Tôn vinh chủ thể văn hóa trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc
VOV.VN - Sự kiện sẽ thể hiện vai trò của chủ thể văn hóa trong sự giao lưu và trải nghiệm của tất cả đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Từ ngày 18 - 24/11, “Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sẽ có gần 400 người đại diện cho 17 cộng đồng dân tộc khắp mọi miền đất nước về chung vui, thể hiện nét độc đáo văn hóa của cộng đồng trong ngày hội.
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Lâm Văn Khang - Trưởng Ban tổ chức “Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam” về sự kiện này.
PV: Thưa ông,“Tinh thần đoàn kết như một chất kết dính, một di sản văn hóa” được chọn làm chủ đề cho Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam năm nay. Ông có thể giới thiệu các hoạt động chính sẽ diễn ra trong dịp này?
Ông Lâm Văn Khang: Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam năm nay có thể được chia làm hai khối hoạt động chính: Khối thứ nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện bằng những lễ hội rất đặc trưng của mình. Ví dụ: Lễ hội Căm Mương (dân tộc Lự, Lai Châu), lễ hội nàng Hai (dân tộc Tày, Cao Bằng), lễ hội Xíp xí (dân tộc Thái, Sơn La)…
Ông Lâm Văn Khang phát biểu tại cuộc họp báo về Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam. |
Hoạt động thứ 2 là của đồng bào Khơ Me (Nam Bộ) được thể hiện qua một số chương trình chính: Lễ đua bò Bảy Núi, lễ hội Ok Om Bok, không gian chợ nổi Nam Bộ…
PV: Ông có thể nói rõ hơn các chủ thể văn hóa tham gia tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” được phát huy như thế nào?
Ông Lâm Văn Khang: Trước hết, các hoạt động đều được xây dựng trên cơ sở phối hợp với địa phương. Chúng tôi đã đề nghị tuyển chọn và đưa chính các nghệ nhân, già làng, trưởng bản và các đồng bào để thực hành các nghi lễ, các lễ hội và các hoạt động.
Do vậy, tất cả các hoạt động đều có sự tham gia ở mức cao nhất của các cộng đồng được tập hợp về đây.
Tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam lần này không chỉ là hoạt động với chương trình giao lưu, để làm sao đảm bảo được mục tiêu chất lượng nghệ thuật. Sự kiện này đồng thời cũng thể hiện vai trò của chủ thể văn hóa xuất hiện trong những chương trình lớn. Chúng tôi xin khẳng định lại, trong 14 hoạt động khác đều có sự giao lưu và trải nghiệm của tất cả các đồng bào dân tộc về tham gia.
PV: Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, các địa phương đã đưa các phương tiện, đạo cụ để tái hiện một cách chân thực nhất các lễ hội, nghi lễ. Ban tổ chức đã có kế hoạch như thế nào để bảo quản và phát huy giá trị của những phương tiện này sau khi ngày hội kết thúc, tránh sự lãng phí?
Ông Lâm Văn Khang: Những phương tiện, đạo cụ của chương trình đó nằm trong kế hoạch chung để vận hành làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tại đây không chỉ xây dựng những ngôi nhà, những công trình kiến trúc của đồng bào các dân tộc mà còn tổ chức các lễ hội của đồng bào các dân tộc và có mua sắm những đồ dùng, vật dụng của đồng bào dân tộc để khi học được huy động về thì đấy chính là những đạo cụ, chính là những đồ dùng để họ sinh hoạt hàng ngày.
Chúng tôi đã có kế hoạch bảo quản để các phương tiện, đạo cụ, những công trình kiến trúc này được sử dụng nhiều lần trong năm và nhiều năm chứ không chỉ trong dịp này. Việc bảo quản những đồ dùng, thiết bị như thuyền, ghe, chăm sóc bò, ngựa... đã nằm trong kế hoạch đầu tư làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
PV: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vốn chỉ thu hút khách tới thăm trong những dịp tổ chức ngày hội. Trong tương lai gần, chúng ta có nên tính toán khả năng phát triển du lịch để khai thác tốt giá trị của ngôi nhà chung không thưa ông?
Ông Lâm Văn Khang: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư, phát triển đến năm 2015. Tuy nhiên, năm 2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khai trương và bước vào giai đoạn khai thác cục bộ, đó là vừa khai thác, vừa tiếp tục đầu tư để hoàn thiện. Chính vì thế, thời gian vừa qua, việc vận hành, khai thác, tổ chức các hoạt động ở Làng Văn hóa – Du lịch chưa được thường xuyên.
Tuy nhiên, điều này nằm trong lộ trình và kế hoạch đầu tư phát triển. Và nếu như được Ngân sách Nhà nước, các địa phương và tổ chức xã hội cùng tham gia chung tay xây dựng ngôi nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam thì chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành để bước vào hoạt động thường xuyên, đồng bộ vào năm 2015.
PV: Xin cảm ơn ông!./.