những đóng góp cho hoạt động bình chọn Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới thế giới |
Vẫn chưa hoàn thiện quy chế
Chức danh đại diện cho ngành du lịch của đất nước lại ra đời vội vã để phục vụ một sự việc thời vụ, cụ thể là cách làm chưa tương xứng. Vì thế, mới có tình trạng chức danh có trước, quy chế chính thức có sau như trường hợp của Đại sứ Du lịch.
Sau khi Lý Nhã Kỳ kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên trong vai trò Đại sứ Du lịch, Bộ VHTTDL mới ban hành Quy chế Bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Về tiêu chuẩn của người được chọn làm Đại sứ du lịch, ngoài những yếu tố như nhân thân, phẩm chất đạo đức, hoạt động nghề nghiệp…, Bộ VHTTDL tiếp tục nhấn mạnh tới tiêu chí “có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam” .
Theo quy chế thì Đại sứ Du lịch phải tham gia 6 loại hoạt động về quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội cho công tác quảng bá du lịch và phải chịu nhiều trách nhiệm. Song quyền lợi thì chỉ là được tuyên truyền, giới thiệu về danh hiệu Đại sứ Du lịch, được cung cấp thông tin phục vụ quảng bá, du lịch Việt Nam và được hỗ trợ chi phí trong một số hoạt động do Bộ tổ chức. Những quyền lợi này hầu như mang tính “hương hoa” là chính nên Đại sứ Du lịch là một kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Tại thời điểm chốt danh sách lần thứ nhất, chỉ có 3 ứng viên nộp hồ sơ cho chức danh Đại sứ Du lịch. Sau khi Lý Nhã Kỳ rút hồ sơ, hạn nộp hồ sơ được lùi đến 31/10 và có thêm nhiều ứng viên bày tỏ mong muốn được trở thành Đại sứ Du lịch |
Số phận của Quy chế cũng long đong khi vừa ra đời, chưa kịp tuyển Đại sứ Du lịch cho nhiệm kỳ tiếp theo thì tiếp tục thay đổi. Đại sứ Du lịch có thể có nhiệm kỳ 2 năm thay vì 1 năm như trước và có thể có nhiều Đại sứ Du lịch cho các vùng, miền khác nhau.
Đợt tuyển chọn Đại sứ Du lịch lần này cũng không suôn sẻ khi vừa chốt hồ sơ ứng viên thì ứng viên “nặng ký” nhất xin rút lui. Bộ VHTTDL tiếp tục lùi thời hạn nộp hồ sơ tới 31/10, đồng nghĩa với việc năm 2013 không có Đại sứ Du lịch. Từ nay cho tới đó, không biết còn có sự thay đổi nào không.