Tôn tạo chùa Quỳnh Lâm - Trường Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam
VOV.VN - Dự án tôn tạo chùa Quỳnh Lâm gồm các hạng mục xây dựng cổng Tam Quan, kiến trúc trung tâm theo mặt bằng khai quật khảo cổ.
Ngày 9/4, thị xã Đông Triều và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng chùa Quỳnh Lâm, với mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Các đại biểu làm lễ động thổ khởi công tôn tạo chùa Quỳnh Lâm.
Được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc tại xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo nghiên cứu văn bia trong chùa cho thấy chùa được hình thành từ thời tiền Lý, đã nhiều lần được trùng tu, tu sửa ở các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê. Đặc biệt chùa Quỳnh Lâm được tôn tạo hoàn chỉnh vào cuối triều đại Lý - Trần (thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XIV) và người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang để chùa Quỳnh Lâm trở thành một trung tâm phật giáo lớn của cả nước và thành một giảng đường quy mô phục vụ cho việc giảng tập kinh sách Thiền Tông chính là thiền sư Pháp Loa.
Với mức đầu tư gần 200 tỷ, dự án tôn tạo chùa Quỳnh Lâm gồm các hạng mục: xây dựng cổng Tam Quan, kiến trúc trung tâm (Tiền đường, Trung đường, Hậu đường, hành lang) theo mặt bằng khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà bia, nhà trưng bày, nhà vệ sinh; tôn tạo tổng thể và hạ tầng kỹ thuật. Việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình của chùa Quỳnh Lâm sẽ được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị di tích.
Tại buổi lễ khởi công Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch hội đồng trị sự, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh khẳng định tầm quan trọng của khu di tích chùa Quỳnh Lâm: “Tôn tạo chùa Quỳnh Lâm là một công trình rất lớn, một di tích quốc gia đặc biệt với cả hệ thống gồm đền, đình,chùa, am, tháp, lăng tẩm... Vậy nên tại thời điểm này, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo sẽ chọn lọc những công trình cần thiết để tập trung đầu tư trước. Sau đó, các năm sau chúng tôi sẽ từng bước lập ra các công trình tiếp theo để tiếp tục trùng tu, tôn tạo. Dự kiến trong khoảng 10 đến 15 năm nữa về cơ bản khu vực chùa Quỳnh Lâm sẽ được hoàn thiện”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Anh, giảng viên bộ môn khảo cổ học, trường Đại học KHXH - NV, người đã tiến hành nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ chùa Quỳnh Lâm cho biết: “Khi nói đến ý nghĩa của các di sản còn lại chúng ta có thể thấy sự hiện diện của các di tích còn lại ở trong lòng đất cũng như trên mặt đất. Bằng những vật chứng thực sự nơi đây đã tồn tại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong lịch sử. Chính những di tích đó đã giúp cho những Phật tử, những du khách kể cả những người dân nơi đây có thể cảm nhận được những giá trị mà tự thân các di tích đó truyền đạt lại”.
Việc đầu tư, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm giúp khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với lịch sử, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa tín ngưỡng tâm linh, giúp kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần ở xứ Đông nói chung và Quỳnh Lâm trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng./.