Tọa đàm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 6

>>Tọa đàm: Người Hà Nội thanh lịch

Cuộc tọa đàm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội diễn ra ngày 23/11 tại Hà Nội. Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý một số cơ sở di tích ở Hà Nội đã tham dự.

Tiến sỹ Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội cho biết, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, các bậc nhân tài của quốc gia từ ngàn xưa tới nay. Văn hóa Thăng Long -Hà Nội phong phú, đa dạng, độc đáo mà chỉ riêng nơi đây mới có với hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gian... Đó chính là di sản vô giá của Thủ đô 1000 năm văn hiến.

Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội. Song trên thực tế, còn tồn tại nhiều bức xúc về tình trạng lễ hội tràn lan gây lãng phí; di sản văn hóa, tín ngưỡng dân gian bị bóp méo, làm cho sai lệch ý nghĩa; di tích bị biến dạng sau khu trùng tu như Ô Quan Chưởng, thành cổ Sơn Tây... mà dư luận cũng như các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Hội Gióng làng Phù Đổng, một trong những lễ hội cổ truyền Thăng Long, Hà Nội

Nói về thực trạng, thách thức của lễ hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong đời sống hiện nay, PGS - TS Lê Hồng Lý, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, ở Hà Nội hiện có khoảng 1.000 lễ hội trên tổng số 8.000 lễ hội của cả nước, trong đó có những lễ hội đặc sắc mà chỉ Hà Nội mới có.

Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, những lễ hội nào mà do nhân dân quản lý, tổ chức thì sẽ giữ được những nét đặc sắc, truyền thống như nó vốn có như lễ hội của làng Triều Khúc hay Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà tư vấn, hỗ trợ nhân dân và tổ chức những lễ hội mang tầm quốc tế như giỗ Tổ Hùng Vương...

Trong cuộc tọa đàm, còn có các tham luận về tín ngưỡng dân gian Thăng Long - Hà Nội của PGS -TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa); Các di tích thờ Tổ nghề trên đất Thăng Long - Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội)... cùng nhiều ý kiến trao đổi về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên