Tìm hướng đi cho nghệ thuật Chèo hiện đại
Các đơn vị nghệ thuật chèo tìm tòi những kịch bản xây dựng tác phẩm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và làm đúng chức năng của VHNT trong thời kì đổi mới.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và việc bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc, nghệ thuật chèo của Việt Nam không những được quảng bá khắp năm châu mà còn tự hiện đại hóa để đáp ứng thị hiếu của khán - thính giả.
Năm nay, Liên hoan sân khấu chèo diễn ra từ ngày 26 đến 5/12 tại Thái Bình nhằm có đề tài hiện đại nhằm tìm tòi, thử nghiệm và định hình hướng sáng tác mới kịch bản biểu diễn nghệ thuật chèo gắn liền với đời sống.
Phóng viên VOV Online phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH TT & DL).
PV: Liên hoan sân khấu Chèo năm nay có đề tài hiện đại. Vậy chèo hiện đại được tính từ khoảng thời gian nào và có những nội dung gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Sau Cách mạng Tháng Tám, chèo đã có đề tài hiện đại. Vì thế, phạm vi về khoảng thời gian là tương đối dài. Trong đề tài hiện đại có những vở chèo nói về chiến tranh, hậu chiến tranh, đời sống xã hội hiện nay hoặc những vấn đề diễn ra trong thời bao cấp.
Tất cả những đơn vị nghệ thuật chèo trong cả nước đều cố gắng tìm tòi những kịch bản xây dựng được những tác phẩm để đóng góp được tiếng nói để sao cho ngoài việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân thì còn làm đúng chức năng của văn hóa nghệ thuật trong thời kì đổi mới.
PV: Theo ông, 16 vở diễn của 13 đơn vị tham gia Liên hoan lần này đã đạt được yêu cầu đảm bảo đề tài hiện đại chưa?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Tính hiện đại ở đây có thể hiểu theo nhiều góc độ. Tính hiện đại phụ thuộc vào câu chuyện kịch, thủ pháp nghệ thuật, các yếu tố tạo nên một tác phẩm sân khấu (ví dụ như tính hiện đại trong văn học kịch, thủ pháp dàn dựng của đạo diễn, của âm nhạc, thiết kế mỹ thuật...).
Hầu như các vở diễn này đều được dàn dựng khá thành công ở các đơn vị nghệ thuật từ năm 2006 đến bây giờ. Liên hoan sân khấu Chèo được tổ chức rất nhiều lần nhưng đối với đề tài hiện đại thì đây là lần đầu tiên.
PV: Nghệ thuật chèo nói chung cũng có những nguyên tắc nhất định. Vậy khi chúng ta đưa đề tài hiện đại vào nghệ thuật chèo phải đảm bảo được những yếu tố nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Nếu nói về nguyên tắc của chèo rất nhiều và các giá trị mà cha ông chúng ta để lại cũng nhiều.
Chẳng hạn như một nguyên tắc bất di bất dịch là khi đã là chèo thì cách diễn của diễn viên cũng như khâu xử lý phải là đối thoại. Trong ngôn ngữ đối thoại người viết phải viết theo lối văn biền ngẫu. Từ văn biền ngẫu sang nói lối để vào ca khúc chứ không phải như kịch nói. Trong kịch nói, người diễn được bộc lộ tâm lý thoải mái và sau đó vào ca khúc. Trong đề tài chèo hiện đại buộc ngôn ngữ nói và ngôn ngữ đối thoại cũng phải là văn vần để vào ca khúc.
Hoặc là đã nói đến chèo bao giờ cũng phải đậm yếu tố hài mang nét dân gian. Trong chèo đề tài hiện đại, chất hài phải giữ được và điều tiết yếu tố hài này như thế nào bằng nhân vật hiện đại. Chất hài thể hiện trong nhân vật hiện đại chứ không phải bắt chước những vai hề chèo ngày xưa nhưng phải đảm bảo trong vỡ diễn có yếu tố hài.
PV: Gìn giữ nghệ thuật truyền thống cũng chính là để cho môn nghệ thuật ấy sống cùng với người dân. Vậy Liên hoan lần này, chúng ta mong muốn sẽ làm được điều gì?
Ông Nguyễn Đăng Chương: Đây cũng là dịp để các nhà quản lý nhìn lại đề tài về chèo hiện đại sống đang đứng ở đâu, nó có tác động gì đến đời sống và hiện nay nghệ thuật chèo đang có những vướng mắc gì mà chỉ có dân gian, dã sử, lịch sử, huyền thoại là những mảnh đất màu mỡ mà xưa nay nghệ thuật chèo vẫn đang khai thác.
Họ cũng phải tìm ra lời giải đáp tại sao chèo đi vào đề tài hiện đại lại khó và khó ở chỗ nào. Chúng ta phải làm như thế nào để cho đề tài hiện đại cũng là mảnh đất màu mỡ của chèo.
PV: Xin cảm ơn ông!./.