Tranh đồ họa Việt Nam rối rắm, không chất lượng

Họa sỹ Việt Nam ít nhiều có cách nhìn nhận vấn đề nặng và đặc hơn. Họ cho quá nhiều vấn đề vào trong một tác phẩm...

Với ý tưởng tổ chức hoạt động mỹ thuật kết nối các quốc gia trong khu vực bằng nhiều hình thức sáng tạo và đa dạng, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN, Đại sứ quán các nước Asean tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Triển lãm tranh đồ họa các nước Asean tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN (1967- 2012).

Triển lãm sẽ là dịp để công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam được tiếp xúc và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật thuộc loại hình nghệ thuật tranh đồ họa bằng các thủ pháp in khác nhau trên các chất liệu, được sáng tác trong khoảng 5 năm trở lại đây của các họa sĩ đương đại các nước ASEAN.

Thông qua triển lãm, sự giao lưu, tìm hiểu học tập trong cộng đồng ASEAN bằng ngôn ngữ nghệ thuật sẽ trở nên thật sự ý nghĩa, đồng thời là nguồn sức mạnh văn hóa góp phần đề cao hình ảnh của ASEAN.

Cùng phóng viên VOV Online trò chuyện với ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; ông Lê Huy Tiếp- Chủ tịch Hội đồng chấm giải cuộc thi triển lãm tranh đồ họa ASEAN và họa sỹ Thành Chương về buổi triễn lãm này.

Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

** Ông Vi Kiến Thành: Họa sĩ Việt Nam có cách nhìn nhận vấn đề nặng và đặc

PV: Xin ông cho biết, những tác phẩm tham gia kỳ liên hoan lần này thể hiện nội dung như thế nào?

Ông Vi Kiến Thành: Đề tài sáng tác trong triển lãm lần này không hạn chế và các tác giả có các tác phẩm gửi đến tham dự đều có cách nhìn nhận và quan niệm sáng tác cởi mở hơn, thoải mái hơn. Nếu như họa sỹ các nước trong khối ASEAN có cách nhìn vấn đề đơn giản và thoải mái thì họa sỹ Việt Nam lại ít nhiều có cách nhìn nhận vấn đề nặng và đặc hơn. Họ cho quá nhiều vấn đề vào trong một tác phẩm, đôi khi điều này sẽ khiến cho tác phẩm trở nên rối, thậm chí không chất lượng.

Thực ra, chúng tôi- những người có mặt trong hội đồng chấm giải đều rất tò mò về tác phẩm đạt giải nhất này. Về mặt kỹ thuật, các họa sỹ làm tranh đồ họa ASEAN có sự tìm tòi và những bước đi rất dài so với các họa sỹ đồ họa ở  Việt Nam. Các họa sỹ đồ họa Việt Nam thường sử dụng chất liệu và kỹ thuật tương đối truyền thống như khắc gỗ, khắc kẽm, khắc đồng rồi thạch cao, khắc cao su in đá, còn các họa sỹ ASEAN hiện nay họ đã có rất nhiều kỹ thuật, rất nhiều chất liệu mà các nhà đồ họa chuyên nghiệp Việt Nam chưa chắc đã biết đến. Có những cái Việt Nam chúng ta hay nghĩ tranh đồ họa phải khúc triết, mạch lạc trong đường nét và đường khối thì tác phẩm mới có chất lượng. Thế nhưng không phải vậy, một tác phẩm đơn giản nhưng tinh tế sẽ có khả năng đạt giải cao hơn. Còn tranh của họa sỹ ASEAN, họ giải quyết sáng khối đậm, nhạt như một bức ảnh kỹ thuật cao. Đó là sự thành công trong các tác phẩm đồ họa của các nước trong khối ASEAN.

PV: Ông có thể chia sẻ chủ đề chính mà các tác phẩm hướng tới trong triển lãm đồ họa lần này?

Ông Vi Kiến Thành: Chủ đề tự do và các tranh đồ họa lần này vô cùng đa dạng. Có tác phẩm hướng đến cuộc sống hàng ngày dung dị, đời thường nhưng cũng có những bức tranh lại hướng chủ đề tôn giáo, tín ngưỡng, thậm chí có bức tranh ca ngợi mẹ Việt Nam anh hùng đầy ý nghĩa. Nói chung là rất nhiều đề tài chứ không bó hẹp trong đề tài nào. Vấn đề chính các tác phẩm hướng tới chính là thông điệp, mỹ cảm và sự thẩm mỹ mà tác giả đưa vào tác phẩm để tác phẩm trở nên phong phú hơn.

** Ông Lê Huy Tiếp: Khán giả cũng ngỡ ngàng

PV: Ông có đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm tham gia triển lãm tranh đồ họa lần này?

Ông Lê Huy Tiếp: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc thi đồ họa quốc tế, cho nên tiếng vang cũng như “độ phủ sóng” chưa được trải rộng, giới hạn của họa sỹ tham gia còn tương đối. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận định đây là một triển lãm có chất lượng khá tốt và hội đồng chấm giải đang cố gắng làm việc để chọn ra những tác phẩm tốt nhất để trao giải.

Thời gian quá ngắn nên chúng tôi chưa thể tổ chức công việc một cách trọn vẹn hơn. Tôi hy vọng ở những cuộc triển lãm lần sau, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để quảng bá, tuyên truyền nhằm thu hút sự chú ý của đông đảo các nghệ sỹ quốc tế tham gia.

Họa sỹ Thành Chương (trái) và Ông Lê Huy Tiếp- Chủ tịch Hội đồng chấm giải cuộc thi triển lãm tranh đồ họa ASEAN

PV: Theo ông, tại triển lãm lần này, họa sỹ đồ họa Việt Nam có học hỏi, tiếp thu được những điều gì mới mẻ về mặt kỹ thuật cũng như nội dung từ phía các tác giả trong khối ASEAN không?

Ông Lê Huy Tiếp: Tất nhiên khán giả sẽ cảm thấy ngỡ ngàng khi xem triển lãm lần này. Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng ta được tiếp xúc với nghệ thuật đồ họa của các nước khu vực ASEAN, qua đó chúng ta thấy được các nước xung quanh ta đã và đang rất phát triển về kỹ thuật cũng như nội dung của nghệ thuật đồ họa. Chúng tôi đã truyền đạt cho họa sỹ đồ họa Việt Nam các chất liệu khó nhưng đó chỉ là những bước cơ bản ban đầu. Tôi thấy rằng việc đưa các tác phẩm của các họa sỹ trong khu vực Đông Nam Á đến với Việt Nam là sự giao lưu nghệ thuật bổ ích để chúng ta có thể trao đổi, học hỏi về cách nhìn nhận cũng như cách trình bày một tác phẩm đồ họa sao cho phù hợp và tinh tế nhất.

PV: Ông có thể cho biết tác phẩm giành giải Nhất triển lãm lần này có gì đặc biệt?

Ông Lê Huy Tiếp: Đây là tác phẩm thuộc kỹ thuật in lõm bằng chân kẽm rất sắc sảo. Tác phẩm của nữ họa sỹ rất trẻ mới tốt nghiệp đại học năm ngoái. Tôi nghĩ rằng điều này rất tốt bởi trong các cuộc triển lãm, các họa sỹ trẻ thường có sức sống riêng trong cách biểu đạt nghệ thuật cũng như cách nhìn vấn đề tinh tế hơn, vững chắc hơn và suy nghĩ mới mẻ hơn.

** Họa sĩ Thành Chương: thay đổi suy nghĩ của các họa sỹ Việt Nam về tranh đồ họa

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về triển vọng ngành đồ họa Việt Nam?

HS. Thành Chương: Tôi thấy triển lãm đồ họa Việt Nam rất phát triển trong thời gian vừa qua. Đời sống xã hội càng phát triển thì nghệ thuật đồ họa sẽ hòa nhập vào đời sống phát triển ấy ngày càng nhiều. Tôi thấy rằng hiện nay, tranh đồ họa đang là hoạt động sôi động nhất, lớn nhất trong cuộc sống hiện nay, số lượng hội viên đồ họa lớn và đồ họa có những đóng góp nhất định vào đời sống phát triển của cộng đồng. Đó cũng là những triển vọng của ngành đồ họa Việt Nam ở hiện tại và cả trong tương lai. Và đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có một cuộc triển lãm về nghệ thuật đồ họa như thế này, lần đầu tiên chúng ta được đứng cạnh các nước bạn trong khu vực về nghệ thuật đồ họa, bản thân tôi cũng như những người làm đồ họa đều cảm thấy tự hào về điều này.

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về việc tranh đồ họa sẽ phát triển thành công nghiệp sáng tạo?

HS. Thành Chương: Cuộc triển lãm lần này đã cho chúng ta nhận thức được những điểm mạnh cũng như điểm yếu của nghệ thuật tranh đồ họa ở Việt Nam. Điều này sẽ chấn chỉnh ý thức của các họa sỹ để làm sao chúng ta vẫn phát triển để giữ được những cảm xúc về tình cảm nhưng đồng thời chúng ta không được coi thường kỹ thuật, dùng kỹ thuật để thể hiện tình cảm của mình một cách chủ động. Như thế, chắc chắn nghệ thuật tranh đồ họa của chúng ta sẽ phát triển trong thời gian tới. Tôi tin rằng cuộc triển lãm lần này sẽ là một trong những dấu ấn, một trong những cột mốc rất quan trọng trong sự thay đổi suy nghĩ của các họa sỹ Việt Nam về việc làm tranh đồ họa. Đó là điều rất đáng mừng.

PV: Cảm ơn các ông về cuộc trò chuyện này!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên