Tranh của Tô Ngọc Vân bị tố là hàng giả ở Hong Kong
VOV.VN - Một bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân bị tố là hàng giả trong một sàn đấu giá về tranh của các danh họa Việt ở Hong Kong.
Trong số tranh của các danh họa Việt được rao bán ở sàn Christie’s Hong Kong ngày 28/5, có ít nhất một bức tranh của Tô Ngọc Vân bị “tố” là... hàng giả!
Bức tranh The Young Beggar của Bartolome Esteban Murillo (trái) và bức tranh có chữ ký của họa sĩ Tô Ngọc Vân trên sàn đấu giá Chrisite's Hong Kong ngày 28-5 - Ảnh: Artble, Christie’s. |
Sự kiện một số tranh Việt được bán giá cao tại các sàn đấu giá quốc tế gần đây được người trong giới đánh giá là chưa mừng đã lo.
Bởi nhà nghiên cứu Phạm Long vừa đưa ra phát hiện “động trời”: trong số tranh của các danh họa Việt được rao bán ở sàn Christie’s Hong Kong ngày 28-5, có ít nhất một bức tranh của Tô Ngọc Vân bị “tố” là... hàng giả!
Bức sơn dầu Mơ về một ngày mai (Dream of the following day, giá khởi điểm: 9.026-11.025 USD, giá bán 350.000 USD) được giới thiệu là của Tô Ngọc Vân có thể thấy là bức chép của tác phẩm The Young Beggar (Trẻ ăn mày) của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo.
Thế nhưng, website của nhà đấu giá Christie’s dẫn bài giới thiệu của “chuyên viên mỹ thuật Việt Nam” Jean François Hubert rằng: "Với xu hướng hiện thực và chủ nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, bức tranh Mơ về một ngày mai khác nào là một bản tóm tắt những suy tư của Tô Ngọc Vân: rồi sẽ có đổi thay và hi vọng.
Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp Claude Mahoudeau sớm nhận ra phẩm chất của các tác phẩm của Tô Ngọc Vân và đã mua lại bức tranh đầy cảm xúc và rung động này trực tiếp từ họa sĩ”.
Ông Jean François Hubert cũng là người đã bán cho ông Vũ Xuân Chung 17 bức tranh của các danh họa Việt Nam bị phát hiện hầu hết là tranh giả khi triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Nhà nghiên cứu Phạm Long băn khoăn: nếu đó là tranh do Tô Ngọc Vân chép, theo nguyên tắc họa sĩ Tô Ngọc Vân không được ký tên. Nhưng chữ ký đó có thật không?
Sự kiện này làm nhớ lại bức tranh do họa sĩ Thành Chương vẽ, nhưng bị xóa tên Thành Chương để ký đè lên là tranh của... Tạ Tỵ!
Cho nên, nhà nghiên cứu Phạm Long lo lắng: “Sự kiện tranh Lê Phổ đạt giá 1,1 triệu USD được cảnh báo sẽ báo hiệu cho cao trào mới về chế tác và buôn bán tranh giả của các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương, mà trường hợp tranh Tô Ngọc Vân này chỉ là phát pháo mở màn!”.
Câu chuyện tranh giả của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương trên các sàn đấu giá quốc tế không mới.
Từng có tranh của các họa sĩ như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái... - những danh họa bậc thầy, những người đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam - xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế với giá bán cao bị cho là tranh giả, bị phanh phui và khiếu nại ầm ĩ.
Nhưng đáng tiếc hơn nữa là sau họ, không có nhiều các họa sĩ đương đại Việt Nam được biết tới.
The Young Beggar của Bartolome Esteban Murillo. |
Có thể nói, tranh Việt ở sàn đấu giá quốc tế đạt giá triệu đô không có gì quá mừng. Bởi trong nước có những bức tranh của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng... có giá hơn cả triệu đô.
Những tác phẩm này được chủ sở hữu xem như báu vật, không đem trao đổi mà chỉ truyền trong giới.
Sự đẩy giá tranh Việt ở sàn quốc tế có ý nghĩa tích cực, nhưng bị ảnh hưởng và “mặc cả” cơ hội với những đường dây làm tranh giả hết sức tinh vi, được xem là nguyên nhân làm mất uy tín nền mỹ thuật Việt Nam.
Trong khi công cuộc giới thiệu nền mỹ thuật Việt Nam đương đại ra thế giới không liền mạch, bị đứt gãy.
Từ trước đến nay từng có tranh của Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Quang Em... xuất hiện trên sàn đấu giá, nhưng những tên tuổi này chưa đứng được trên sàn quốc tế.
Không ồn ã như sàn đấu giá, gần đây thị trường mỹ thuật có những giao dịch tranh lên đến hàng tỉ đồng.
Điều này cho thấy thị trường tranh Việt đang ấm lên, có những kênh đang đầu tư vào mỹ thuật. Những chuyển động này mới là điều mỹ thuật Việt Nam đang cần.
Bởi kinh nghiệm từ mỹ thuật nước bạn cho thấy một khi trong nước biết quý, đánh giá đúng tài năng và vị thế của họa sĩ thì giá tranh trên trường quốc tế mới tăng theo.
Họa sĩ Nguyễn Lâm chia sẻ một câu chuyện:
“Gần đây có những người ở sàn đấu giá Singapore, Hong Kong đến đặt hàng tôi và đồng nghiệp vẽ những bức tranh theo môtip thiếu nữ, hoa sen... mềm mại, thướt tha kiểu của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Tôi hỏi họ sao không đặt hàng những bức tranh hiện đại hơn, chúng tôi không thể vẽ mãi theo cách cũ. Nhưng họ cười lắc đầu trả lời: Ông không hiểu. Nước ngoài nhiều người biết về tranh Việt Nam chỉ đến giai đoạn này thôi!”.